Ngày 13-6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã ban hành Nghị quyết 1214-2016 về trang phục của thẩm phán, hội thẩm nhân dân; giấy chứng minh thẩm phán; giấy chứng minh hội thẩm. Nghị quyết này gồm 13 điều, có hiệu lực từ ngày 1-7-2016 (thay thế Nghị quyết 221-2003 của UBTVQH).
Thí điểm mặc áo choàng tại một số tòa
So với Nghị quyết 221-2003, Nghị quyết 1214-2016 đã bổ sung hai loại trang phục gồm trang phục xét xử và lễ phục, đồng thời bỏ hai loại trang phục không phù hợp là dép có quai hậu, áo mưa.
Nghị quyết 1214-2016 quy định thẩm phán TAND các cấp được cấp trang phục để sử dụng theo niên hạn. Theo đó, trang phục xét xử là áo choàng dài tay màu đen, riêng thẩm phán Tòa Gia đình và Người chưa thành niên là áo choàng dài tay màu da cam (giống tờ trình của TAND Tối cao). Lễ phục với nam giới là bộ comple, nữ giới là bộ áo dài truyền thống (TAND Tối cao đề xuất cũng là áo choàng nhưng không được UBTVQH chấp nhận). Trang phục làm việc hằng ngày gồm trang phục xuân - hè là quần âu, áo sơ mi trắng, trang phục thu - đông là bộ comple, áo sơ mi dài tay và áo khoác chống rét.
Ngoài ra, thẩm phán còn được cấp các đồ dùng khác gồm thắt lưng, giày da, bít tất, cà vạt, cặp đựng tài liệu và phù hiệu thẩm phán. Theo quy định, phù hiệu thẩm phán được dùng để đeo trên trang phục áo phía ngực bên trái khi làm việc để đảm bảo việc phân biệt giữa thẩm phán các cấp và giữa thẩm phán với các công chức, viên chức, người lao động khác của ngành TAND.
Trang phục của hội thẩm nhân dân theo niên hạn gồm: Trang phục xuân - hè là quần âu, áo sơ mi trắng; trang phục thu - đông là bộ comple, áo sơ mi dài tay. Hội thẩm nhân dân cũng được cấp thắt lưng, giày da, bít tất, cà vạt và cặp đựng tài liệu. Về chi tiết từng loại trang phục, Điều 3 Nghị quyết 1214-2016 nêu rõ: “Kiểu dáng, chất liệu, màu sắc của từng loại trang phục tại Điều 1 và Điều 2 nghị quyết này do chánh án TAND Tối cao quy định”.
Điều 13 Nghị quyết 1214-2016 cũng quy định cho phép chánh án TAND Tối cao tổ chức thí điểm trang phục xét xử là áo choàng dài tay màu đen cho từng ngạch thẩm phán tại một số tòa, sau đó đánh giá kết quả thực hiện và báo cáo trước ngày 1-7-2017 để UBTVQH xem xét, quyết định. Trong thời gian thực hiện thí điểm, thẩm phán được cấp một lần hai chiếc áo choàng dài tay màu đen. Tại những tòa án không thực hiện thí điểm, thẩm phán sử dụng trang phục xét xử theo quy định hiện hành cho đến khi có quy định mới của UBTVQH về trang phục xét xử.
Mẫu áo choàng thẩm phán sẽ mặc khi xét xử. Ảnh: INTERNET
Giữ nguyên giấy chứng minh thẩm phán, hội thẩm
Về cơ bản, hai loại giấy này vẫn được giữ nguyên theo quy định tại Nghị quyết 221-2003 vì theo đánh giá của UBTVQH, quá trình cấp phát, sử dụng chưa bộc lộ vướng mắc, bất cập.
Theo Điều 8 Nghị quyết 1214-2016, giấy chứng minh thẩm phán có chiều dài 95 mm, chiều rộng 62 mm. Mặt trước nền đỏ, trên cùng là dòng chữ màu vàng “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM”, ở giữa là quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phía dưới quốc huy là dòng chữ màu vàng “GIẤY CHỨNG MINH THẨM PHÁN”. Mặt sau nền trắng, có hoa văn chìm màu hồng, có một đường gạch chéo màu đỏ rộng 8 mm chạy dọc từ góc dưới bên trái lên góc trên bên phải, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh.
Theo Điều 9 Nghị quyết 1214-2016, giấy chứng minh hội thẩm có chiều dài 95 mm, chiều rộng 62 mm. Mặt trước nền đỏ, trên cùng là dòng chữ màu vàng “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM”, ở giữa là quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phía dưới quốc huy là dòng chữ màu vàng “GIẤY CHỨNG MINH HỘI THẨM NHÂN DÂN”. Mặt sau nền trắng, có hoa văn chìm màu hồng.
Giấy chứng minh hội thẩm quân nhân có mẫu như giấy chứng minh hội thẩm nhân dân, trong đó dòng chữ “GIẤY CHỨNG MINH HỘI THẨM NHÂN DÂN” được thay bằng dòng chữ “GIẤY CHỨNG MINH HỘI THẨM QUÂN NHÂN”.
Thể hiện sự uy nghiêm Cá nhân tôi thích trang phục xét xử là áo choàng dài tay như quy định trong Nghị quyết 1214-2016 để thể hiện sự uy nghiêm trong hình ảnh của người thẩm phán và phù hợp với thông lệ quốc tế. Việc Nghị quyết 1214-2016 cho thí điểm ở một số tòa đến thời điểm tháng 7-2017 là hợp lý vì cần phải có thời gian thực tế xem xã hội, người dân chấp nhận nó như thế nào, mặc áo choàng có phù hợp thời tiết, khí hậu… hay không trước khi áp dụng đại trà. Mặt khác, việc Nghị quyết 1214-2016 bổ sung về lễ phục của nữ thẩm phán là áo dài truyền thống cũng rất phù hợp vì nó thể hiện nét truyền thống và làm mềm mại hóa hình ảnh của người thẩm phán vốn được cho là khô cứng. Ông PHẠM CÔNG HÙNG, nguyên Thẩm phán TAND Tối cao Rất hợp lý Trước đây, thẩm phán chỉ được cấp trang phục làm việc, chưa có trang phục xét xử riêng và lễ phục nên chưa thể hiện được tính đặc trưng, khác biệt so với trang phục của cán bộ, công chức cơ quan, tổ chức khác. Thực tế cho thấy thẩm phán mặc quần áo khi xét xử chưa thống nhất về hình thức, màu sắc, chất liệu, làm phiên tòa trở nên luộm thuộm. Nghị quyết 1214-2016 đã bổ sung được những thiếu sót này. Việc quy định mặc áo choàng khi xét xử là hợp lý, bắt kịp xu hướng chung. Tôi vừa tham gia đoàn công tác của Liên đoàn Luật sư tham dự một phiên tòa hình sự ở Đức thì thấy từ thẩm phán đến công tố viên, luật sư đều mặc áo choàng đen rất đồng bộ và uy nghiêm. Luật sư TRƯƠNG XUÂN TÁM, ủy viên Hội thẩm cũng mặc áo choàng Tôi đồng tình với nhận xét cho rằng thẩm phán mặc áo choàng dài tay khi xét xử phù hợp với thông lệ quốc tế và làm tăng tính uy nghiêm, trang trọng của phiên tòa. Tại phiên tòa, thẩm phán thực hiện chức năng xét xử, là đại diện cho Nhà nước nên cần sự uy nghiêm. Tôi nghĩ nếu trang bị áo choàng cho các hội thẩm nhân dân nữa thì tốt hơn vì nó tạo ra sự đồng bộ trong cả hội đồng xét xử. Ở phiên tòa phúc thẩm thì không nói vì thành phần xét xử đều là thẩm phán. Tuy nhiên, ở phiên tòa sơ thẩm, việc chỉ một mình thẩm phán mặc áo choàng bên cạnh hai hội thẩm mặc vest nhìn sẽ đơn điệu và tạo sự chênh lệch khi hội đồng xét xử có quyền phán quyết giống nhau nhưng lại mặc khác nhau. Luật sư TRẦN CÔNG LY TAO, Đoàn Luật sư TP.HCM Hình tượng đặc trưng Theo UBTVQH, việc ban hành Nghị quyết 1214-2016 góp phần thể hiện rõ ràng hình tượng đặc trưng của cơ quan thực hiện quyền tư pháp. Đồng thời, quy định giúp nâng cao kỷ luật, kỷ cương, đề cao tác phong lễ tiết, danh dự nghề nghiệp và trách nhiệm cá nhân; thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của TAND theo yêu cầu đẩy mạnh cải cách tư pháp hiện nay. |