Tị nạn khí hậu, nguy cơ hiện hữu của 1,2 tỉ người

(PLO)- Các hiện tượng thời tiết cực đoan ở châu Á, châu Phi và giờ là châu Mỹ khiến rất nhiều người phải rời bỏ nhà cửa, cho thấy cuộc khủng hoảng tị nạn khí hậu đã bắt đầu.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cặp vợ chồng trung niên là bà Silvia và ông Vitor Titton bước qua đống bùn còn sót lại của khu phố họ sống TP Porto Alegre, bang Rio Grande do Sul (nam Brazil) - nơi vừa chứng kiến một trận lũ lụt lịch sử, cướp đi sinh mạng của hơn 160 người và buộc hàng trăm ngàn người phải rời bỏ nhà cửa.

Trong suốt 12 ngày qua, cặp vợ chồng này đã chuẩn bị tinh thần cho khoảnh khắc quay về ngôi nhà bị nước lũ nuốt chửng của họ. Nhưng dấu hiệu lạc quan cuối cùng giờ đã tan biến, theo tờ The Washington Post.

Cuộc khủng hoảng tị nạn khí hậu đã bắt đầu
Ông Vitor và bà Silvia Titton trước nhà họ ở Porto Alegre (Brazil). Ảnh: THE WASHINGTON POST

Sau lũ, cá thối rữa nằm trước sân nhà ông bà Titton. Bùn nhớp nháp, hôi hám dính lên mọi thứ, bao gồm những kỷ vật có ý nghĩa như bộ quần áo đi hát của con gái ông bà.

Nhặt lại những mảnh vụn của đồ vật, bà Silvia nhận ra mình không bao giờ có thể quay trở lại ngôi nhà trước đây được nữa. Bà Silvia không biết mình sẽ đi đâu, nhưng khu vực này của TP Porto Alegre đã không còn là nơi bà từng biết trước đây nữa.

“Không, tôi không thể làm điều này. Tôi không thể sống chung với nỗi sợ nước, sợ mưa này” – bà Silvia nói.

Cuộc khủng hoảng tị nạn khí hậu đã bắt đầu

Trong nhiều năm qua, các nhà khoa học đã cảnh báo rằng biến đổi khí hậu sẽ khiến hàng triệu người phải sơ tán, sắp xếp lại sự phân bố dân cư trên thế giới.

Ngân hàng Thế giới ước tính hơn 216 triệu người có thể phải rời bỏ nhà cửa do mực nước biển dâng, lũ lụt, sa mạc hóa và các tác động khác của hiện tượng Trái Đất ấm lên. Tổ chức nghiên cứu Viện Kinh tế và Hòa bình (Úc) cho biết con số này có thể lên tới 1,2 tỉ người.

Trong khi đó, Nghị viện châu Âu cảnh báo một tương lai với đặc trưng là “những người tị nạn khí hậu” đang đến gần.

Theo The Washington Post, tương lai đó bây giờ dường như đã đến. Lũ lụt ở Pakistan năm 2022 khiến khoảng 8 triệu người phải sơ tán. Lũ lụt ở Ethiopia năm 2023 và Kenya năm nay đã buộc hàng trăm ngàn người phải rời bỏ nhà cửa. Và bây giờ là Brazil.

Ông Andrew Harper – quan chức cấp cao của Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn cho biết: “Brazil sẽ không chỉ chứng kiến trường hợp này một lần. Những gì chúng ta đang thấy là sự khởi đầu của một điều gì đó sẽ trở nên thường xuyên hơn và cực đoan hơn, dẫn đến nhiều người dễ bị tổn thương hơn, không còn lựa chọn nào khác ngoài việc di chuyển đến một địa điểm an toàn hơn”.

Nước lũ dâng cao vào cuối tháng trước đã cuốn trôi nhiều khu vực ở bang Rio Grande do Sul. Toàn bộ các TP ở bang này vẫn chìm trong nước. Những khu vực không bị ảnh hưởng đã tiếp nhận hàng trăm ngàn người phải sơ tán.

Nhiều người nói rằng họ không muốn quay trở lại ngôi nhà của họ, vì cho rằng chúng không an toàn. Các quan chức giờ đây cũng công khai thảo luận về việc di dời toàn bộ những người bị ảnh hưởng lên vùng đất cao hơn.

Ti-nan-khi-hau.png
Các tình nguyện viên hỗ trợ người dân được giải cứu khỏi vùng lũ, tại Porto Alegre (Brazil), vào ngày 7-5. Ảnh: AFP

Ông Jairo Jorge – Thị trưởng TP Canoas, bang Rio Grande do Sul, cho biết: “Chúng tôi sẽ phải thay đổi địa lý của mình. Tình hình đã thay đổi. Điều này sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn”.

Cuộc khủng hoảng nhân đạo chỉ mới bắt đầu

Tình hình mưa ở Brazil đang thay đổi. Rừng nhiệt đới Amazon xanh tươi đang ngày càng bị hạn hán tàn phá. Các vùng phía đông bắc của nước này lần đầu tiên được xếp vào loại khô cằn. Và trên khắp miền nam và đông nam Brazil, lượng mưa tăng cả về lượng và cường độ, gây ra những trận lở đất chết người và lũ lụt liên tục ở TP Porto Alegre.

Trong những thập niên gần đây, các hoạt động nông nghiệp đã phá hủy các khu rừng chắn của TP, biến đổi khí hậu gây ra những trận mưa tàn khốc, Porto Alegre giờ là một trong những nơi dễ bị tổn thương nhất ở Brazil.

Vào cuối tháng trước, một trận mưa lớn bắt đầu rơi xuống Porto Alegre. Trong vòng 2 tuần, lượng mưa ước tính nhiều hơn lượng mưa trong suốt khoảng thời gian 5 tháng cộng lại. Nước tràn xuống vùng thấp của Porto Alegre và có một lối thoát duy nhất là qua đầm Lagoa dos Patos để ra biển. Tuy nhiên, vì không thoát nước kịp, trận lũ đã gây nên hậu quả nặng nề.

Nhiều người chỉ trích Thị trưởng TP Porto Alegre – ông Sebastião Melo vì đã không duy trì tốt hệ thống ngăn lũ. Tuy nhiên, ông Melo cho biết hệ thống này được xây dựng vào những năm 1970 và không có khả năng chặn dòng lũ lớn như vừa qua.

“Hệ thống này cần 1 tỉ USD để sửa chữa. Tôi đã đầu tư nhiều nhất có thể nhưng tôi không có 1 tỉ USD” – ông Melo nói.

Lũ lụt khiến các bệnh viện, sân bay đóng cửa, người dân mắc kẹt trên mái nhà nhiều ngày. Kẻ cướp bóc thì tự do hành động, các băng nhóm tội phạm vận chuyển ma túy mà không bị bắt. Con đường duy nhất có thể đi ra khỏi TP Porto Alegre đã bị tắc nghẽn.

Hiện tại, hàng trăm người được cho là đang sống trong lều tạm, trong ô tô hoặc dưới gầm cầu. Hàng chục ngàn người khác đang ở trong nơi trú ẩn dành cho những người sơ tán. Số khác thì ở với người thân.

“Nhiều người trong số này sẽ không bao giờ trở về nhà, vì những ngôi nhà cũ của họ cũng chẳng giúp ích gì” – ông Melo cho biết.

207b1267762f902a443528dbabb3ff82cbc60432.png
Người dân trú tạm tại khu trú ẩn sau trận lũ ở nam Brazil. Ảnh: THE WASHINGTON POST

Lũ lụt có thể sẽ sớm rút. Nhưng cuộc khủng hoảng nhân đạo chỉ mới bắt đầu.

Các quan chức bang Rio Grande do Sul muốn xây dựng 4 trại tị nạn lớn cho những người phải sơ tán. Những trại tị nạn này được xây dựng ở những nơi khác nhau.

“Chúng tôi không thể xây dựng những thứ giống nhau theo cùng một cách, ở những nơi giống nhau. Chúng tôi không loại trừ việc phải di dời toàn bộ các thành phố” – ông Gabriel Souza, Phó Thống đốc bang Rio Grande do Sul, nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm