Yêu môn sử từ cách giảng của Thầy
Ảnh minh họa về sự tích thần Kim quy ban kiếm vàng cho vua Lê Lợi đánh thắng quân Minh gắn liền với Hồ Gươm ngày nay được Trường Mần non Hoa Thiên Lý, Bình Chánh, TP.HCM nhắc nhớ học sinh về lịch sử cha ông. Ảnh NT
Clip: GS Nguyễn Khắc Thuần nói về việc dạy và học môn Sử (Nguồn: Đài Phát thanh Truyền hình Đồng Nai/ Youtube)
Những năm học Sử trên giảng đường trường ĐH Khoa học Xã hội - Nhân văn TP.HCM được thầy, nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần giảng dạy chúng tôi mê lắm. Yêu thích lịch sử nước nhà từ sự truyền cảm của Thầy. Mỗi lần có tiết Thầy giảng, cho dù là sinh viên khác khoa cũng kéo đến chật kín giảng đường để nghe thầy giảng.
GS-Nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần. Ảnh tư liệu
Chúng tôi thật sự thấm nhuần vì chất giọng xứ Nghệ và đặc biệt là cách giảng dạy của thầy.
Không phải sinh viên học sinh không yêu thích môn sử hay môn Văn mà quan trọng là cách truyền thụ của thầy cô. Bên cạnh đó là sách giáo khoa biên soạn còn nặng về con số, dự kiện... nên khó nhớ.
Ông Thomas Bains – Hiệu trưởng trường ĐH Kỷ lục Thế giới trao tặng bằng tiến sĩ danh dự cho Nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần – trưởng Khoa Du lịch và Việt Nam học trường Đại học Nguyễn Tất Thành (bên trái) vào ngày 21-9-2013. Ảnh tư liệu
Nhớ cách dạy của giáo sư Nguyễn Khắc Thuần, ngoài dạy sử thầy còn kể chuyện lịch sử và không quên tạo không khí cho sinh viên dõi theo. Thầy sẵn sàng cho điểm 10 nếu một sinh viên nào đó thuộc bài thơ Thuật hoài (Cảm hoài) của danh tướng Đặng Dung (?-1414) thời Hậu Trần nhưng không một ai lấy được điểm 10 của thầy.
Những ngày gần đây dư luận xôn xao việc bài thơ Nam quốc sơn hà được đưa vào SGK Ngữ văn lớp 7 với phần dịch thơ của hai cụ Lê Thước và Nam Trân khó hiểu hơn với bản dịch của cụ Trần Trọng Kim trước đây. Đây cũng là bài thơ Thần tương truyền của danh tướng Lý Thường Kiệt và được xem là bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên gắn với sự kiện lịch sử đánh thắng quân Tống trên sông Như Nguyệt (sông Cầu) giành nền độc lập của nước ta.
Nếu không có lịch sử, liệu bài thơ nổi tiếng đã được thế hệ cha ông và thế hệ trẻ ngày nay nhắc nhớ đến. Lịch sử gắn bó trong tất cả các ngành khoa học, xã hội... là như thế đó.
Chúng tôi nhớ mãi câu nói mà thầy khuyên chúng tôi: “Học sử là học tấm lòng cổ nhân”. Vâng, lịch sử đã để lại cho hậu thế biết về dân tộc mình. Thế nhưng, con cháu đã vội quên đi lịch sử, thế có tội với tổ tiên không?
Môn Sử không thề lồng ghép
GS Phan Huy Lê cho rằng nếu xóa bỏ môn lịch sử là điều rất nguy hiểm.
GS, nhà sử học Phan Huy Lê trò chuyện cùng Báo Pháp luật TP.HCM, ông đã dẫn lại: "Trong Điều 28 Luật Giáo dục đã nhấn mạnh một điểm ở cấp THCS phải coi trọng giáo dục kiến thức cơ sở cho học sinh, thứ nhất là tiếng Việt, thứ hai là toán và thứ ba là lịch sử dân tộc, điều này đã đi vào luật".
Vâng, lịch sử không thể xem nhẹ. Bất cứ ngành, nghề nào cũng liên quan đến lịch sử. Bộ Giáo dục và Đào tạo nên và nhất thiết đưa bộ môn lịch sử vào các kỳ thi các cấp. Nâng cao vai trò người thầy dạy sử, và cần tổ chức thi học sinh giỏi Quốc gia về Lịch sử để các em không xem nhẹ hay chỉ coi là “môn phụ”. Các báo, đài cần tổ chức nhiều cuộc thi về Lịch sử,… Làm như thế tôi tin chúng ta sẽ không “cười mà đau” như những gì đã được “mắt thấy tai nghe” mà… “đau đớn lòng” nữa.
Như lời cố giáo sư Trần Văn Giàu đã từng nói: “Chỉ có tòa án lịch sử là cao nhất, hơn cả tòa án lương tâm. Lịch sử không chỉ là biết vấn đề lịch sử mà là hiện đại”.
Ngày 15-1, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam sẽ tổ chức Hội thảo Khoa học quốc gia về môn lịch sử vào tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Hy vọng môn lịch sử sẽ được trả về đúng ý nghĩa, giá trị như vốn có từ trước đến nay.