Tại cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp năm 2020, dự án “Sản xuất giấy và làm đồ dùng handmade từ bã mía” của học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, quận Thủ Đức, TP.HCM đã đoạt giải ba ở khối học sinh.
Ý tưởng đến từ một bài tập về nhà
Trần Xuân Khánh Thi, học sinh lớp 12, trưởng nhóm dự án, cho biết ý tưởng sản xuất giấy từ bã mía xuất phát từ một bài tập về nhà năm lớp 10 liên quan đến tái chế rác thải. Một bạn trong nhóm thấy xung quanh trường học nhiều bã mía sau khi sử dụng bị đốt bỏ đã gây ô nhiễm môi trường. Do đó, để tận dụng được nguồn nguyên liệu này, các bạn nghĩ đến việc tái chế bã mía thành một vật dụng có ích trong đời sống, chẳng hạn làm giấy.
Nghĩ là làm, nhóm bắt tay vào việc thực hiện dự án. Các hoạt động chính được nhóm vạch ra gồm tìm kiếm tài liệu, xây dựng quy trình làm giấy phù hợp; thu thập và xử lý bã mía; làm giấy từ bã mía; nghiên cứu thay đổi tỉ lệ mía và phụ gia, áp dụng cách tẩy trắng giấy để nâng cao chất lượng giấy; trang trí, hoàn thiện sản phẩm và cuối cùng lập fanpage quảng cáo. Để thuận tiện công việc, nhóm chia thành bốn nhóm nhỏ, mỗi nhóm có nhiệm vụ khác nhau gồm nghiên cứu, sản xuất giấy thô, trang trí, truyền thông.
Với sự độc đáo, khác lạ, thân thiện môi trường, dự án của các em đã đoạt được giải ba cuộc thi Học sinh, sinh viên khởi nghiệp năm 2020. Ảnh: NTCC
Trải qua một quá trình dài tìm hiểu, phân tích, thử nghiệm, kết hợp ý tưởng giấy thân thiện với môi trường và tái sử dụng polymer có nguồn gốc thiên nhiên, nhóm đã sáng tạo ra một loại giấy mới thông qua việc sử dụng nguồn nguyên liệu dễ tìm là bã mía kết hợp với các nguyên liệu phụ gia là polyvinyle ancol (PVA) và hydro peroxid (ôxy già). Keo hữu cơ PVA là một polymer tổng hợp tan được trong nước và không độc hại với sức khỏe con người. Trong khi đó ôxy già có khả năng tẩy trắng và an toàn. Chính vì vậy, chất lượng giấy ngày càng cao, sản phẩm ngày càng đáp ứng được thị trường.
Trưởng nhóm dự án cho hay quy trình sản xuất bã mía từ giấy trải qua nhiều giai đoạn. Để làm ra một sản phẩm từ bã mía mất hai ngày. Bã mía sau khi thu gom sẽ được ngâm nước 3 tiếng để loại bỏ mùi và chất bẩn. Sau khi xử lý, bã mía sẽ được phơi khô, cắt nhỏ, xay nhuyễn, rây thành bột mía. Hỗn hợp bột mía được lọc qua ôxy già 15 phút để tẩy trắng. Mang hỗn hợp trộn với keo PVA để tạo hình giấy. Giấy sẽ được phơi 4 tiếng để thành giấy thô, qua trang trí sẽ thành sản phẩm hoàn chỉnh.
Sản phẩm đã xuất hiện trên thị trường
“Hiện nhóm đã cho ra mắt các dòng sản phẩm từ bã mía như postcard, bookmark, sổ tay, lịch, quai xách ly nước, tranh treo tường bán online qua fanpage “SugarPop - Mang mía đến mọi nhà” và offine” - Khánh Thi hồ hởi khoe.
Để sản phẩm được nhiều người biết đến, nhóm đã mở bán trên fanpage, mở workshop hướng dẫn học sinh làm giấy từ bã mía; trưng bày sản phẩm ở các ngày hội chợ, ngày hội Hoa phượng đỏ.
“Giá thành sản phẩm thấp hơn so với các sản phẩm handmade khác trên thị trường. Sản phẩm thân thiện với môi trường, hoàn toàn không gây độc hại cho sức khỏe. Điều đặc biệt là các mặt hàng độc đáo, sáng tạo, phù hợp làm quà tặng vừa mang nét đặc trưng Việt Nam từ nguyên liệu chính là mía, vừa có thiết kế hợp thời, bắt kịp với xu hướng tiêu dùng. Hơn nữa, nó cũng nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Với những ưu thế trên, sản phẩm được mọi người tín nhiệm. Doanh thu từ sản phẩm 70% sẽ dùng để làm từ thiện, 30% nhóm sẽ đầu tư thêm cho sản phẩm” - Thi nói.
Những sản phẩm được các em học sinh làm từ bã mía. Ảnh: NTCC
“Tuy nhiên, do tất cả quy trình đều làm thủ công nên đòi hỏi sự tỉ mỉ và cẩn trọng. Hơn nữa, chất lượng giấy không hoàn toàn giống nhau và số lượng giấy làm ra chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng. Điều kiện thời tiết cũng ảnh hưởng rất lớn đến thời gian hoàn thành sản phẩm, trời mưa không thể phơi giấy. Những vấn đề này sẽ được nhóm nghiên cứu cải thiện trong thời gian tới” - Khánh Thi nói thêm.
Đồng hành cùng dự án từ những ngày đầu tiên, cô Nguyễn Trần Quỳnh Phương, giáo viên hóa học, bày tỏ: Việc thực hiện dự án đã khiến các em thay đổi và phát triển hoàn thiện về bản thân từ kỹ năng làm việc nhóm, nghiên cứu, tìm hiểu vấn đề, phát triển các kênh mua bán. Tuy nhiên, điều quan trọng là các em đã biết yêu quý môi trường và sáng tạo nên một sản phẩm xanh.
Với các thành viên thực hiện dự án, ngoài việc trang bị thêm kiến thức về môn học, về những kỹ năng cần thiết thì còn bồi đắp thêm tình yêu môi trường và sử dụng sản phẩm xanh, thân thiện với thiên nhiên.
Nhóm thực hiện dự án gồm bảy thành viên. Các em đều là học sinh của Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, quận Thủ Đức, gồm Nguyễn Hạnh Nguyên, Nguyễn Anh Nhật Linh, Lương Tâm Như, Trần Nguyễn Đăng Tâm, Nguyễn Thị Bích Trâm, Dương Tường Ý Nhi, Trần Xuân Khánh Thi. |
(PLO)- Qua sáng tạo của chính học sinh, sinh viên, những thứ tưởng chừng chỉ là rác thải đã trở thành những sản phẩm có giá trị trong đời sống.