Chiếc áo choàng đen, bộ tóc giả đã trở thành hình ảnh khá quen thuộc gắn liền với các vị thẩm phán, từ phim ảnh đến các phiên tòa thật sự ngoài đời. Tuy nhiên, không phải vị thẩm phán nào trên thế giới cũng phải đảm bảo có đủ những phục trang này. Nhiều quốc gia trên thế giới vẫn có những lựa chọn trang phục riêng cho thẩm phán của mình.
Vì sao thẩm phán mặc đồ đen?
Đa số các nền tư pháp hiện nay trên thế giới đều quy định thẩm phán mặc trang phục màu đen, hoặc các trang phục có tông màu tối hoặc có viền màu đen. Nguồn gốc của việc áo choàng các thẩm phán có tông màu đen có thể truy ngược về nước Anh vào thế kỷ thứ 17. Sử sách ghi lại rằng sau cái chết của Nữ hoàng Anh Mary đệ nhị vào năm 1694, toàn bộ những thẩm phán của nước Anh đã mặc áo choàng đen đến dự tang lễ của bà. Những vị thẩm phán này tiếp tục mặc áo choàng màu đen như một cách để bày tỏ sự đau xót và tưởng nhớ bà trong suốt nhiều năm sau đó. Cũng trong giai đoạn này, nước Anh đã nhanh chóng trở thành đế quốc hùng mạnh nhất thế giới, với hệ thống thuộc địa toàn cầu như trong câu nói nổi tiếng “mặt trời không bao giờ lặn ở nước Anh”.
Văn hóa tư pháp của người Anh được nhân rộng, đặt nền móng cho nhiều nền tư pháp hiện đại trên thế giới và màu đen nhanh chóng được nhìn nhận như màu áo choàng “chuẩn mực” của vị thẩm phán. Màu đen được sử dụng rộng rãi làm màu sắc áo thụng của các vị thẩm phán cũng bởi đa số các nền văn hóa chịu ảnh hưởng của Kito giáo xem màu này tượng trưng cho sự trung lập, quyền uy, sự trang nghiêm và tính khiêm nhường - những đức tính cần có cho vị trí của người nắm giữ cán cân công lý.
Đại diện rõ nhất cho phong cách sử dụng áo choàng đen có lẽ là các thẩm phán tại Mỹ và nhóm các quốc gia chịu ảnh hưởng bởi nền tư pháp Mỹ. Hầu hết các thẩm phán cấp bang lẫn cấp liên bang tại Mỹ đều mặc áo choàng màu đen theo đúng tiêu chuẩn, khoác bên ngoài một bộ comple quần tây sơ mi trắng lịch sự. Mỗi thẩm phán sẽ có một cách phối đồ tự do khác nhau, tùy theo quy định địa phương. Các thẩm phán nữ thường phối nó với cổ áo xếp nếp màu trắng. Tuy nhiên, nhìn chung thì màu đen vẫn là “phong cách thời trang” chủ đạo của các vị thẩm phán tại Mỹ.
Có nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng du nhập phong cách áo thụng màu đen của người Mỹ cho thẩm phán của nước mình như Israel, Mexico hay Philippines. Thẩm phán người Israel mặc áo choàng màu đen trông gần giống như các vị đồng nghiệp người Mỹ, chỉ khác một điều là cổ áo của họ để hở và rộng hơn để tạo phong cách áo khoác. Thẩm phán Mexico chỉ mặc áo choàng ở cấp tòa án tối cao và mẫu áo này cũng tương tự như tại Mỹ. Trong khi đó các thẩm phán tòa án tối cao tại Philippines thì chủ động thay đổi một chút cho khác đi với lớp vải lót viền màu tím trên áo choàng đen.
Các thẩm phán người Anh trong trang phục đen viền tím. Ảnh: AFP
Thẩm phán Tòa án Tối cao Peru tham gia xét xử cựu tổng thống Peru, ông Alberto Fujimori, về những tội ác chống lại loài người. Ảnh: AP
Áo choàng đen có phải là bắt buộc?
Tuy nhiên, không phải hễ là thẩm phán thì màu áo choàng phải là màu đen. Trên thế giới hiện nay màu áo đỏ được ghi nhận là màu sắc phổ biến thứ hai dành cho áo choàng của các vị thẩm phán. Phong cách ăn mặc này có thể nhìn thấy phổ biến tại nhiều quốc gia và lãnh thổ từng là thuộc địa của Anh như Singapore, Hong Kong hay các nước châu Phi trong cộng đồng Khối Thịnh vượng chung. Một số nước cũng sử dụng áo choàng dành cho thẩm phán mang màu sắc khác, như màu xanh cô-ban (Tòa Hiến pháp Nam Phi) hay xanh dương (Tòa án Tối cao Hy Lạp). Trong hệ thống tòa án tại Vương quốc Anh và Bắc Ireland, thẩm phán mặc hầu hết các màu sắc tùy theo từng tòa án khác nhau. Có người mặc cả áo choàng xanh lá cây, áo choàng trắng, tím hay hồng. Sự đa dạng này một phần cũng do hệ thống tư pháp phức tạp của Anh với hàng chục tòa án khác nhau như Tòa án Nữ hoàng Tòa Đại pháp, Tòa Hoàng gia,… đòi hỏi phải có các màu sắc khác nhau để phân biệt thẩm phán.
Không phải quốc gia nào cũng ưa thích sử dụng áo choàng làm trang phục cho thẩm phán, điển hình là nhóm các quốc gia Nam Mỹ và Mỹ Latinh. Đa số các thẩm phán tại những quốc gia này không sử dụng áo choàng khi tham gia một phiên tòa. Thay vào đó họ sử dụng bộ comple làm việc lịch sự với áo vest, quần tây và áo sơ mi. Tại Peru, thẩm phán sẽ mang thêm một tấm mề đay tư pháp dành riêng cho thẩm phán để thể hiện sự khác biệt so với những người còn lại. Chỉ có tòa án tối cao của một vài nước hiếm hoi trong khu vực này là Brazil và Venezuela cho thẩm phán mặc áo choàng đen trơn theo kiểu truyền thống của Mỹ.
Ngay cả nền tư pháp tòa án của nước Mỹ cũng từng tồn tại tình trạng thẩm phán không mặc áo choàng tiêu chuẩn màu đen. Trong giai đoạn vừa tuyên bố độc lập khỏi đế quốc Anh, chính khách người Mỹ Thomas Jefferson đã đề cao tư tưởng dẹp bỏ những lề lối phức tạp, lạc hậu và dài dòng phép tắc của chế độ quân chủ. Suy nghĩ này của Jefferson đã được ủng hộ rộng rãi, đặc biệt là tại các bang miền Nam nước Mỹ. Các thẩm phán địa phương không mặc áo choàng màu đen và cũng không có mẫu trang phục chính thức. Phải đến giữa thế kỷ 19, khi mối quan hệ giữa chính quyền liên bang và tiểu bang hài hòa hơn, mẫu áo choàng đen mới trở nên phổ biến.
Tóc giả để hợp thời trang
Theo trang Fashion-History, hình ảnh những vị thẩm phán đội bộ tóc giả có thể xem là một hệ quả của phong cách thời trang thế kỷ 17. Vua Charles đệ nhị đã cho nhập khẩu những bộ tóc giả từ Pháp vào nước Anh trong năm 1660 bởi vì những bộ tóc này đang là phong cách “thời thượng” dành cho những quý ông giàu có và quyền lực thời điểm này. Bộ tóc này khẳng định người đội nó có một vị thế xã hội cao hơn thường dân. Chính vua Anh đã chỉ thị giới thẩm phán và luật sư nước Anh đội những bộ tóc này như một cách để khẳng định vị thế uy quyền của mình nơi tòa án. Đến thế kỷ 18, dù bộ tóc giả không còn là mốt thời trang đại chúng nữa, giới tư pháp tại Anh và châu Âu vẫn xem nó như một phần quan trọng trong văn hóa và trang phục tòa án của mình.
Tóc giả đã hầu như không còn được sử dụng tại tòa án trong thế kỷ 20 và thế kỷ 21. Hiện nay chỉ còn có nước Anh và một số quốc gia hay lãnh thổ từng là thuộc địa của Anh là còn sử dụng tóc giả nhằm mục đích lễ nghi. Từ đầu thế kỷ 21, các thẩm phán tòa án tối cao và Tòa án Nữ hoàng tại Anh và các quốc gia thuộc Khối Thịnh vượng chung vẫn lưu giữ truyền thống đội bộ tóc giả dài đến vai mỗi khi tham dự các sự kiện mang tính lễ nghi. Đối với các phiên tòa thường ngày, những thẩm phán thường sử dụng bộ tóc giả ngắn hơn cho thoải mái. Những luật sư tại các quốc gia này thậm chí còn sử dụng một phiên bản “rút gọn” hơn nữa so với những bộ tóc giả truyền thống từ thế kỷ 17. Tóc giả dành cho luật sư được cắt ngắn, để lộ một phần trán và tóc phía trước.
Ngoài yếu tố truyền thống hay thời trang, những bộ tóc giả còn đóng vai trò đảm bảo sự “vô danh tính” của các vị thẩm phán. Bộ tóc giả mang ý nghĩa biểu tượng rằng người sử dụng nó sẽ gạt bỏ đi mọi kỳ thị về sắc tộc, tôn giáo, màu da, đặt mình vào một tiêu chuẩn chung đại diện cho luật pháp và sẽ xét xử vụ án một cách công bằng, không định kiến. Bên cạnh tính biểu tượng, trong thời đại mà công nghệ kỹ thuật chưa phát triển mạnh mẽ như hiện nay, bộ tóc giả cũng giúp che giấu danh tính của các thẩm phán, giúp họ khó bị nhận diện hơn bên ngoài phiên tòa. Chẳng hạn như tại Úc những năm 1980, một loạt vụ tấn công các thẩm phán của Tòa án Gia đình ở nước này đã liên tiếp xảy ra. Tòa án Gia đình được chính quyền Úc cho ra đời vào năm 1975 và không quy định bắt buộc thẩm phán phải mặc áo choàng hay tóc giả nhằm tạo một không khí tòa án ít trang nghiêm hơn. Tuy nhiên, sau những vụ tấn công này, Úc đã phải yêu cầu thẩm phán Tòa án Gia đình đội lại tóc giả và mặc áo choàng.