Theo Reuters, Người Đức, vốn là những người sáng lập cũng như đóng góp tài chính cho khối liên minh tại châu Âu sau chiến tranh, hiện đã đề xuất đóng cửa biên giới đối với người tị nạn.
Dù Ngoại trưởng Đức sau đó lên tiếng bác bỏ đề xuất này, nhưng đây được nhiều người xem như một giải pháp cứu cánh về mặt chính trị cho vị nữ nguyên thủ Đức từng cho phép hàng triệu người tị nạn nhập cư.
Người ủng hộ của Đảng Dân chủ Quốc gia Đức trưng cờ và ảnh trong cuộc tuần hành ở Riesa, Đức.
Nỗi lo châu Âu
Không chỉ vậy, có ý kiến cho rằng nước Đức còn quyết định hồi sinh Deutschmark - đồng tiền riêng của Đức trong tình thế khó khăn này. Đây không chỉ là sự mong đợi của những người luôn hoài nghi về liên minh EU mà còn là một nỗi sợ đang dần hiện hữu tại Berlin và Brussels.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng như Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đều chật vật trước nạn gia tăng tội phạm vào đầu năm 2016 tại nhiều thành phố ở châu Âu.
Cả hai vị này đều lên tiếng cảnh báo các thành tựu chung của EU đang gặp nhiều nguy cơ từ phản ứng chủ nghĩa dân tộc thái quá đối với dân nhập cư cũng như các khủng hoảng khác.
Ông tiếp tục cảnh báo châu Âu đang đứng trước “cơ hội cuối cùng”, mặc dù ông vẫn không mong muốn đây không phải là “khởi đầu của sự kết thúc”.
Bà Merkel hiện đang phải đối mặt với rắc rối từ nhóm bảo thủ ủng hộ bà cũng như nhóm phản đối. Bà cho biết châu Âu đang "dễ bị tổn thương" và số phận của đồng euro "có liên quan trực tiếp" đến việc giải quyết cuộc khủng hoảng di dân.
Một số người cho rằng những phát ngôn này chỉ là chiến thuật đe dọa nhằm vào một số đồng minh châu Âu. Hy Lạp và Ý, hiện vẫn chưa đưa ra nhiều động thái quyết đoán nhằm kiểm soát các bờ biển Địa Trung Hải. Đồng thời các nước Đông Âu, dù đang hưởng lợi từ trợ cấp của Đức song vẫn phản ứng quyết liệt trước yêu cầu giúp đỡ người tị nạn.
Nước Đức hiện rơi về tình trạng “thân cô thế cô” khi người sáng lập EU là Pháp cũng đang lo sợ một mặt trận quốc gia chống người nhập cư đang trỗi dậy, còn nước Anh, quyền lực thứ ba trong khối thì đang bận tâm về câu hỏi nên đi hay ở lại khối EU.
Do vậy, dù các phát biểu của ông Juncker hay bà Merkel có là đe dọa suông thôi hay thực chất có ảnh hưởng thật thì các quan chức hàng đầu EU đang lo ngại nếu không có sự giúp đỡ từ Thổ Nhĩ Kỳ nhằm ngăn dòng người tị nạn đến được bờ biển Hy Lạp; hoặc hi hữu hơn là các nước EU thay đổi thái độ, quay lưng với nước Đức trong việc ổn định người tị nạn, nước Đức có thể sẽ phải đóng cửa nhà mình. Viễn cảnh này có thể sẽ gây ra nhiều hậu họa lớn hơn nữa trong mùa xuân này.
Áp lực lên vai Merkel
Hiện các đồng minh bảo thủ của bà Merkel tại Bavaria đã đặt ra yêu cầu phải ngăn chặn được người tị nạn đổ về bang miền Nam nước Đức này trước kỳ bầu cử sắp tới vào tháng 3-2016.
Trước tình thế này, bộ trưởng tài chính Đức đã nhanh chóng úp mở về những nguy cơ mà các đồng minh EU có thể gặp phải.
"Nhiều người nghĩ rằng đây là vấn đề của riêng nước Đức," Wolfgang Schaeuble cho biết trong cuộc họp với các bộ trưởng tài chính EU ở Brussels. "Nhưng nếu Đức làm những gì mọi người mong đợi, chúng ta sẽ thấy đây không phải là vấn đề của nước Đức - mà là của châu Âu."
Các đồng minh cao cấp của bà Merkel hiện đang cật lực tìm cách dập tắt những bất đồng trong nội bộ Đảng có thể làm hỏng kế hoạch giải cứu Hy Lạp bằng các gói cứu trợ, giữ cho nước này ở lại khu vực đồng euro như năm ngoái.
Tuy nhiên, áp lực dư luận đang tiếp tục tăng lên và đòi hỏi nhiều biện pháp cấp quốc gia, như đặt hàng rào biên giới, một biện pháp mà bà Merkel, vốn là một người dân từ Đông Đức sẽ không thể nào tán thành.
"Nếu ta cho dựng lên một hàng rào, đó sẽ là sự kết thúc của châu Âu. Chúng tôi cần phải kiên nhẫn”, bà Merkel nói.
Tuy nhiên, theo một quan chức cấp cao của Đức, thời gian giờ không còn nhiều. Vị này nhận định thêm “nữ thủ tướng từng nhiều lần yêu cầu đảng của bà hãy cho thêm thời gian. Tuy nhiên, lập luận của bà đang mất dần sự thuyết phục. Sau vụ việc ở Cologne, bà đang đối mặt với tình thế ngày một khó khăn”.
Ông cũng lưu ý rằng các đợt di cư đến đây vẫn không giảm trong các tháng mùa đông.
Nỗi sợ hãi của Schengen
Cả bà Merkel và ông Juncker đều nhấn mạnh mối liên hệ giữa việc kiểm soát biên giới quốc gia trong khu vực đi lại tự do Schengen với sự sụp đổ của thị trường chung châu Âu và đồng euro. Cả hai yếu tố này sẽ phá hủy nền kinh tế và khiến thất nghiệp diễn ra hàng loạt.
Bà Merkel đang gặp nhiều khó khăn trước cuộc bầu cử sắp tới. Ảnh minh họa
"Nếu không còn khu vực Schengen... thì đồng tiền chung euro cũng không có ý nghĩa gì" - ông Juncker phát biểu trong cuộc họp báo đầu năm mới. Ông nói thêm, oán giận lịch sử quốc gia đang được nhem nhóm trở lại, đả kích thế hệ lãnh đạo của ông. Điều đó phung phí những di sản mà những người sáng lập EU để lại.
Bà Merkel hiện chưa đưa ra ý kiến gì về việc liệu Đức sẽ làm theo các nước láng giềng như Áo và Đan Mạch thắt chặt kiểm tra biên giới để từ chối nhập cảnh cho người di cư trái phép hay không. Nhưng bà nêu rõ cách mà châu Âu có thể bị tổn thương.
"Không ai có thể giả vờ rằng bạn có thể có một đồng tiền chung mà không thể qua lại biên giới một cách dễ dàng", bà nói tại một sự kiện doanh nghiệp vào tuần trước.
Một quan chức cấp cao của EU cũng thẳng thừng: "Một nguy cơ rất lớn là Đức sẽ đóng cửa biên giới. Lúc đó sẽ không còn khối Schengen nữa. Hội nghị thượng đỉnh vào tháng 2 tới đây có khả năng sẽ bắt đầu chuỗi đếm ngược đến hồi kết”.
Trong số 160.000 người tị nạn được giới lãnh đạo EU phân bố cho các quốc gia thành viên vào tháng 9 năm ngoái, không tới 300 trường hợp đã được di chuyển.
Berlin và Brussels tiếp tục thúc đẩy phân phối người tị nạn ra khắp châu Âu. Nhưng giờ đây ít ai đặt niềm tin vào chính sách này.
Chìa khóa giải quyết vấn đề: Thổ Nhĩ Kỳ
Các nhà lãnh đạo EU cũng đang trông chờ sự giúp đỡ từ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan.
Berlin đang kêu gọi chi viện thêm tiền bạc cho Ankara ngoài số tiền 3 tỉ euro mà Italy đang phản đối. Một số người Đức đề nghị chỉ sử dụng nguồn tiền từ Đức để ngăn chặn dòng người tị nạn từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Các quan chức EU cho rằng còn quá sớm để lo sợ. Hiện các đợt dân tị nạn đến châu Âu đã giảm trong tháng này.
Dữ liệu của Liên Hiệp Quốc cho thấy lượng người tị nạn đến hàng ngày đã giảm đi một nửa so với tháng 12 năm ngoái.
Có được điều này là nhờ vào động thái cho phép người tị nạn làm việc tại Thổ Nhĩ Kỳ. EU cũng sẽ xây dựng thêm nhiều trường học cho trẻ em tị nạn.
Tuy nhiên, Ủy viên Về người di cư của EU Dimitris Avramopoulos, lại bày tỏ mối lo ngại trước Nghị viện châu Âu. Theo ông, các cuộc khủng hoảng người tị nạn đã làm tổn hại đến cốt lõi của Liên minh châu Âu.
Ông không có cơ sở nào để lạc quan hơn trước những kho khăn trước mắt, thế nên chỉ còn cách lấy “lạc quan làm thành lũy cuối cùng của EU”.