Phương Tây 'bật đèn xanh’ Ukraine, Nga nắn gân vũ khí hạt nhân

(PLO)- Cộng đồng quốc tế đang quan sát nhất cử nhất động của phương Tây và Nga trước nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân ngày càng cao.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Kể từ cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962, thế giới một lần nữa lo lắng về nguy cơ bùng nổ chiến tranh hạt nhân giữa phương Tây và Nga, đặc biệt sau khi các nước phương Tây "bật đèn xanh” cho phép Ukraine sử dụng vũ khí của những nước này để tấn công lãnh thổ Nga.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres ngày 7-6 cảnh báo rằng những tiến bộ công nghệ và căng thẳng địa chính trị gia tăng đang đẩy nguy cơ chiến tranh hạt nhân lên mức cao nhất kể từ khi Liên Xô tan rã vào năm 1991.

Phương Tây “bật đèn xanh”, Nga rắn “lằn ranh đỏ”

Ngày 7-6, tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg (SPIEF) ở Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin nêu rõ rằng việc sử dụng vũ khí hạt nhân “có thể xảy ra trong trường hợp đặc biệt khi có mối đe dọa đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước”, theo hãng thông tấn TASS.

vũ khí hạt nhân.jpeg
Các phương tiện quân sự của Nga, bao gồm tổ hợp tên lửa hạt nhân Yars, tại cuộc duyệt binh Ngày Chiến thắng của Nga hôm 9-5. Ảnh: Alexander Nemenov/AFP

Đây được xem là “lằn ranh đỏ” của Moscow trong bối cảnh căng thẳng giữa phương Tây và Nga leo thang liên quan cuộc chiến ở Ukraine. Trước đó, ông Putin cũng nói rằng phương Tây đã sai lầm khi cho rằng Moscow sẽ không bao giờ sử dụng vũ khí hạt nhân.

Dù vậy, nhà lãnh đạo Nga lưu ý rằng Moscow “chưa bao giờ” tuyên bố “sẵn sàng nhấn nút đỏ” và luôn kêu gọi các quốc gia khác xử lý những vấn đề như vậy một cách “nghiêm túc". Tuy nhiên, ông Putin lưu ý rằng ông không loại trừ khả năng có những thay đổi trong học thuyết hạt nhân của Nga, vốn chỉ cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp đất nước bị đe dọa.

Tổng thống Putin cũng nhấn mạnh rằng Nga không cần sử dụng vũ khí hạt nhân để đảm bảo chiến thắng ở Ukraine. Trong khi đó, vào cuối tháng 5 Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev từng cảnh báo rằng Moscow "không nói đùa” về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Ukraine và cảnh báo xung đột giữa Moscow với phương Tây có thể leo thang thành chiến tranh tổng lực.

Cũng tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg hôm 7-6, Chủ tịch Thượng viện Nga Valentina Matviyenko nêu trường hợp Moscow sử dụng vũ khí hạt nhân. Theo đó, Nga sẽ chỉ dùng vũ khí hạt nhân và thậm chí toàn bộ kho vũ khí nếu thực sự nhận thấy “mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh, chủ quyền đất nước”, theo TASS.

Bà Matviyenko nhấn mạnh rằng những cảnh báo về một cuộc chiến tranh hạt nhân chủ yếu xuất phát từ các nước phương Tây, với mục đích chính là "lừa dối dư luận" rằng Nga đang có ý định phát động một cuộc chiến tranh bằng vũ khí hạt nhân.

Việc Nga gần đây liên tiếp nhấn mạnh về vũ khí hạt nhân của nước này diễn ra trong bối cảnh nhiều nước phương Tây “bật đèn xanh” cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do những nước này viện trợ tấn công vào lãnh thổ Nga. Các diễn ngôn cứng rắn của Moscow về vũ khí hạt nhân cũng được đưa ra khi các cuộc thảo luận ở phương Tây ngày càng tăng về khả năng đưa quân của những nước này sang Ukraine. Đơn cử, Thủ tướng Pháp Gabriel Attal ngày 6-6 cho biết Paris không loại trừ khả năng điều nhóm huấn luận viên quân sự Pháp tới Ukraine, nhấn mạnh đây “không phải là điều cấm kỵ”.

Mới đây, ông Pranay Vaddi, quan chức cấp cao trong Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ phụ trách kiểm soát vũ khí, cho biết Mỹ có thể phải triển khai thêm vũ khí hạt nhân chiến lược trong những năm tới để chống lại các mối đe dọa ngày càng tăng từ Nga, Trung Quốc và một số nước khác, theo hãng tin Reuters.

Nga đáp trả thế nào nếu “lằn ranh đỏ” bị vượt qua?

Những động thái nói trên của Nga và phương Tây đang đẩy căng thẳng hai bên lên cao trào và làm dấy lên nguy cơ cuộc xung đột Ukraine lan rộng ở châu Âu. Theo tờ Newsweek, Điện Kremlin nhiều lần đề cập các "lằn ranh đỏ” trong cuộc chiến ở Ukraine, thậm chí đề xuất hành động hạt nhân nếu có mối đe dọa hiện hữu đối với Nga. Dù vậy, Moscow không định nghĩa rõ thế nào là mối đe dọa hiện hữu và mức độ đến đâu có thể khiến Nga phải đáp trả.

240506-russia-frontline-ukraine.jpg
Một xe tăng Nga bắn về phía lực lượng Ukraine hồi tháng 3. Ảnh: AP

Cho đến nay, Nga vẫn chưa tiến hành trừng phạt quân sự phương Tây vì sự ủng hộ Ukraine nhưng điều này có thể không còn chắc chắn nếu Kiev vượt qua "lằn ranh đỏ”.

Theo ông Nicolò Fasola, giảng viên ĐH Bologna (Ý), Nga có những "lằn ranh đỏ” mà họ vạch ra và tất nhiên, Moscow có những biện pháp đối phó phù hợp nếu những “lằn ranh đỏ” này bị vượt qua.

“Nga có thể quyết định tiến hành một loạt cuộc tấn công vào các mục tiêu khác nhau và có khả năng họ sẽ nhắm vào các tài sản của Ukraine trên lãnh thổ Ba Lan. Hoặc họ có thể chứng minh khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật” - ông Fasola nói, đề cập cuộc tập trận hạt nhân chiến thuật hồi tháng trước của Nga.

Nga đã gửi những cảnh báo tới phương Tây. Ngày 23-5, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố Moscow sẽ trả đũa bằng các cuộc tấn công vào các mục tiêu của Anh nếu Ukraine sử dụng vũ khí của Anh để tấn công lãnh thổ Nga. Ông Matthew Hoh, Phó Giám đốc của tổ chức nghiên cứu chính sách đối ngoại Mỹ Eisenhower Media Network (Mỹ), nói rằng mối đe dọa này cũng có thể áp dụng với vũ khí của Mỹ.

Theo ông Hoh, mối nguy hiểm lớn nhất là nếu những vũ khí này từ phương Tây được Ukraine dùng tấn công mục tiêu dân sự, chẳng hạn như một trường học, thì liệu Nga sẽ phản ứng ra sao? “Tôi không nghĩ Nga sẽ đi xa tới mức tấn công các mục tiêu quân sự của phương Tây bên ngoài Ukraine. Tôi không nghĩ người Nga muốn kiểu leo ​​thang đó vì suy cho cùng lợi ích từ các cuộc tấn công đó quá nhỏ so với thiệt hại mà nó gây ra” - ông Hoh nhận định.

Nga: Quyền bá chủ của phương Tây đã kết thúc

Phát biểu trong phiên thảo luận về các quy tắc mới trong quan hệ quốc tế tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg (SPIEF) hôm 8-6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói rằng các khái niệm về quyền bá chủ và thống trị toàn cầu mà tập thể phương Tây bám vào đã không có chỗ đứng trong trật tự thế giới đa cực, theo đài RT.

Bà Zakharova chỉ trích các chính phủ phương Tây vì chống lại những thay đổi cơ cấu vốn đã bắt đầu liên quan khả năng tự tổ chức của các quốc gia và sự tương tác của họ với các quốc gia khác.

“Chúng ta đang nói về chủ nghĩa đa trung tâm, một sự rời bỏ các quy tắc trước đây và chúng ta thấy sự phản kháng tuyệt vọng của tập thể phương Tây” - bà Zakharova nói, thêm rằng nỗ lực thống trị của phương Tây chỉ “đưa nhân loại đến những bi kịch khủng khiếp".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm