Đó là một trong những nội dung hướng dẫn của Sở GD&ĐT TP.HCM chiều 12-9 về tổ chức dạy học hai buổi/ngày đối với cấp tiểu học.
Theo đó, Sở chỉ đạo việc tổ chức dạy học hai buổi/ngày chỉ được thực hiện ở những nơi HS có nhu cầu, phụ huynh tự nguyện cho con em tham gia học tập và được sự đồng ý của cơ quan cấp trên quản lý.
Trường phải có đủ phòng học, phòng chức năng, sân chơi, bãi tập, đảm bảo môi trường sạch đẹp và an toàn, có đội ngũ đủ cả về số lượng hoặc chưa đủ thì có thể hợp đồng giáo viên ngoài biên chế. Ngoài ra, các trường đủ điều kiện về đội ngũ và cơ sở vật chất dạy học hai buổi/ngày cho 100% HS, Sở cũng khuyến khích tổ chức bán trú để nâng cao chất lượng dạy học, đáp ứng nhu cầu của cha mẹ HS. Tuy nhiên, phải đảm bảo điều kiện mọi mặt, chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm trong bữa ăn của HS.
Về giảng dạy, Sở yêu cầu các trường chủ động xây dựng nội dung hai buổi sao cho phù hợp với điều kiện cụ thể của từng trường. Các trường tăng cường đổi mới phương pháp dạy học, tổ chức các hoạt động giáo dục linh hoạt, phong phú, thông qua các hoạt động giáo dục để rèn luyện kỹ năng sống, năng lực và phẩm chất cho HS
Giáo viên lựa chọn nội dung, bố trí thời gian hợp lý để hướng dẫn HS hoàn thành các nội dung học tập trên lớp và tổ chức các hoạt động giáo dục của HS, tuyệt đối không giao bài tập về nhà cho các em.
Sở cũng đề nghị các phòng GD&ĐT phải tham mưu quy hoạch xây dựng trường lớp để khắc phục tình trạng sĩ số đông hơn quy định, tăng tỉ lệ HS được học hai buổi/ngày. Tùy theo điều kiện từng trường, các phòng phải duyệt kế hoạch tổ chức dạy học hai buổi/ngày và tăng buổi của các trường tiểu học, thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ các điều kiện và kế hoạch dạy học của từng trường nhằm đảm bảo đúng quy định đã đề ra.
Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) trong một hoạt động ngoài giờ lên lớp tại trường.
Ở khối trung học, trước đó, Sở GD&ĐT cũng vừa có văn bản hướng dẫn cụ thể hoạt động tổ chức dạy hai buổi/ngày.
Cụ thể, các trường tổ chức vào các ngày trong tuần (từ thứ Hai đến thứ Bảy). Đối với cấp THCS, buổi một dạy không quá bốn tiết, buổi hai không quá ba tiết và mỗi tuần học không quá sáu ngày. Với bậc THPT, buổi một dạy không quá năm tiết, buổi hai không quá ba tiết, không quá sáu ngày trong tuần.
Sở cũng yêu cầu các trường thực hiện các giải pháp tổ chức phụ đạo HS yếu, bồi dưỡng HS giỏi phù hợp từng đối tượng HS; dạy học các môn tự chọn và chủ đề tự chọn theo năng lực và nguyện vọng của các em. Thời lượng dành cho phụ đạo, bồi dưỡng văn hóa và dạy học văn hóa tự chọn không quá 50% số tiết của buổi hai.
Các trường phải tăng cường các hoạt động giáo dục như: giáo dục ngoài giờ lên lớp; thể dục thể thao, nghiên cứu khoa học, các hoạt động giáo dục giá trị sống, tăng cường tin học, học ngoại ngữ... để trau dồi kiến thức và kỹ năng cho các em.
Được biết theo chủ trương của TP thời gian tới, TP sẽ không còn dạy thêm, học thêm trong nhà trường. Do đó, tăng cường dạy học hai buổi/ngày là một trong những giải pháp mà TP đang hướng đến nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của phụ huynh HS, nâng cao chất lượng giáo dục và rèn luyện kỹ năng cho các em.
Cần hơn 15.000 phòng học mới giải quyết được chỗ học 2 buổi/ngày Đến nay TP.HCM có khoảng 87% trường tiểu học tổ chức dạy hai buổi/ngày nhưng tỉ lệ HS được học hai buổi/ngày chỉ đạt hơn 69%. Riêng ở bậc THCS thì số HS được học hai buổi cũng thấp hơn rất nhiều, chỉ trên dưới 40%. Theo tính toán của Sở GD&ĐT TP, để giải quyết được bài toán áp lực về sĩ số HS và học hai buổi/ngày, từ nay đến năm 2020, TP cần hơn 15.000 phòng học mới cho các trường công lập theo chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 HS. Được biết theo thống kê của Sở đến thời điểm này, TP đã có 819 dự án trường học do các quận, huyện đề nghị được đầu tư với tổng vốn đầu tư hơn 64.000 tỉ đồng cho giai đoạn trung hạn từ năm 2016 đến 2020. Nếu số dự án này được thực hiện thì mới đáp ứng được chỗ học hai buổi/ngày đầy đủ cho các em. Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TP, cũng cho biết thời gian tới, TP sẽ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng trường lớp để tăng số HS được học hai buổi/ngày và đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục để đầu tư cho giáo dục nhằm giảm tải sĩ số HS/lớp. |