Học sinh thích thú hóa thân vào nhân vật tuồng cổ

(PLO)- Không chỉ xem nghệ sĩ biểu diễn, học sinh Trường THCS Nguyễn Du, quận 1 còn được thay y phục, trực tiếp đóng vai và biểu diễn như một nghệ sĩ cải lương trên sân khấu.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 20-2, Trường THCS Nguyễn Du phối hợp với Đoàn Cải lương tuồng cổ Huỳnh Long tổ chức chương trình “Du xuân học đường”.

Học sinh thích thú khi được đóng vai nghệ sĩ cải lương
Học sinh thích thú khi được đóng vai nghệ sĩ cải lương

Nghệ sĩ chuẩn bị đầu tóc, y phục để chuẩn bị cho vở diễn. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Tham dự chương trình, các nghệ sĩ đã biểu diễn một số trích đoạn cải lương Hồ quảng như Khói lửa biên thuỳ, Nữ hùng dựng nước...

Dù hơn 7 giờ, chương trình mới bắt đầu thế nhưng các nghệ sĩ phải dậy từ rất sớm để trang điểm và thay y phục cho vở diễn.

Học sinh thích thú khi được đóng vai nghệ sĩ cải lương

Đây là trường học thứ 4, đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long tham gia biểu diễn. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Dậy từ lúc 4 giờ sáng để trang điểm, hóa trang đầu tóc, nghệ sĩ Hoài Nhung cho biết: "Bộ trang phục tôi đang mặc nặng khoảng 3,5kg kết hợp với đầu, tóc khoảng 1kg đến 2kg. Đây là một trong những bộ trang phục nhẹ nhàng vì thuộc dạng tiểu thơ. Trong khi đó, nếu đóng vai hoàng hậu, tôi có thể mặc trang phục nặng 10 kg. Để di chuyển dễ dàng, tôi phải mặc thường xuyên và tập luyện nhiều”.

Đến với chương trình, nghệ sĩ Hoài Nhung cùng với các nghệ sĩ khác đã diễn lại trích đoạn Khói lửa biên thuỳ.

Học sinh thích thú khi được đóng vai nghệ sĩ cải lương

Học sinh được mặc trang phục và được chỉ dạy diễn xuất trước khi lên sân khấu. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Điểm đặc biệt của chương trình là học sinh không chỉ thụ động ngồi xem mà còn được mặc y phục, trực tiếp hóa thân vào các nhân vật và biểu diễn như một nghệ sĩ.

Nguyễn Bảo Ngọc, học sinh lớp 6 thích thú khi lần đầu tiên được mặc trang phục biểu diễn cải lương của các nghệ sĩ.

“Khi khoác lên mình bộ trang phục này, em mới hiểu được sự khó khăn cũng như nỗi vất vả của người nghệ sĩ. Bởi trang phục có rất nhiều lớp, chất liệu vải bóng, khó thoát mồ hôi. Hơn nữa, để có thể diễn xuất thành thạo những động tác trên sân khấu, nghệ sĩ đã phải lao động rất miệt mài. Bản thân em chỉ tập vài động tác đơn giản nhưng mãi vẫn không thể nhuần nhuyễn” - Bảo Ngọc nói.

Học sinh thích thú khi được đóng vai nghệ sĩ cải lương

Học sinh hóa thân vào nhân vật của vở diễn, biểu diễn trên sân khấu trong tiếng hò reo của bạn bè. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Bà Nguyễn Đoan Trang, Hiệu trưởng nhà trường cho hay trường tổ chức hoạt động này giúp học sinh tìm hiểu các di sản văn hóa dân tộc như là hát bội, cải lương theo chỉ đạo của UBND quận 1… Qua đó, giới thiệu cho các em nét đẹp của những môn nghệ thuật này.

Học sinh thích thú khi được đóng vai nghệ sĩ cải lương

Các em thích thú và chăm chú xem chương trình. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Về đơn vị phối hợp thực hiện, anh Thái Vinh, Giám đốc Đoàn Cải lương tuồng cổ Huỳnh Long cho biết, đoàn mong muốn đưa bộ môn nghệ thuật này đến với các bạn học sinh - sinh viên. “Chúng tôi rất vui khi nhận được sự cổ vũ của các bạn học sinh. Đây là động lực để tôi cũng như anh em nghệ sĩ tiếp tục thực hiện thêm nhiều chương trình tương tự” - anh Vinh nói thêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm