Ngày 11-11, Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP29) chính thức khai mạc tại Baku (Azerbaijan) và kéo dài tới ngày 22-11. Sự kiện này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong bối cảnh các thảm họa khí hậu ngày càng gia tăng trên toàn cầu.
Những kỷ lục không mong muốn
Cuối tháng 10 vừa qua, một trận lũ lụt thảm khốc xảy ra tại TP Valencia (Tây Ban Nha) khiến hơn 200 người thiệt mạng và gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về cơ sở hạ tầng. Trận lũ lụt này được đánh giá là thiên tai gây chết người nhiều nhất trong lịch sử cận đại của Tây Ban Nha.
Theo tờ The Guardian, trận mưa xối xả mang theo lượng mưa của cả một năm tạo ra những dòng nước chảy xiết ập vào TP chỉ trong vài giờ khiến mực nước sông dâng cao nhanh chóng, cuốn trôi các phương tiện giao thông và nhấn chìm đường sá, cầu cống. Hình ảnh ô tô bị cuốn trôi như những quả bowling trên đường phố, xe nổi lên trong “dòng sông bùn”, tạo thành bẫy chết người.
Tại Ý tháng trước, xe cộ bị cuốn trôi khi đường sá biến thành sông. Vào tháng 9, Trung Âu cũng chìm trong lũ lụt khiến 24 người chết ở Ba Lan, Áo, CH Czech và Slovakia. Ngay cả Anh cũng đã chứng kiến những trận mưa bất thường.
Các nhà khoa học tại tổ chức World Weather Attribution thuộc Trung tâm Chính sách Môi trường (ĐH Hoàng gia London, Anh) đã chứng minh cụ thể từng trường hợp rằng các trận bão, hạn hán, lũ lụt và cháy rừng đã trở nên dữ dội hơn và thường xuyên hơn.
Điều này bao gồm trận lũ lụt cuối mùa hè tại Sudan, Nigeria, Niger, Chad và Cameroon khiến hơn 2.000 người thiệt mạng và hàng triệu người phải di dời, dòng nước lũ khiến ít nhất 244 người chết ở Nepal từ ngày 26 đến 28-9, trận lũ ở miền nam Brazil làm hơn 169 người thiệt mạng đầu năm nay, cũng như những trận bão khủng khiếp (đặc biệt là Helene và Milton) tại Mỹ, giết chết khoảng 360 người và gây thiệt hại hơn 100 tỉ USD.
Chúng ta đang sống trong thời kỳ của những kỷ lục không mong muốn về khí hậu: khả năng năm 2024 là năm nóng nhất lịch sử nhân loại, vụ cháy rừng ở Hawaii hồi tháng 8 trở thành thảm họa tồi tệ nhất trong hơn một thế kỷ qua ở Mỹ, vụ cháy rừng ở Hy Lạp cũng trong tháng 8 được ghi nhận là lớn nhất ở châu Âu, đợt hạn hán tồi tệ nhất trong rừng nhiệt đới Amazon đầu năm nay,....
Đây chỉ mới là khởi đầu cho những thảm họa kinh hoàng có thể giáng lên loài người trong tương lai. Chừng nào con người còn xả khí thải vào bầu khí quyển, những kỷ lục này sẽ còn bị phá vỡ với tần suất ngày càng cao cho đến khi “tồi tệ nhất từ trước đến nay” trở thành điều “mặc định thông thường”.
LHQ dường như đã cạn kiệt từ ngữ để mô tả mức độ nghiêm trọng của mối nguy trên. Tổng thư ký LHQ António Guterres đã tuyên bố “mã đỏ cho nhân loại". Ông Simon Stiell - Thư ký điều hành về khí hậu của LHQ - cảnh báo rằng “chúng ta có hai năm để cứu thế giới.” Giám đốc chương trình môi trường của LHQ Inger Andersen nói rằng “đã đến lúc khẩn cấp thật sự về khí hậu".
Cần hành động ngay tại Hội nghị COP29
Tất cả những thảm hoạ trên nhấn mạnh tần suất ngày càng tăng của những thiên tai xảy ra do hiện tượng nóng lên toàn cầu, hệ quả của hiệu ứng nhà kính từ việc tiêu thụ năng lượng hoá thạch.
Khi Trái Đất nóng lên, kéo theo nguy cơ xảy ra bão và những trận mưa dữ dội đe dọa đến sự an toàn của tất cả những cộng đồng trên toàn thế giới. Trận lũ vừa xảy ra tại Tây Ban Nha như là lời nhắc nhở về sự cần thiết trong hành động tập thể để đối phó với thiên tai ngày một nặng nề do biến đổi khí hậu.
Những hình ảnh kinh hoàng và các con số ám ảnh trên nên là thông điệp chính tại Hội nghị COP29, bởi vì ngăn chặn việc sử dụng khí đốt, dầu mỏ, than đá và gỗ là cách duy nhất để ổn định khí hậu. Để đạt được điều này, chúng ta phải chống lại xu hướng bình thường hóa những cảnh tượng thảm họa.
“Những sự kiện loại này, vốn từng chỉ xảy ra cách nhau hàng chục năm, nay đang trở nên thường xuyên hơn và mức độ tàn phá lớn hơn” - TS Ernesto Rodríguez Camino, thành viên của Hiệp hội Khí tượng Tây Ban Nha, nói về hậu quả của biến đổi khí hậu.
“Không thể nói rằng chúng ta không được cảnh báo. Đã 32 năm trôi qua kể từ hội nghị thượng đỉnh Trái Đất tại Rio de Janeiro (Brazil) đề cập việc giải quyết hậu quả biến đổi khí hậu nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Tuy nhiên nhiệt độ Trái Đất vẫn ‘đạp ga’, và lượng khí thải đột biến đẩy tình hình trở nên trầm trọng hơn bao giờ hết” - TS Camino lưu ý.
Bà Friederike Otto - Trưởng nhóm tổ chức World Weather Attribution nhấn mạnh rằng tại COP29, các nhà lãnh đạo toàn cầu thực sự cần đồng thuận không chỉ giảm mà còn phải chấm dứt việc đốt nhiên liệu hóa thạch, với một mốc thời gian cụ thể.
“Càng trì hoãn việc thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng năng lượng tái tạo, các sự kiện thời tiết cực đoan sẽ càng nghiêm trọng và xảy ra thường xuyên hơn” - bà Otto nói thêm.