Học sinh tiểu học trường công lập không phải đóng học phí

Sinh viên các ngành đào tạo ngoài sư phạm Trường ĐH Sư phạm TP.HCM xếp hàng đóng học phí - Ảnh: Trần Huỳnh

Thời điểm thực hiện chính sách miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập quy định tại thông tư liên tịch này được tính hưởng từ ngày 1-9-2013.

Thông tư này áp dụng đối với tất cả các loại hình trường ở các cấp học, trình độ đào tạo và cơ sở giáo dục khác của hệ thống giáo dục quốc dân. Đồng thời áp dụng đối với trẻ em học mẫu giáo, học sinh phổ thông; học sinh, sinh viên hệ cử tuyển, trường dân tộc nội trú, trường dự bị ĐH, khoa dự bị ĐH; học sinh, sinh viên, học viên hệ chính quy, liên thông theo hình thức chính quy tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH; học viên các trung tâm giáo dục thường xuyên theo chương trình THCS, THPT.

Ai được miễn, giảm học phí?

Theo đó, không phải đóng học phí là học sinh tiểu học trường công lập; học sinh, sinh viên ngành sư phạm hệ chính quy đang theo học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH công lập, theo chỉ tiêu đào tạo của Nhà nước, được ngân sách nhà nước cấp bù học phí; người theo học các khóa đào tạo nghiệp vụ sư phạm để đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định của Bộ GD-ĐT.

Được miễn học phí gồm người có công với cách mạng và thân nhân của người có công; con của anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, con của anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến; con của liệt sĩ, con của thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; con của bệnh binh; con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.

Trẻ em học mẫu giáo và học sinh, sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ không nơi nương tựa hoặc bị tàn tật, khuyết tật có khó khăn về kinh tế; trẻ em bị bỏ rơi, mất nguồn nuôi dưỡng… Người chưa thành niên từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi nhưng đang đi học văn hóa, học nghề, có hoàn cảnh như trẻ em nêu trên. Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo, con của hạ sĩ quan và binh sĩ, chiến sĩ đang phục vụ có thời hạn trong lực lượng vũ trang nhân dân. Học sinh, sinh viên hệ cử tuyển (kể cả học sinh cử tuyển học nghề nội trú với thời gian đào tạo từ 3 tháng trở lên). Học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú, trường dự bị ĐH, khoa dự bị ĐH. Học sinh, sinh viên học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo.

Sinh viên học chuyên ngành Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh và học một trong các chuyên ngành lao, phong, tâm thần, pháp y, giải phẫu bệnh tại các cơ sở đào tạo nhân lực y tế công lập, theo chỉ tiêu đào tạo của Nhà nước.

Học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số rất ít người ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số rất ít người ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Người dân tộc thiểu số rất ít người bao gồm: La Hủ, La Ha, Pà Thẻn, Lự, Ngái, Chứt, Lô Lô, Mảng, Cống, Cờ Lao, Bố Y, Si La, Pu Péo, Rơ Măm, BRâu, Ơ Đu; ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn theo quy định…

Miễn, giảm trực tiếp tại trường

Đó là thay đổi quan trọng trong việc thực hiện miễn, giảm học phí cho học sinh, sinh viên các trường công lập được quy định chi tiết trong thông tư này. Theo đó, phương thức miễn, giảm học phí đã được thay đổi từ phương thức cấp bù tiền miễn, giảm học phí cho gia đình người học thông qua các phòng LĐ-TB&XH cấp huyện bằng hình thức miễn, giảm học phí trực tiếp tại trường. Nhờ vậy, các đối tượng miễn, giảm học phí tại trường công lập sẽ không phải nộp học phí cho nhà trường mà chỉ phải làm đơn đề nghị miễn, giảm học phí gửi cơ sở giáo dục đào tạo kèm theo các hồ sơ liên quan quy định theo từng đối tượng.

Đáng chú ý, thông tư này đã quy định cụ thể đối với người học tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH ngoài công lập; cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH thuộc doanh nghiệp nhà nước. Học sinh, sinh viên thuộc đối tượng này phải làm đơn có xác nhận của nhà trường gửi về: phòng GD-ĐT (trẻ em học mẫu giáo, học sinh THCS); sở GD-ĐT (học sinh THPT); phòng LĐ-TB&XH (học sinh, sinh viên học ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH) để được xét miễn, giảm học phí.

Phương thức chi trả tiền miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập đối với người học ở các cơ sở giáo dục ngoài công lập; cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH thuộc doanh nghiệp nhà nước do phòng GD-ĐT, sở GD-ĐT, phòng LĐ-TB&XH chi trả (nộp hồ sơ tại đâu thì nơi đó sẽ chi trả). Kinh phí cấp bù tiền miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập được cấp đủ trong 9 tháng/năm học (đối với học sinh mầm non và phổ thông), 10 tháng/năm học (đối với học sinh, sinh viên học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục ĐH) và thực hiện 2 lần trong năm: lần 1 chi trả đủ 4 tháng (đối với học sinh mầm non và phổ thông), 5 tháng (đối với học sinh, sinh viên học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục ĐH) vào tháng 10 hoặc tháng 11; lần 2 chi trả đủ 5 tháng vào tháng 3 hoặc tháng 4.

Nhiều ngành học được giảm học phí

Học sinh, sinh viên các chuyên ngành nhã nhạc cung đình, chèo, tuồng, cải lương, múa, xiếc; một số nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với dạy nghề được giảm 70% học phí. Danh mục các nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ LĐ-TB&XH quy định.

Các đối tượng được giảm 50% học phí gồm: trẻ em học mẫu giáo và học sinh, sinh viên là con cán bộ, công nhân, viên chức mà cha hoặc mẹ bị tai nạn lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp được hưởng trợ cấp thường xuyên; trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông có cha mẹ thuộc hộ cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Học sinh tốt nghiệp THCS trong thời gian 3 năm kể từ ngày tốt nghiệp đi học trung cấp nghề và TCCN.

Đối tượng được hỗ trợ chi phí học tập: trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông mồ côi cả cha lẫn mẹ không nơi nương tựa hoặc bị tàn tật, khuyết tật thuộc diện hộ cận nghèo;có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Chuẩn hộ nghèo được thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo từng thời kỳ.

Theo TRẦN HUỲNH (TTO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm