Học sinh, sinh viên có được mua bảo hiểm diện khác?

 Vì vậy, có những quy định bắt buộc mà người dân phải tuân theo quy định chứ không phải "tôi thích thì tôi mua thôi". 

Mua theo diện hộ gia đình rẻ hơn?

Một phụ huynh thắc mắc: “Nhà có 6 người cùng đi đăng ký mua BHYT. Nơi bán BHYT hạ giá tiền theo số người tham gia bảo hiểm Y tế. Thí dụ, người thứ nhất đóng 700.000 đồng/năm. Người thứ 2 đóng 500.000 đồng, đến người thứ 5 chỉ còn 300. 000 đồng. Nay nhà trường bắt HS - SV đóng bảo hiểm y tế tại trường có thiệt hại cho người dân theo cách tính BHYT như hiện nay?”.

Theo Luật BHYT (sửa đổi, bổ sung năm 2014), có 5 nhóm đối tượng tham gia BHYT. Trong đó, nhóm 1 là người  lao động làm việc theo hợp đồng lao động, cán bộ, công chức… Trẻ em dưới 6 tuổi thuộc nhóm 3, do ngân sách nhà nước đóng BHYT. Học sinh, sinh viên (HS-SV) thuộc nhóm 4, đóng 70% còn ngân sách sẽ hỗ trợ 30%. Cụ thể, BHYT của HS-SV là 702.000 đồng. Trong đó HS-SV đóng 491.400 đồng, ngân sách hỗ trợ 211.000 đồng.

Nhóm 5 là “Nhóm tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình gồm những người thuộc hộ gia đình”, trừ đối tượng thuộc nhóm 1,2,3,4. Tất cả thành viên thuộc hộ gia đình theo quy định tại khoản 5 Điều 12 của Luật này phải tham gia bảo hiểm y tế. Mức đóng được giảm dần từ thành viên thứ hai trở đi, 70%, 60%, 50% và 40%. Hiện nay, mức đóng BHYT của người thứ nhất trong hộ gia đình là 702.000 đồng/năm. Người thứ hai đóng 491.400 đồng, chung mức như HS-SV. Người thứ ba đóng 421.200 đồng, người thứ tư đóng 351.000 đồng. Từ người thứ năm trở đi đóng 280.800 đồng.

Như vậy, nếu xem HS-SV như người thứ ba, thứ tư, thứ năm trong hộ gia đình thì mức đóng BHYT sẽ thấp hơn so với đóng BHYT theo diện HS-SV.

Tuy nhiên, Luật BHYT quy định: “Trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm y tế khác nhau quy định tại Điều 12 của Luật này thì đóng bảo hiểm y tế theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các đối tượng quy định tại Điều 12 của Luật này”. Như vậy, HS-SV nằm trong nhóm 4 thì không được “nhảy xuống” đóng theo diện hộ gia đình nhóm 5.

Việc áp dụng mức đóng giảm dần cho các thành viên trong hộ gia đình nhóm 5 là nhằm giảm chi phí cho toàn hộ. Tuy nhiên, nếu những người thuộc nhóm 1, 3, 4 cũng đóng theo nhóm 5, với mức đóng giảm dần, thì sẽ có lợi cho bản thân, vì mức đóng thấp hơn, nhưng xét theo tính chất tương trợ cộng đồng thì sẽ không đảm bảo cho quỹ, không đủ để chi trả BHYT.

Khen hay chê thì vẫn bắt buộc mua! 

Mỗi HS-SV đóng BHYT đến nửa triệu bạc/năm, thế nhưng hiệu quả của loại bảo hiểm này như thế nào?

Có phụ huynh chia sẻ “Không mua đi rồi không may ốm đau vào viện điều trị rồi kêu trời vì viện phí rất cao đối với người không có BHYT. Hôm tháng trước tôi thấy có trường hợp ông đưa cháu nhập viện vì sốt xuất huyết, ký quỹ 2 lần hết 4 triệu đồng, khi thanh toán sau 8 ngày nằm viện hết khoảng 3,5 triệu đồng, trong khi đó cùng nhập viện một ngày, cùng nằm chung buồng bệnh, cùng ra viện 1 ngày mà đứa cháu tôi có BHYT nên thanh toán chỉ hết 500 nghìn đồng”.

Nhưng không phải ai cũng hài lòng. Nhiều phản ánh của phụ huynh cho thấy sự vận hành của loại BHYT bắt buộc đã không làm hài lòng người đóng BHYT.

Thế nhưng, chê trách BHYT cũng rất nhiều. Thu tiền thì rất nhanh, nhưng làm thẻ thì rất chậm trễ. Một phụ huynh phản ánh: “Năm ngoái tôi mua BHYT cho con gái. Tháng 12 con ù tai tôi bảo con đến trường xin cái thẻ BHYT để đi khám nhưng cô giáo bảo chưa có. Thế là đành phải đưa đi khám tư. Đến nay tôi vẫn chưa biết cái thẻ BHYT mặt mũi thế nào. Tình trạng này là phổ biến”.

Mua bảo hiểm công ty 5 triệu đồng, vẫn phải mua BHYT bắt buộc

BHYT là của nhà nước, mang tính chất bắt buộc, nhằm xây dựng quỹ BHYT toàn dân để tương trợ cho nhau. Tuy nhiên, khá nhiều phụ huynh không hài lòng với chất lượng dịch vụ công của BHYT, họ chọn mua bảo hiểm sức khỏe của các công ty bảo hiểm kinh doanh.

Anh L.M.T (quận Bình Thạnh), có con gái nay đã 8 tuổi. Do bé hay bệnh vặt từ nhỏ nên anh chủ động mua bảo hiểm sức khỏe toàn diện cho bé và cho các thành viên trong gia đình. "Mức phí bảo hiểm cho riêng bé đến gần 5 triệu đồng/năm, tôi không tiếc, vì mỗi khi bé bệnh, đưa đi bệnh viện quốc tế có bác sĩ chăm sóc rất tận tình, phòng ốc khang trang sạch sẽ. Tốn 5 triệu đồng/năm mà lỡ bệnh được thanh toán gần 30 triệu đồng/năm. Tôi không cho con đi khám, chữa BHYT vì tôi không tin cậy vào chất lượng dịch vụ y tế công!", anh T nói. 

Mặc dù mua gói bảo hiểm sức khỏe của các công ty bảo hiểm, trình giấy bảo hiểm cho nhà trường, nhưng anh T. thường xuyên bị nhà trường nhắc phải mua BHYT bắt buộc cho bé. Anh cho rằng người dân phải mua cùng lúc 2 loại bảo hiểm về y tế, sức khỏe là không hợp lý, gây lãng phí. 

Anh Xuân Huân (quận Thủ Đức) có hai con đang học trung học, đóng BHYT đều các năm. "Tôi biết BHYT hiện nay là bắt buộc. May mắn là các con tôi khỏe, gần như không phải đi bệnh viện gì cả, tôi vẫn đóng BHYT mà không tiếc, vì tôi nghĩ đấy là chuyện xã hội, người khỏe đóng cho người bệnh. Mình khỏe mình đóng, để khi mình già, mình yếu, mình bệnh thì mình hưởng BHYT nhiều mà không thấy ngại. Được cái là nhà trường có khám sức khỏe định kỳ 2 lần trong năm học, nên tôi cho rằng đóng BHYT là hợp lý. Tuy nhiên, tôi cho rằng Bộ Y tế cũng cần xem lại tại sao người dân phản ứng với BHYT học sinh, tìm nguyên nhân để khắc phục, thì người dân sẽ vui vẻ đóng BHYT hơn. Nếu đóng BHYT đều đều mà đến bệnh viện phải nằm 2-3 cháu một giường, thì xót xa lắm. Nên đầu tư cho bệnh viện nhiều hơn, vì bệnh viện luôn quá tải. Không nên bỏ tiền xây tượng đài hay bảo tàng, vì có ai đóng bảo hiểm tượng đài hay bảo hiểm bảo tàng bắt buộc đâu!". 

Dù không hài lòng nhưng theo quy định, HS-SV vẫn bắt buộc phải mua BHYT theo gói mà nhà nước đã quy định sẵn. 

 

Vì sao không được mua lẻ cá nhân mà phải mua cả hộ gia đình?

Xin trích một trả lời mà cơ quan Bảo hiểm Xã hội TP.HCM đã từng trả lời, như sau: “từ năm 2015, 100% thành viên trong hộ phải tham gia BHYT. Luật quy định như vậy là vì muốn các thành viên trong gia đình cùng có trách nhiệm tương trợ lẫn nhau. Một người cần mua BHYT có nghĩa người đó đang có bệnh. Vậy thì những người khác phải giúp đỡ người thân của mình bằng việc tham gia BHYT”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm