Hội nghị hòa bình Ukraine và nỗ lực không mệt mỏi của ông Zelensky

(PLO)- Những ngày qua ông Zelensky tích cực công du từ châu Âu sang châu Á sang cả châu Phi nhằm vận động sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đảm bảo Hội nghị hòa bình Ukraine diễn ra thành công đạt nhiều mục tiêu quan trọng.

Theo hãng tin Reuters, Hội nghị hòa bình Ukraine dự kiến sẽ diễn ra trong 2 ngày (15 và 16-6) tại khu nghỉ dưỡng Burgenstock (TP Luzern, miền Bắc Thụy Sĩ).

Hơn 160 phái đoàn đã được mời tham dự hội nghị lần này, trong đó có các nước thành viên thuộc Nhóm 7 nền công nghiệp tiên tiến (G7), Nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20), Liên minh châu Âu (EU), Liên Hợp Quốc (LHQ), cùng nhiều nước khác trải dài từ Á, sang Âu. Tuy nhiên, Nga lại không được mời tham dự.

Nỗ lực vận động từ Á sang Âu…

Giới chức Thụy Sĩ cho biết tính đến ngày 6-6 đã có 70 phái đoàn xác nhận tham gia sự kiện trên, trong đó có các nước Mỹ, Pháp, Đức, Ấn Độ, Hàn Quốc,... Trong khi đó, theo giới chức Kiev, con số này đã hơn 100.

Theo Reuters, dù ông Zelensky và chính quyền Ukraine nỗ lực vận động nhưng Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ không tham dự hội nghị lần này, vì xung đột lịch trình tranh cử. Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris sẽ đại diện Mỹ. Trung Quốc, Brazil, Saudi Arabia từ chối tham gia.

Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky (trái) gặp Tiểu vương Qatar - Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani hôm 5-6. Ảnh: REUTERS

Theo đài DW, trong thời gian qua, Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky đã nỗ lực công du nhiều nước châu Âu, châu Á để quảng bá Hội nghị hòa bình Ukraine, cũng như đảm bảo sự tham gia rộng rãi của nhiều quốc gia tại hội nghị này.

Cụ thể, gần đây ông Zelensky đã thực hiện một loạt động thái ngoại giao tại khu vực châu Á để vận động các nước này tham dự Hội nghị hòa bình Ukraine.

Hôm 2-6, ông Zelensky bất ngờ đến Singapore tham dự Diễn đàn An ninh Cấp cao châu Á (Đối thoại Shangri-La) lần thứ 21. Sau đó, vào ngày 3-6, vị tổng thống Ukraine lại bất ngờ đến thăm Philippines để vận động Manila tham gia Hội nghị hòa bình Ukraine.

Tại khu vực Trung Đông, ngày 5-6, ông Zelensky đã thăm Qatar - một trong những nước có tiếng nói hàng đầu tại khu vực này - và gặp Tiểu vương Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani để vận động và kêu gọi Qatar tham gia hội nghị hòa bình.

Trước đó, vào cuối tháng 5, ông Zelensky đã thực hiện chuyến công du con thoi đến một loạt nước châu Âu gồm Thụy Điển, Bồ Đào Nha, Bỉ, và Tây Ban Nha để ký các thỏa thuận an ninh song phương lâu dài với những nước này, cũng như ngỏ lời mời họ tham dự Hội nghị hòa bình Ukraine.

Ngoài việc vận động các nước châu Âu, châu Á, trong thời gian giới chức Kiev cũng chú ý đến sự ủng hộ của các nước châu Phi. Hôm 16-5, Đặc phái viên Ukraine về châu Phi và Trung Đông - ông Maksym Subkh đã có chuyến thăm Nam Phi. Tại đây, ông đã gặp Thứ trưởng Ngoại giao Nam Phi Kwaku Ampratwum-Sarpong và bày tỏ kỳ vọng rằng Nam Phi và nhiều nước châu Phi sẽ tham dự Hội nghị hòa bình Ukraine.

Mục tiêu và kỳ vọng…

Theo DW, mục tiêu của Ukraine tại hội nghị lần này là tổ chức các phiên thảo luận tìm cách xây dựng “hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài cho Ukraine”, thông qua việc vạch ra một kế hoạch cụ thể thúc đẩy Nga và Ukraine sớm bước vào tiến trình đàm phán, kết thúc xung đột.

Binh sĩ Ukraine dội pháo vào các đơn vị Nga tại tỉnh Donetsk (miền Đông Ukraine). Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Phía Ukraine cũng tuyên bố rằng những nước tham gia hội nghị có thể đóng góp ý tưởng và quan điểm của họ về cách để thúc đẩy tiến trình hòa bình tại Ukraine. Theo DW, những chủ đề sẽ được phần lớn các quốc gia quan tâm, bàn luận là (1) Vấn đề an ninh hạt nhân; (2) Tự do hàng hải và đảm bảo an ninh lương thực; (3) Các vấn đề nhân đạo như bảo vệ dân thường và trao đổi tù binh.

Tờ Foreign Policy dẫn nhận định giới quan sát cho rằng thông qua hội nghị lần này, Kiev kỳ vọng sẽ thu hút sự ủng hộ ngoại giao từ cộng đồng quốc tế, để gây áp lực lên Nga và buộc nước này phải dừng chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Ông Krzysztof Nieczypor, chuyên gia nghiên cứu Quan hệ quốc tế tại Trung tâm Nghiên cứu phương Đông (OSW, Ba Lan), nhận định rằng hội nghị lần này cũng là dịp để ông Zelensky lần nữa quảng bá về “Công thức hòa bình 10 điểm Ukraine” và kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ sáng kiến này.

Cuối năm 2022, ông Zelensky đưa ra các đề xuất hòa bình cho Ukraine gồm 10 điểm, trong đó có yêu cầu quân Nga phải rút khỏi Ukraine, từ bỏ những lãnh thổ Ukraine mà Nga đã tuyên bố sáp nhập, gồm 4 tỉnh Donetsk, Luhansk, Kherson, Zaporizhia), cũng như bán đảo Crimea (được sáp nhập vào Nga từ năm 2014). Đề xuất kêu gọi Nga cam kết sẽ không thực hiện bất kỳ cuộc tấn công nào trong tương lai, cũng như chịu trách nhiệm hỗ trợ Ukraine tái thiết.

Phía Moscow đã nhiều lần phản đối sáng kiến hòa bình của ông Zelensky, cho rằng nó phi thực tế, và vi phạm một số lợi ích hợp pháp của Nga. Tháng 3, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova khẳng định rằng Moscow vẫn luôn sẵn sàng cho các cuộc đàm phán tìm giải pháp hòa bình cho xung đột với Kiev.

Tuy nhiên, bà nhấn mạnh rằng ở thời điểm hiện tại các điều khoản trong các cuộc đàm phán Nga-Ukraine sẽ không giống như trước, mà phải tính đến “tình hình thực tế” trên chiến trường.

"Chưa rõ liệu Hội nghị hòa bình Ukraine có thành công hay không, nhưng rõ ràng sự vắng mặt của nhiều nước lớn như Trung Quốc, Nga, Saudi Arabia, Brazil... sẽ khiến hội nghị lần này khó đảm bảo sự thành công về mặt đại diện các nước tham dự lẫn việc phát triển các chương trình nghị sự mà Ukraine muốn thúc đẩy" - ông Nieczypor nhận định.

An ninh 'khủng' cho Hội nghị hòa bình Ukraine

Theo tờ SWI, công tác an ninh cho Hội nghị hòa bình Ukraine tại Thụy Sĩ dự kiến sẽ được triển khai với quy mô lớn để đảm bảo an toàn cho đại biểu và các phái đoàn tham dự.

Kế hoạch gồm: (1) Triển khai hơn 4.000 nhân viên từ lực lượng an ninh Thụy Sĩ bảo vệ khu nghỉ dưỡng Burgenstock, (2) Huy động không quân Thụy Sĩ bảo vệ không phận khu vực này; (3) Hạn chế tối đa việc công chúng tiếp cận khu nghỉ dưỡng; (4) Rà soát an ninh kỹ lưỡng, đảm bảo không có bất kỳ sự xâm nhập bất hợp pháp nào.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới