Tham dự hội nghị có đại diện của các cơ quan trên địa bàn TP như Ủy ban MTTQ TP; các sở, ban, ngành TP; TAND TP, quận, huyện; VKSND TP, quận, huyện; UBND, phòng tư pháp quận, huyện…
Bà Vũ Thị Tố Chinh, Phó phòng Phổ biến giáo dục pháp luật Sở Tư pháp TP.HCM, phát biểu khai mạc: Hội nghị này nhằm phổ biến, giới thiệu khái quát đến cán bộ, công chức TP nội dung của các điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên, các thỏa thuận quốc tế liên quan đến người dân, doanh nghiệp. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả khi chúng ta tham gia đàm phán, ký kết các hợp đồng thương mại quốc tế và cách thức giải quyết các tranh chấp trong các hiệp định thương mại tự do cũng như cách thức giải quyết các tranh chấp hợp đồng thương mại quốc tế; những lưu ý khi ký hợp đồng thương mại quốc tế…
Bà Vũ Thị Tố Chinh, Phó phòng Phổ biến giáo dục pháp luật Sở Tư pháp TP.HCM. Ảnh: KP
Ông Phạm Bình An, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ hội nhập WTO TP, báo cáo chuyên đề quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Mục tiêu hội nhập kinh tế quốc tế là mở cửa thị trường, loại bỏ các rào cản thương mại.
Từ năm 1995 đến nay, Việt Nam ký kết nhiều hiệp định song phương, đa phương như Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) năm 2000, gia nhập APEC năm 1998, tham gia Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO) năm 2007…
Ông Phạm Bình An lần lượt giới thiệu, giải thích thuận lợi và khó khăn của từng hiệp định, doanh nghiệp nước ta được lợi gì, khó khăn ra sao khi thực thi hiệp định về hàng hóa, nhà phân phối, tiêu dùng, xuất xứ hàng hóa… Sự cạnh tranh không chỉ là đối với bên ngoài khi mở cửa mà doanh nghiệp còn phải cạnh tranh khốc liệt ngay cả với doanh nghiệp trong nước.
Vì thế, doanh nghiệp phải xét từng thế mạnh, yếu của mình để bắt kịp cơ hội và xử lý thách thức khi mở cửa hàng hóa thì việc hội nhập mới thành công. Thị trường nào mình mạnh thì cơ hội phát huy phải tính ngắn hạn, dài hạn để có chính sách đón đầu nhằm hưởng lợi nhiều nhất khi tham gia các hiệp định thương mại tự do, nhất là tự do thế hệ mới. Ví dụ như mặt hàng dệt may nếu nước ta được vào TPP thì ngành hàng này được hưởng lợi rất lớn.
Ông Phạm Bình An, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ hội nhập WTO TP.HCM. Ảnh: KP
Hội nhập trong nước có nhiều việc cần phải làm. Đó là phải kịp thời cung cấp thông tin cho doanh nghiệp về hiệp định đã ký, nhấn mạnh thách thức cho từng ngành. Tiếp đó, cải cách thủ tục môi trường đầu tư kinh doanh để đạt hiệu quả. Nhóm này ít tốn kém nhưng lại khó thực thi trên thực tế, chính sách ở trên thì cải thiện nhưng xuống dưới thì tùy địa phương, tùy cán bộ. Khó vì nó là đụng nồi cơm nên rất tế nhị… không đồng bộ cả hệ thống từ trên xuống dưới thì cũng khó cải thiện về thủ tục hành chính.
Rồi các chính sách, quy định pháp luật hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần được quan tâm hơn nữa.
Theo thống kê chưa đầy đủ, tại TP.HCM có khoảng 34 quy định hỗ trợ, ưu đãi cho doanh nghiệp/HTX (chưa tính các chương trình của trung ương), tạm chia làm tám nhóm: Hỗ trợ về vốn tín dụng; về đầu tư chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp; pháp lý và thủ tục hành chính; khoa học công nghệ, quản lý chất lượng; doanh nghiệp khởi nghiệp (mới); hỗ trợ riêng cho HTX…
Ông Bình Anh phân tích có ba nhóm tranh chấp chính trong các hiệp định thương mại tự do. Cụ thể là tranh chấp giữa nhà nước với nhà nước; giữa nhà nước với nhà đầu tư (doanh nghiệp); giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp. Nguyên nhân chính gây ra tranh chấp đa dạng về hình thức đầu tư, pháp luật bất cập, chưa chú trọng đến xây dựng/hậu quả của các hợp đồng…Các cơ quan giải quyết tranh chấp là Trọng tài thương mại hay tòa án Việt Nam (ít áp dụng); trọng tài vụ việc theo quy tắc trọng tài của Ủy ban Liên Hiệp Quốc về Luật Thương mại quốc tế…
Ông cũng lưu ý một số giải pháp phòng ngừa tranh chấp đầu tư ở cấp địa phương là phải rà soát, kiến nghị điều chỉnh, bổ sung bất cập về chính sách đối với nhà đầu tư, đặc biệt một số lĩnh vực nhạy cảm (giấy phép, thuế, đất đai…); lựa chọn thẩm định kỹ năng lực nhà đầu tư; chú trọng soạn thảo hợp đồng hoặc giấy chứng nhận đầu tư, đồng thời giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện dự án; xây dựng cơ chế cảnh báo.