Người ít nửa tỉ đồng, người nhiều gần 4 tỉ đồng. Xóm Nghèo (tên làng cũ) phút chốc trở thành “làng tỉ phú”. Những nông dân với móng tay, móng chân còn dính chặt bùn đất, chưa quen với việc đi dép hằng ngày trở thành các “đại gia” của núi rừng.
Hết tiền đền bù, bữa ăn của ông Đinh Văn Nang bây giờ là sắn luộc và rau rừng luộc chấm muối - Ảnh: Trà Giang
Choáng ngợp trước số tiền lớn, họ cuống cuồng chi tiêu hoang phí. Chỉ chưa đầy một năm, quay lại “làng tỉ phú” này, không có sự hào nhoáng, khang trang của cuộc sống no đủ, thay vào đó là những hình ảnh xưa cũ của xóm Nghèo tưởng chừng đã được đẩy lùi xa vĩnh viễn thì nay lại đang hiện thực quay về!
“Đại gia” hết tiền
Khu TĐC Nước Vương (xã Sơn Liên) nằm chênh vênh phía trên bờ đập thủy điện Đăk Đrinh. Con đường bêtông mới mở liên tục bị cắt đứt bởi những trận sạt lở đất từ những ngọn núi dựng đứng tràn qua mặt đường, chắn hết lối đi. Những mái ngói đỏ tươi vừa mới xây của người Ca Dong nằm san sát, ẩn hiện trong làn sương mờ ảo của buổi sớm mai.
Nhà to, đẹp và khang trang ở khu tái định cư Đăk Năng nhưng suốt ngày đóng cửa vì dân không vào ở mà về vùng lòng hồ, nơi ở cũ để mưu sinh - Ảnh: Trà Giang
Nhà của anh Đinh Văn Trãi nằm ở vị trí khá đẹp, dựa lưng vào góc đồi nhỏ án ngữ ngay ngã tư đường của khu TĐC. Căn nhà xây khá kiên cố, đã xong phần thô, tường đã được tô, trát ximăng. Bên trong các phòng ngủ, bếp ăn, gác lửng thiết kế rất đẹp mắt, tiện dụng, chỉ khi ngước mặt nhìn lên thì bắt gặp bầu trời xanh lồng lộng vì phần mái chưa được lợp. Phía trước nhà, bên hông... số ít gạch, ngói, ximăng, sắt thép vứt lăn lóc, hoen gỉ. Sát vách ngôi nhà này là căn nhà gỗ rộng khoảng 20m2, ọp ẹp, kêu cót két mỗi khi có người bước qua. Giữa nhà, sáu đứa trẻ đang chia nhau những củ sắn còn nóng hổi và xem phim trên kênh Star Movies từ chiếc tivi màn hình tinh thể lỏng 52 inch.
Trãi được mệnh danh là “đại gia” khu TĐC Nước Vương khi nhận được gần 2 tỉ đồng tiền đền bù của dự án thủy điện Đăk Đrinh. Có tiền, Trãi nhờ người dưới xuôi mua chiếc Toyota Innova mới cáu với giá gần 1 tỉ đồng, trở thành người đầu tiên trong bản sắm ôtô chở vợ con đi chơi và cho thuê, mượn nếu ai có nhu cầu. Cùng với đó, Trãi xây nhà mới kiểu biệt thự dự toán hơn 1 tỉ đồng.
Cách đây ba tháng, chiếc xe của Trãi gây tai nạn khi cho người mượn đi chơi bị Công an huyện Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) tạm giữ. Nhà đang xây dang dở thì thợ thuyền bỏ ngang rút về hết dưới xuôi vì chủ nhà... hết tiền. Gần một năm nay, căn nhà “nửa vời” ấy bị bỏ mặc cho những cơn mưa rừng, nắng nóng của miền sơn cước bào mòn. Tiền hết, bụng đói, con cái nheo nhóc kêu la, Trãi lại “cắm” mặt vào rừng sâu phát rẫy, thuê đất trồng rừng có khi cả tháng mới về nhà một lần.
Hậu quả đến nhanh
Trong khi đó, căn nhà của ông Đinh Văn Nang (45 tuổi) nằm ở cuối khu TĐC vắng lặng. Một mình ông đang lúi húi sau nhà với mớ rau rừng. Thấy khách, ông Nang thanh minh: “Hết tiền rồi, hái rau rừng luộc ăn với sắn”. Cũng giống như các hộ Ca Dong trong khu TĐC, cuộc sống ông Nang thay đổi chóng vánh khi được di dời và nhận tiền đền bù. Nhìn nồi sắn, nồi rau rừng bốc hơi nghi ngút trên bếp, ông Nang kể: “Được nhận hơn 400 triệu đồng tiền đền bù, trả tiền làm nhà gần hết. Còn một ít tiền thì vợ bị tai nạn giao thông phải thanh toán phí nằm viện hết nhưng vợ vẫn chết”.
Tiền hết, vợ mất, không con. Căn nhà mới xây có đến bốn phòng ngủ, rộng rãi, được lát gạch men láng bóng nhưng không có một vật dụng gì đáng giá ngoài chiếc chiếu thủng lỗ chỗ, bên cạnh là mớ áo quần nhàu nhĩ, sờn bạc. Ông Nang không ở trong căn nhà mới mà ăn, ngủ ở căn nhà sàn cũ kỹ phía sau. Hỏi thì ông bảo: “Ở nhà sàn quen rồi. Nhà mới nóng, lạ quá”!
Rời khu TĐC Nước Vương, chúng tôi đến khu TĐC Đăk Năng (xã Sơn Dung). Ngay đầu khu TĐC được cắm một tấm biển màu xanh thông báo: “Sắp vào thị trấn, đi qua đô thị”. Dưới nắng cuối chiều, hai dãy nhà của khu TĐC nằm song song được xây theo kiến trúc biệt thự hiện ra. Mái được lợp ngói màu xám, đỏ, tường màu vàng. Ánh nắng chiều chiếu rọi khiến màu vàng càng nổi bật, vui mắt hơn. “Nếu có thêm những cửa hàng kinh doanh, dân cư đông đúc thì đúng là thị trấn giữa rừng thật” - chúng tôi nói với nhau. Nhưng đi từ đầu tới cuối khu TĐC là những căn nhà khóa cửa im ỉm, số mở thì trống trơn từ cửa chính đến cửa hậu: không bàn ghế, không giường tủ, không đồ đạc nấu bếp... nhưng hầu như nhà nào cũng có tivi màn hình LCD loại lớn và những cặp loa thùng công suất cực đại. “Để phục vụ ca hát mỗi khi uống rượu” - Đinh Văn Nhân (35 tuổi) nói. Hỏi mọi người trong khu TĐC đi đâu hết rồi, anh Nhân bảo về nơi cũ làm ăn vì nơi mới không có đất sản xuất.
Những bữa tiệc lê la bia rượu, tiếng đàn hát rộn vang núi rừng giờ đã không còn. Dần thay vào đó là những đôi mắt người già, trẻ nhỏ không thể lên nương, lên rẫy được đành ngồi trước bậc thềm nhà mới, mắt luôn dõi về phía lòng hồ thủy điện Đăk Đrinh, nơi bản làng, nương rẫy quây quần bên nhau ngày xưa...
Ông Đinh Văn Trí, phó bí thư Đảng ủy xã Sơn Liên, cho biết chuyện sử dụng tiền đền bù như thế nào cho hợp lý, tránh thất thoát xã đã liệu được từ sớm nhưng không ngờ hậu quả lại đến nhanh như thế. Người dân nơi đây vốn khó khăn, ki cóp chỉ được vài ba trăm ngàn đồng, nay nhận được cả bao tải tiền nên họ... lúng túng. Có gia đình mua đến ba chiếc xe máy, một chiếc lên rẫy, chiếc kia ra huyện và chiếc còn lại về xuôi khi có việc. Những ngày đầu mới về khu TĐC, họ liên tục tổ chức ăn uống, nhậu nhẹt linh đình. “Mặc dù chính quyền địa phương có vận động, tuyên truyền để họ sử dụng tiền tiết kiệm, đúng mục đích nhưng vì đó là tiền của họ, mình không có quyền quyết định được. Không biết sắp tới họ sẽ làm ăn như thế nào để duy trì cuộc sống hay lại ngửa tay chờ hỗ trợ của Nhà nước” - ông Trí nói.
"Sắp tới, huyện tiếp tục chi trả đợt cuối cho 272 hộ với số tiền hơn 84 tỉ đồng. Lần này huyện đã đề nghị với các bên là chỉ chi trả một nửa. Nửa còn lại phải được gửi ngân hàng, làm sổ tiết kiệm để người dân duy trì vốn, lãi mưu sinh, lo cho con cái học hành" Ông Đinh Kà Để (Bí thư Huyện ủy Sơn Tây) |
Thủy điện Đăk Đrinh khởi công tháng 1-2011 nằm trên địa bàn các xã Sơn Liên, Sơn Dung và Sơn Long, huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) và huyện Kong Plong, tỉnh Kon Tum. Nhà máy có công suất 125 MW, tổng mức đầu tư 3.423 tỉ đồng, dự kiến phát điện cả hai tổ máy cuối năm nay. Tại Quảng Ngãi, có hơn 400 hộ dân của ba xã Sơn Liên, Sơn Long và Sơn Dung bị ảnh hưởng trong vùng lòng hồ của dự án phải di dời. Từ đầu năm 2010 đến nay, chủ đầu tư đã phối hợp với huyện Sơn Tây kiểm kê, áp giá đền bù, chi trả cho người dân ở các xã bốn đợt, tổng số tiền đã chi hơn 300 tỉ đồng đền bù đất, hoa màu, vật kiến trúc và hỗ trợ chuyển đổi nghề. |
Theo TRÀ GIANG - PHAN CHUNG (Tuổi Trẻ)