Khó khăn lớn nhất của các kế hoạch khí hậu ở COP28

(PLO)- COP28 diễn ra với nỗ lực chống biến đổi khí hậu toàn cầu, song thiếu dòng tài chính đang là rào cản lớn nhất.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) đang diễn ra tại TP Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) từ ngày 30-11 đến 12-12 với sự tham gia của khoảng 140 lãnh đạo quốc gia và vùng lãnh thổ.

Với việc các hiện tượng thời tiết tiêu cực đang diễn ra thường xuyên trên toàn cầu, COP28 đóng vai trò là một diễn đàn quan trọng để thế giới thảo luận, đề xuất các kế hoạch chống biến đổi khí hậu. Dù vậy, giới chuyên gia nhận định thách thức lớn nhất hiện nay là thế giới chưa thể góp đủ lượng tài chính cần thiết để hỗ trợ một nỗ lực khí hậu trên quy mô lớn.

Đã huy động nhưng chưa đủ

Theo hãng tin Reuters, ngay trong ngày họp đầu tiên của Hội nghị COP28, gần 200 quốc gia đạt thỏa thuận mang tính lịch sử khi Quỹ Tổn thất và thiệt hại chính thức khởi động nhằm hỗ trợ các quốc gia dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu. Chủ tịch COP28 Sultan Al Jaber khẳng định đây là lần đầu một quyết định được thông qua vào ngày đầu trong lịch sử các kỳ họp COP.

Trừ phi chúng ta có một loạt quyết định khẩn cấp, nếu không chúng ta sẽ phải gánh chịu những gì mà mọi bậc cha mẹ đều không muốn trải qua - kỳ vọng quá lớn vào tương lai tốt đẹp cho con cái và không thể thực hiện được nó.

Thủ tướng Barbados MIA MOTTLEY

Quỹ này nhận được các khoản đóng góp lớn từ nước chủ nhà UAE (100 triệu USD); Mỹ (17,5 triệu USD); Anh (ít nhất 51 triệu USD); Nhật (10 triệu USD); Liên minh châu Âu (245,39 triệu USD, trong đó có 100 triệu USD từ Đức).

Tuy nhiên, đây vẫn là những con số rất nhỏ so với mức 2.400 tỉ USD mỗi năm mà các nước đang phát triển cần để hạn chế lượng khí thải và thích ứng những thách thức do biến đổi khí hậu đặt ra, theo báo cáo mới công bố từ Viện Nghiên cứu về biến đổi khí hậu và môi trường Grantham (Anh). Chủ tịch viện - ông Nicholas Stern nhận định thế giới vẫn chưa thể chạm tới các mục tiêu đề ra ở Thỏa thuận Paris. “Nguyên nhân dẫn đến thất bại này là do thiếu đầu tư, đặc biệt ở các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển” - ông cho biết.

Một báo cáo khác từ Liên hợp quốc hồi tháng 11 chỉ ra các nước phát triển thực tế đã giảm dần viện trợ cho các nỗ lực thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến 2021, mốc gần nhất có dữ liệu đầy đủ về vấn đề này. Trong khi đó, nhu cầu của các nước đang phát triển lại tăng lên mạnh mẽ theo thời gian, theo tờ The New York Times.

Báo cáo này ước tính chỉ để thích ứng với biến đổi khí hậu thôi thì các nước đang phát triển sẽ phải cần khoảng 215-387 tỉ USD mỗi năm từ nay đến năm 2030. Con số này gấp 10-18 lần so với số tiền mà thế giới đang dành cho các nỗ lực khí hậu.

ảnh p16 6-12. COP28
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris phát biểu trong phiên họp toàn thể COP28 tại TP Dubai, UAE ngày 2-12. Ảnh: AFP

Vai trò lãnh đạo của Mỹ bị nghi ngờ

Mỹ, nền kinh tế lớn nhất và là nước gây ô nhiễm nhiều nhất thế giới trong lịch sử, đang phải đối mặt với áp lực mạnh mẽ tại COP28 phải tăng thêm viện trợ quốc tế hỗ trợ giải quyết vấn đề khí hậu. Chính quyền Tổng thống Joe Biden tại hội nghị nhấn mạnh rằng Mỹ vẫn cam kết đảm bảo viện trợ giải quyết vấn đề khí hậu cho các nước đang phát triển.

Ông Biden đã cam kết cung cấp 11,4 tỉ USD hằng năm để hỗ trợ giải quyết vấn đề khí hậu vào năm 2024 và các quan chức trong tuần này cho biết chính quyền đang trên đà viện trợ hơn 9 tỉ USD trong năm nay.

Phần lớn số tiền đó được phân bổ thông qua các quỹ khí hậu đa phương, cũng như các khoản vay và nguồn tài trợ khác cho các dự án năng lượng sạch thông qua các cơ quan như Tập đoàn Tài chính phát triển quốc tế Mỹ. Trong ba năm qua, các cam kết về viện trợ khí hậu hằng năm của cơ quan này đã tăng lên hơn 3,7 tỉ USD từ mức dưới 500 triệu USD.

Câu hỏi lớn hiện nay là liệu Quốc hội đang bị chia rẽ hay một chính quyền tương lai có thể tiếp tục thực hiện được những cam kết của chính quyền ông Biden hay không khi năm sau nước này bắt đầu bầu cử tổng thống.

Ông Mohamed Adow, Giám đốc Tổ chức hoạt động vì môi trường Power Shift Africa, cho biết: “Vấn đề là Mỹ không phải là một đối tác đáng tin cậy. Đã ba năm kể từ khi ông Biden vào Nhà Trắng và chúng tôi vẫn chưa thấy họ đáp ứng đủ các cam kết trước đó họ đã đưa ra”.

Chuyên gia David Victor thuộc Viện Brookings (Mỹ) cho biết việc viện trợ sang các quốc gia khác hiện rất khó trong giới lập chính sách Mỹ. Ông lưu ý rằng gói viện trợ khẩn cấp cho Israel và Ukraine vẫn chưa được chấp thuận vì đảng Cộng hòa tại Hạ viện vẫn đang đàm phán về những thay đổi trong chính sách biên giới của Mỹ.•

Thế giới đang chậm lại trong mục tiêu 1,5 độ C

Theo dự án theo dõi chỉ số khí hậu toàn cầu Climate TRACE, thế giới đang chậm chạp trong các nỗ lực giữ nhiệt độ Trái đất chỉ tăng trong khoảng 1,5oC.

Theo dữ liệu được công bố ngày 3-11, việc sản xuất điện ở Trung Quốc và Ấn Độ cũng như sản xuất dầu khí ở Mỹ đã tạo ra mức tăng phát thải khí nhà kính toàn cầu lớn nhất kể từ năm 2015, thời điểm khi Thỏa thuận khí hậu Paris được ký kết.

Đáng chú ý, lượng khí thải mê-tan, loại khí nhà kính mạnh gấp 80 lần so với CO2, cũng tăng lên, dù hơn 100 quốc gia trước đó đã ký cam kết giảm lượng khí thải này.

Tại COP28, hơn 50 công ty dầu khí toàn cầu đã đăng ký “máy gia tốc khử carbon” với cam kết giảm tác động đến khí hậu trong hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, các nhà vận động khí hậu cho biết thỏa thuận này chưa đi đủ xa và không mang tính ràng buộc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm