Cuộc chiến tiêu diệt bọn ủng hộ Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS)đang chiếm đóng một phần TP Marawi hiện bước vào giai đoạn kết thúc. Tổng thống Rodrigo Duterte tuyên bố như trên vào ngày 31-8, đúng 100 ngày nhóm khủng bố Maute nổ súng đánh chiếm TP Marawi ở miền Nam Philippines.
Còn 40 tên khủng bố trong Marawi
Chiến sự bắt đầu bùng nổ ở Marawi ngày 23-5. Lúc bấy giờ tình hình khốc liệt đến mức Tổng thống Duterte đã phải ban bố thiết quân luật trên toàn vùng Mindanao. Quân đội đã điều động 20.000 quân và triển khai số lượng lớn phương tiện chiến tranh đến bao vây Marawi. Đây là vụ khủng hoảng an ninh nghiêm trọng nhất của Tổng thống Duterte từ khi ông cầm quyền vào tháng 7-2016.
Sau 100 ngày chiến sự, tổn thất khá nặng nề. Theo nguồn tin từ chính phủ Philippines, số người chết lên đến khoảng 800 người gồm 136 binh sĩ, 45 thường dân và số còn lại là phiến quân Maute. Con số thương vong chắc chắn cao hơn vì còn nhiều thi thể dưới các đống đổ nát trong TP. Hội Chữ thập đỏ thống kê có 179 người dân mất tích và khoảng 600.000 người đã tản cư khỏi khu vực chiến sự.
Người phát ngôn quân đội Philippines cho biết chỉ còn khoảng 40 phiến quân Maute đang cố thủ trong nhiều căn nhà với phạm vi khoảng 1,5 km2 tại Marawi. Chúng cũng còn giam giữ hàng chục con tin.
Tuyên bố của Tổng thống Duterte được đưa ra hôm 31-8 sau khi quân đội Philippines kiểm soát cây cầu chiến lược Mapandi, con đường tiếp tế sống còn ở Marawi và là con đường thuận lợi nhất để tiến vào khu vực do quân khủng bố Maute chiếm đóng.
Quân đội Philippines vượt qua cầu Mapandi tiến vào Marawi hôm 30-8. Ảnh: ABS-CBN NEWS
Từ ngày 30-8, các nhà báo đã được phép vào Marawi trong vòng bảo vệ của xe bọc thép. Tướng Melquiades Ordiales mô tả mức độ ác liệt với các nhà báo cùng đi qua cầu Mapandi: “Cứ mỗi centimet chúng tôi tái chiếm đều vấp phải sức kháng cự quyết liệt của bọn chúng”.
Ngày 1-9, quân đội Philippines tiếp tục tái chiếm cây cầu chiến lược thứ hai mang tên Banggolo. Tướng Carlito Galvez, chỉ huy Bộ tư lệnh Đông Mindanao, tuyên bố chiến sự ở Marawi sẽ còn kéo dài vài tuần. Quân đội Philippines đưa ra tuyên bố khá dè dặt bởi trước đây đã nhiều lần chính quyền và quân đội tuyên bố kết thúc chiến dịch quá sớm trong khi tiếng súng vẫn nổ, nhóm khủng bố Maute vẫn đủ sức chống trả.
Ba lý do chiến sự Marawi kéo dài
Mốc 100 ngày chiến sự tại Marawi đã trôi qua nhưng sắp tới tương lai vẫn chưa thể định hình. Chuyên gia Romain Quivooij ở ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore) đánh giá quân đội Philippines chiến đấu tại Marawi rất gay go vì ba lý do:
. Một là các đơn vị triển khai ở Mindanao được huấn luyện về chiến dịch chống nổi dậy trong vùng nông thôn trong khi Marawi lại thuộc môi trường đô thị. Cuộc chiến ở Marawi diễn ra trên từng con đường và từng nhà một.
. Hai là phần lớn dân đảo Mindanao theo Hồi giáo trong khi đa số dân Philippines lại theo Công giáo. Do đó từ đầu chính quyền và quân đội Philippines đã có ý chí tránh để mang tiếng là kẻ phá hủy TP Marawi, vì như thế sẽ dẫn đến xung đột giữa các cộng đồng tôn giáo địa phương.
. Ba là bọn khủng bố bố trí quân bắn tỉa và bom tự tạo khắp nơi, đặc biệt tại các khu vực thờ tự. Chúng biết tận dụng mạng lưới hầm ngầm và địa đạo để tránh bị pháo kích và máy bay ném bom. Mạng lưới địa đạo chống bom đã được xây dựng tại Marawi từ thập niên 1980 và 1990. Người dưới địa đạo có thể lưu thông đến các khu vực trong TP và thậm chí thoát ra ngoài. Bọn đầu sỏ của phiến quân Maute cũng có thể đã theo địa đạo trốn ra ngoài.
Trong bối cảnh đó, các binh sĩ Philippines chiến đấu tại Marawi nhanh chóng mệt mỏi. Chuyên gia Romain Quivooij đánh giá: “Tình hình ở Marawi giống hệt chiến trường Iraq-Syria vì bọn đầu não IS chuyên di chuyển từ khu vực này sang khu vực khác từ khi chúng mất Mosul và Raqqa bị tấn công. Nếu thông tin bọn cầm đầu các nhóm bị bao vây ở Marawi trốn thoát được xác nhận, chắc chắn chúng chỉ xem Marawi như một chặng trong cuộc chiến trường kỳ ở Philippines chứ không phải chỉ muốn đánh để tử vì đạo”.
Tổng thống Duterte dự báo một khi chiến sự tại Marawi kết thúc, bọn khủng bố sẽ vẫn tiếp tục mở nhiều vụ tấn công mới ở miền Nam Philippines để thiết lập căn cứ IS tại Đông Nam Á. Theo ông, nhiều TP có đông dân theo Hồi giáo đang bị đe dọa, kể cả thủ đô Manila.
Vụ khủng hoảng Marawi có thể trở thành tiền lệ ở Philippines. Trước chiến sự Marawi ngày 23-5, nhóm phiến quân Maute đã đủ sức trở thành nhóm thánh chiến mạnh trong khu vực. Chúng đã câu kết thành công với một cánh của nhóm Abu Sayyaf (chuyên bắt cóc đòi tiền chuộc), phiến quân Các chiến binh Hồi giáo vì tự do Bangsamoro (BIFF) và phiến quân Hồi giáo Ansarul Khilafa ở Philippines (AKP). Chuyên gia Romain Quivooij cảnh báo: “Nói chung Philippines là môi trường hoạt động bên ngoài Trung Đông của các nhóm khủng bố. Vào thời điểm biểu tượng mốc 100 ngày bị bao vây ở Marawi đã trôi qua, Marawi sẽ trở thành chủ đề tuyên truyền của bọn khủng bố và trở thành nguồn cảm hứng cho các nhóm khủng bố trong tương lai". |