Hạnh phúc đẫm lệ
Người đàn bà đau khổ mà chúng tôi muốn nói đến là bà Tăng Thị Lộc (SN 1948, quê ở xã Diễn Xuân, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An). Bà Lộc sinh ra trong một gia đình nghèo, đông anh chị em ở xã Diễn Hạnh. Sau này khi lớn lên, bà từ chối tất cả mọi lời tỏ tình của các chàng trai mà quyết định gắn phận mình với người ông tật nguyền trở về từ chiến tranh.
Chồng bà giờ đã mồ yên mả đẹp, nhưng mỗi khi nhớ lại, bà vẫn hằn in: “Chúng tôi quen nhau từ khi còn đi học. Thời đó, có một lần chân tôi bị bong gân, ông ấy đã cõng tôi 3km để về nhà, lúc đó đã thấy quý ông ấy rồi. Nhưng số phận trêu ngươi, trong một lần máy bay Mỹ trút bom khiến ông ấy bị thương rất nặng, cụt cả hai chân và một bàn tay. Nhưng tôi vẫn quyết tâm chọn lựa người đàn ông này. Khi tôi ngỏ ý muốn lấy làm chồng, ông ấy sốc lắm, cương quyết không chấp nhận vì sợ đời tôi sẽ khổ. Hồi đó, chính tôi đã cầu hôn ông ấy”.
Bà Lộc kể về những năm tháng ăn cám tích góp tiền nuôi con ăn học.
Gia đình nhà chồng cũng thuộc diện nghèo khó, đông anh em, vì vậy, đôi vợ chồng trẻ chỉ được bên nội chia cho miếng đất nhỏ xem như của hồi môn để dựng túp lều ở tạm. Chồng bị tật, mọi công việc đều một tay bà Lộc lo toan, gánh vác. Lấy chồng về bà mới thấm thía thế nào là nghèo, cơ cực và đói khát. Đã không ít lần bà rơi nước mắt khi vô tình nghe những lời bàn tán của dư luận: Ai bảo chảnh làm chi, không lấy chồng giàu, lại chọn cái thằng nghèo đói, bệnh tật, giờ thì sướng rồi nhé. Thử xem tình yêu của nó có nuôi sống nó không...
Cuộc sống càng khó khăn hơn khi lần lượt những đứa con ra đời. Bốn lần sinh con nhưng bà không biết thế nào là kiêng kị, là tẩm bổ cho bà đẻ. Sinh xong được vài ngày, bà gửi con cho bà nội để đi làm thuê lấy tiền thuốc thang cho chồng và nuôi con.
Nhiều năm trời, một mình bà chèo chống chăm sóc gia đình. Cứ mỗi đận bão về, bà Lộc lại phải vác thang trèo lên mái nhà, tìm mọi cách che chắn cho căn nhà xiêu vẹo của mình. Bà không nhớ biết bao lần, căn nhà bị bão đánh đổ, bà một mình đi dựng lại nhà. Có những mùa giáp hạt, bà phải nhắm mắt nuốt cám, ăn rau vặt trừ bữa, nhường phần cơm cho các con.
Bà Tám - em gái của bà Lộc kể về đức hy sinh của chị mình.
Không đầu hàng số phận
Bà Lộc kể, ngày xưa bà nổi tiếng là kẹt xỉn, chắc lép. Những người mẹ khác, đi chợ về mua bánh kẹo cho con ăn thoải mái, nhưng các con của tôi chưa bao giờ được ăn quà bánh đầy đủ.
Là người mẹ, ai chẳng thương yêu con, muốn cho con được ăn uống đầy đủ, được bằng bạn, bằng bè, nhưng vì hoàn cảnh, tôi đành phải làm vậy. “Nhiều hôm nghe hàng xóm bàn bán to nhỏ tôi keo kiệt, không cho con cái ăn uống đàng hoàng, lòng tôi nhói đau. Đến giờ, tôi vẫn thấy ân hận vì lúc đó chưa một lần được cho các con ăn bánh no nê”, bà nói.
Hai chị em bà Lộc.
Suốt nhiều năm trời bà không dám mua cho mình một cái áo mới. 4 đứa con của bà mỗi đứa cũng chỉ có một bộ quần áo, mặc hết năm này qua năm khác. Dù sống trong hoàn cảnh khó khăn nhưng nhờ sự thông minh vốn có, cộng với tính siêng năng, các em đều là những học sinh xuất sắc.
Cả đời bà kiên trì nuôi con ăn học, chẳng sợ khổ, chẳng sợ khó và chưa bao giờ biết chùn bước, nhưng cũng có lần bà tưởng phải đầu hàng trước cái nghèo, cái khó của mình.
Bà kể: “Năm con gái thứ 3 thi đỗ vào cấp 3, tôi vừa mừng, vừa lo. Mừng vì thấy con gái mình giỏi giang, lo vì lúc ấy 2 đứa con lớn đều đang học đại học ở Vinh. Một hôm, hai mẹ con đang đi làm ngoài đồng, tôi có nói với nó chuyện nghỉ học, nó cúi gằm mặt xuống rồi dạ lí nhí. Sau đó, nó xin phép về nhà trước vì hơi mệt. Nhìn dáng nó thất thểu bước đi giữa cánh đồng nắng chang chang, tôi nhìn theo con mà khóc nức nở. Dù thương nó, nhưng tôi biết sức mình không thể cáng đáng nỗi.
Hiện nay, dù cuộc sống đã bớt khổ, nhưng hàng ngày bà vẫn giúp người con út lo việc nhà.
Đến khi hai anh chị của nó trong Vinh biết, bắt xe về nhà nói chuyện: “Mẹ hãy để cho em nó được đi học, khó khăn, cả gia đình cùng san sẻ, chúng con sẽ cố gắng tiết kiệm”. Rồi bà cũng quyết định cho tất cả mấy đứa ăn học tới cùng. Không ngại khó ngại khổ, bà chắt chiu từng đồng để nuôi con ăn học. Thời điểm đó, người ta chu cấp mỗi tháng cho con tiền trăm, tiền triệu nhưng với con bà chỉ được 50 nghìn tiền ăn/tháng. Mỗi ngày con của bà Lộc chỉ dám ăn 500 đồng tiền cơm, canh miễn phí.
Chuyện bà Lộc gần chục năm ăn cám lợn, tích góp tiền nuôi chồng bệnh tật và 4 đứa con học đại học khiến nhiều người cảm phục. Nhưng khi nhắc đến chuyện này, bà chỉ cười hiền rồi nói: “Nghĩ đến các con, tôi cố gắng nuốt vào bụng cám thường ngày cho lợn ăn để lấy sức khỏe mà làm việc. Ơn trời, dù ăn uống kham khổ nhưng tôi vẫn đủ sức nuôi chồng, con. Nhưng có lẽ vì ăn cám mà giờ đây tôi bị bệnh đau dạ dày hành hạ”.
Hiện nay, các con bà Lộc đã phương trưởng, công việc ổn định. Bản thân bà không còn phải vất vả như xưa nhưng hàng ngày bà vẫn giúp đứa con út chăm lo việc nhà. Thỉnh thoảng mấy đứa con sinh cháu, bà lại tất bật khăn gói đi chăm sóc. Hạnh phúc nhất của đời bà là được nhìn thấy con cái trưởng thành.
Theo kenh14