Hội nghị đặc biệt Mỹ - ASEAN: Chờ bước chuyển mình về kinh tế, an ninh

(PLO)- Khả năng sẽ có bước chuyển mình về kinh tế, an ninh sau cuộc hội đàm giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và các lãnh đạo ASEAN trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao đặc biệt Mỹ - ASEAN.

Theo thông cáo của Nhà Trắng, ngày 12 và 13-5, tại thủ đô Washington, D.C., Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ hội đàm với lãnh đạo các nước thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao đặc biệt Mỹ - ASEAN.

Theo Nhà Trắng, hội nghị này thể hiện cam kết lâu dài của Mỹ đối với ASEAN, công nhận vai trò trung tâm của khối trong việc đưa ra các giải pháp bền vững cho những thách thức cấp bách trong khu vực. Hội nghị cũng đánh dấu kỷ niệm cột mốc 45 năm quan hệ Mỹ - ASEAN.

Nổi bật vai trò ASEAN với an ninh khu vực

Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, bà Sharon Seah (ảnh), chuyên gia cấp cao tại Trung tâm nghiên cứu ASEAN thuộc Viện ISEAS-Yusof Ishak (Singapore), nhìn nhận rằng các đối tác của ASEAN đã thừa nhận rằng cấu trúc an ninh khu vực mà ASEAN phát triển sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc vào cuối những năm 1990 đã hoạt động tốt.

Hội nghị cấp cao ASEAN - Mỹ lần thứ chín được tổ chức trực tuyến vào ngày 26-10-2021. Ảnh: THE DIPLOMAT

Hội nghị cấp cao ASEAN - Mỹ lần thứ chín được tổ chức trực tuyến vào ngày 26-10-2021. Ảnh: THE DIPLOMAT

“Các diễn đàn khu vực như Diễn đàn khu vực ASEAN, Hội nghị cấp cao Đông Á, Hội nghị bộ trưởng Quốc phòng ASEAN + cho phép các quốc gia cùng đối thoại. Một mẫu số chung trong tất cả thỏa thuận này là ASEAN đã giúp xây dựng lòng tin và sự tin cậy lẫn nhau. Tôi cho rằng Mỹ hiểu rõ điều này và tái khẳng định cam kết đối với vai trò trung tâm của ASEAN. Một chiến lược mà Mỹ có thể áp dụng là sử dụng các thỏa thuận an ninh hiện có do ASEAN lãnh đạo để tái khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN và tiếp tục liên lạc với TQ để đảm bảo hòa bình và an ninh khu vực” - chuyên gia Seah trả lời phỏng vấn báo Pháp Luật TP.HCM.

Theo Viện Hòa bình Mỹ (USIP - một tổ chức liên bang của Mỹ có nhiệm vụ thúc đẩy giải quyết và ngăn chặn xung đột trên toàn thế giới, nghiên cứu, phân tích và đào tạo về ngoại giao, hòa giải và các biện pháp xây dựng hòa bình), ASEAN nhận thức quan hệ giữa khối với Mỹ và với Trung Quốc (TQ) có ý nghĩa rất quan trọng, có nghĩa ASEAN không muốn phải lựa chọn giữa một trong hai nước. Song khả năng tại hội nghị tới, các nước ASEAN sẽ tìm kiếm sự cân bằng hơn về quyền lực trong khu vực, với sự tham gia nhiều hơn không chỉ của Mỹ mà cả Nhật, Ấn Độ, Úc và các cường quốc bên ngoài vào các hoạt động ở châu Á - Thái Bình Dương.

ASEAN có thể sẽ tìm kiếm sự ủng hộ của Mỹ với các thể chế đa phương được phát triển từ khối, chẳng hạn như Hội nghị cấp cao Đông Á và Diễn đàn khu vực ASEAN, tiếp thêm sức mạnh cho khối để ứng phó với những hành động gây hấn, hung hăng ở Biển Đông. ASEAN cũng sẽ tìm cách hợp tác với Mỹ để đối mặt với các thách thức xuyên quốc gia, từ vấn đề biến đổi khí hậu, chuẩn bị cho các đại dịch khác trong tương lai cho đến tội phạm xuyên quốc gia.

Sẽ có bước tiến về hợp tác kinh tế

Với hội nghị lần này, các nước ASEAN cũng muốn Mỹ trở thành một đối tác kinh tế mạnh hơn, đặc biệt với sự xuất hiện của sáng kiến IPEF (Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương) mà Mỹ giới thiệu gần đây, theo Viện Hòa bình Mỹ.

Sáng kiến ​IPEF do Mỹ lãnh đạo, phản ánh tham vọng của Mỹ trong việc củng cố quan hệ với các nền kinh tế chủ chốt ở khu vực bằng cách xây dựng một chuỗi cung ứng không có TQ, theo tờ South China Morning Post.

Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, chuyên gia Seah nhắc đến các mục tiêu mà IPEF hướng đến là “thương mại công bằng và tăng trưởng, sự phục hồi của chuỗi cung ứng, cơ sở hạ tầng và phi carbon, thuế và chống tham nhũng”, đồng thời lưu ý một số trở ngại mà IPEF có thể gặp phải trong quá trình thực hiện.

“Một trong những kỳ vọng từ Hội nghị cấp cao đặc biệt Mỹ - ASEAN là cam kết chung nhằm hướng tới việc thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa ASEAN và Mỹ” - chuyên gia Sharon Seah trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM.

Theo chuyên gia Seah, Mỹ đã hơn một lần khẳng định “IPEF yêu cầu sự chấp thuận của quốc hội”. Đây sẽ là một bất cập cho Mỹ nếu nước này muốn tạo điều kiện hơn để các nước tiếp cận thị trường Mỹ như một động lực để họ tích cực tham gia IPEF, vì việc này cần có sự thông qua của quốc hội.

Về thành viên của IPEF, bà Seah lưu ý rằng “Mỹ không nói rõ IPEF sẽ bao gồm tất cả thành viên của ASEAN hay không”, song trong Sách trắng Chiến lược Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Mỹ có nêu tên một số đối tác cụ thể. Bà Seah cho rằng nước ASEAN nào có thể đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về thương mại số, lao động hoặc bảo vệ môi trường sẽ có nhiều khả năng tham gia IPEF hơn.

Cũng theo bà, sẽ có lợi ích cũng như sự đánh đổi với các nước ASEAN khi tham gia IPEF và điều này “sẽ phụ thuộc vào những đánh đổi mà Mỹ sẵn sàng thực hiện để thu hút cam kết của các đối tác”. Ví dụ, “thương mại và chuỗi cung ứng là huyết mạch của ASEAN chắc chắn sẽ có sức hút nhưng các lĩnh vực như phi carbon, thuế và chống tham nhũng có thể không hấp dẫn, vì vậy sẽ có những đánh đổi mà các bên tham gia phải chuẩn bị để được hưởng những lợi ích nhất định”.•

Cam kết duy trì sự tập trung vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Theo Viện Hòa bình Mỹ, việc Tổng thống Joe Biden tiếp các lãnh đạo ASEAN là một minh chứng cho cam kết duy trì sự tập trung vào Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương bất chấp cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Tuy nhiên, chắc chắn cuộc xung đột ở quốc gia này sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến hội nghị sắp tới, cũng như ảnh hưởng đến chính sách và động thái của các bên.

“Dù Mỹ vẫn ngầm hiểu được lập trường khác nhau của các nước ASEAN nhưng Mỹ vẫn thể hiện sự mong đợi rằng các nước ASEAN sẽ cùng đứng về phía luật pháp quốc tế và bày tỏ quan điểm ủng hộ các nguyên tắc về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ” - chuyên gia Seah phân tích quan điểm của Mỹ khi trả lời phỏng vấn báo Pháp Luật TP.HCM.

“Mỹ đã đảm bảo với các đối tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rằng mình vẫn cam kết với khu vực này bất chấp những gì đang xảy ra ở Ukraine. Trên thực tế, sau Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Mỹ, Tổng thống Joe Biden dự kiến ​​sẽ thăm Nhật - một đối tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương quan trọng và là thành viên của Bộ tứ kim cương và Hàn Quốc - đối tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tiềm năng dưới thời chính quyền tân Tổng thống Yoon Suk-yeol” - chuyên gia Seah lưu ý.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm