Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) vừa ban hành Nghị quyết số 1214-2016 (có hiệu lực từ ngày 1-7) quy định về trang phục và giấy chứng minh của thẩm phán, hội thẩm nhân dân. Theo đó, khi xét xử, thẩm phán sẽ mặc áo choàng dài tay màu đen, trong khi hội thẩm nhân dân mặc quần âu, áo sơmi trắng (mùa xuân hè) hoặc bộ comple, áo sơmi dài (mùa thu đông).
Nhiều ý kiến đề nghị UBTVQH cũng nên trang bị áo choàng dài tay màu đen cho hội thẩm nhân dân mặc khi xét xử để tạo sự đồng bộ, thống nhất về trang phục xét xử của cả HĐXX. HĐXX mặc áo choàng đồng bộ khi xét xử thì sẽ càng làm tăng tính trang trọng, uy nghiêm của phiên tòa...
Tạo sự thống nhất, uy nghiêm
Luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích: Theo BLTTHS, HĐXX tại phiên tòa sơ thẩm thông thường gồm một thẩm phán và hai hội thẩm nhân dân (nếu vụ án phức tạp thì hai thẩm phán và ba hội thẩm). Các thành viên HĐXX đều có quyền ngang nhau trong quá trình nghị án để đưa ra phán quyết cuối cùng. Thẩm phán chỉ “có lợi” hơn khi luật giao cho quyền ngồi chính giữa HĐXX điều khiển phiên tòa và có quyền xét hỏi, thẩm vấn chính.
Như vậy, căn cứ vào tính chất và tầm quan trọng thì các thành viên trong HĐXX giống nhau cho nên hình thức ăn mặc, trang phục cũng nên đồng nhất. Nếu đã trang bị áo choàng cho thẩm phán thì cũng cần tính toán trang bị cho cả hội thẩm nhân dân mặc khi xét xử để tạo sự thống nhất. Người dự khán phiên tòa nhìn lên sẽ thấy không có sự lôm côm và chênh lệch, điều này sẽ làm tăng tính uy nghiêm của phiên tòa.
Một vị hội thẩm nhân dân thuộc TAND TP.HCM (cán bộ một sở) cũng đánh giá: So với trước đây, Nghị quyết 1214-2016 bổ sung trang phục dành riêng cho thẩm phán khi xét xử là điều rất tiến bộ. Nhưng nếu chỉ quy định đồng phục áo choàng dài tay cho thẩm phán thì chưa đủ, chưa thể hiện sự trang nghiêm của phiên tòa. Bởi HĐXX thực hiện chức năng xét xử, là hình ảnh đại diện cho Nhà nước nên cần uy nghiêm về tác phong, thống nhất về hình thức. Ở phiên tòa phúc thẩm thì không nói vì thành phần xét xử đều là các thẩm phán. Nhưng trong phiên tòa sơ thẩm chỉ có một thẩm phán (hoặc hai) mặc áo choàng thì nhìn đơn điệu và sẽ tạo ra sự chênh lệch.
“Điều 13 Nghị quyết 1214-2016 cho phép TAND Tối cao tổ chức thí điểm trang phục xét xử là áo choàng dài tay tại một số tòa án, đánh giá kết quả thực hiện và báo cáo lại trước 1-7-2017 để UBTVQH xem xét, quyết định. Trong thời gian thí điểm này, tôi nghĩ TAND Tối cao có thể đề xuất thêm việc trang bị áo choàng cho hội thẩm chúng tôi” - vị hội thẩm này nói.
Một vị hội thẩm khác tại TP.HCM cũng tâm sự: “Tôi từng tham gia nhiều phiên tòa tại TAND TP.HCM, thú thực khi mặc bộ comple trên người giống thẩm phán chủ tọa thì bản thân tôi thấy tự tin hơn. Không biết sắp tới, khi HĐXX không còn mặc đồng bộ nữa thì cảm giác sẽ ra sao”.
UBTVQH cũng nên trang bị cả áo choàng dài tay cho hội thẩm nhân dân? Ảnh minh họa: T.TÙNG
Phải sáng tạo, gần gũi với dân
Điều 3 Nghị quyết 1214-2016 quy định: Kiểu dáng, chất liệu, màu sắc của từng loại trang phục (trong đó có áo choàng dài tay cho thẩm phán - PV) do chánh án TAND Tối cao quyết định. Theo các chuyên gia, đây được xem là một thuận lợi cho lãnh đạo TAND Tối cao trong việc chọn lựa chất liệu vải, kiểu dáng áo choàng sao cho phù hợp theo mùa và vùng miền khác nhau, tránh kiểu rập khuôn máy móc.
Nguyên Chánh án TAND thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk) Phan Ngọc Nhàn kể: Năm 2005, khi ông còn đương chức, TAND Tối cao có chủ trương yêu cầu các thẩm phán phải tự trang bị một chiếc áo khoác (thường gọi là áo dạ) để mặc chống rét. “Tôi thực hiện theo nhưng nói thật là may xong thì từ đó đến nay chưa mặc lần nào, dù Đắk Lắk thuộc Tây Nguyên cũng là nơi có thời tiết lạnh về cuối năm. Hiện nay tôi vẫn còn giữ chiếc áo đó để làm kỷ niệm, trong khi các thẩm phán miền Bắc thì chắc chắn có thể thường xuyên sử dụng vào mùa đông”.
Theo ông Nhàn, với thời tiết nắng nóng như các tỉnh ở Nam Bộ thì việc tính toán chất liệu vải để may áo choàng là rất quan trọng. Không nên máy móc may đại trà theo cùng một chất liệu vải, kiểu cách cũng cần thay đổi miễn sao vẫn giữ được nét cơ bản của áo choàng thẩm phán. Mục đích là phải tạo được sự thoáng mát, thoải mái để mỗi lần mặc chiếc áo choàng ngồi xử án không phải là một lần cực hình với thẩm phán.
Theo TS Phan Anh Tuấn (Trường ĐH Luật TP.HCM), việc đổi mới trang phục xét xử là cần thiết nhưng phải gần gũi với nhân dân. Bởi lẽ tòa án ở nước ta là TAND, không nên “bê” nguyên xi hình ảnh chiếc áo choàng của tòa án nước ngoài vào áp dụng được. Thứ nhất, ở nước ngoài, phòng xử án của tòa thường rất hiện đại, có máy điều hòa nhiệt độ và nhiều tiện nghi khác phục vụ cho quá trình xử án. Ở Việt Nam, ngoài một số phòng xử án thuộc Tòa Gia đình và Người chưa thành niên đang thí điểm ở TP.HCM mới có máy điều hòa thì hầu hết các phòng xử án đều chỉ có quạt, thậm chí khá chật chội, nóng bức. Thứ hai, về thời tiết, chúng ta có nhiều vùng miền với các kiểu thời tiết khác nhau nên phải linh hoạt trong cách thiết kế. Thứ ba, văn hóa chúng ta khác văn hóa phương Tây nên nếu ăn mặc rườm rà quá lại khiến thẩm phán xa dân hơn.
“Phải thiết kế áo choàng làm sao cho màu sắc, kiểu dáng khiến người dân thuận mắt. Tôi nghĩ chúng ta phải linh hoạt và có sự sáng tạo mà không mất đi sự gần gũi với người dân” - TS Tuấn nói.
“Nóng 40 độ mà mặc áo choàng dày quá thì…” Nhiều người nói thẩm phán mặc áo choàng dài tay màu đen khi xét xử là phù hợp với thông lệ quốc tế và tăng tính uy nghiêm của phiên tòa. Về cơ bản tôi ủng hộ trang phục này nhưng nếu chất liệu vải dày quá thì sẽ rườm rà và nóng nực. Không khí trong phòng xử thường căng thẳng và nóng bức, nhất là ở những phiên tòa hình sự có nhiều người dự khán, thời gian xét xử có khi nửa tháng hoặc cả tháng. Trong khi đó, thời tiết các tỉnh, thành miền Nam (hay thời tiết mùa hè ở miền Bắc) có khi nóng tới 39-40 độ C thì không ổn, sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của thẩm phán, dẫn đến ảnh hưởng chất lượng xét xử. Đó là chưa kể bên trong áo choàng, thẩm phán vẫn còn phải mặc thêm bộ quần áo thông thường khác nữa, rất khó chịu… Một nữ thẩm phán (đề nghị không nêu tên) |