Hội thảo bàn về 4 dự luật liên quan đến công tác công an

Chiều 10-3, Công an TP.HCM đã tổ chức hội thảo khoa học “Nội dung trọng tâm các dự án luật liên quan đến công tác công an”. Đồng chủ trì hội thảo là GS-TS Nguyễn Thiện Nhân - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Khóa XV; ông Ngô Minh Châu - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM và Thiếu tướng Lê Hồng Nam - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an TP.HCM.

Từ trái qua: Thiếu tướng Lê Hồng Nam - Giám đốc Công an TP.HCM,
GS-TS Nguyễn Thiện Nhân - ĐBQH khóa XV và ông Ngô Minh Châu -
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM tại hội thảo. Ảnh: NGUYỆT NHI

Về việc tách Luật GTĐB thành hai luật mới

Phát biểu khai mạc, Thiếu tướng Lê Hồng Nam nhấn mạnh vai trò và tầm quan trọng của bốn dự án luật, gồm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (Luật TTATGTĐB) và Luật Cảnh sát cơ động.

Tại hội thảo, Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT (C08) Bộ Công an, đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong quy định về trật tự, an toàn giao thông (ATGT) tại Luật Giao thông đường bộ năm 2008 (Luật GTĐB).

Ông Bình nói việc cụ thể hóa các quy định của Công ước Viên năm 1968 trong Luật GTĐB chưa rõ, chưa sát với tình hình thực tiễn…; không quy định đầy đủ, cụ thể về các chế định bảo đảm trật tự, ATGT liên quan cần bổ sung như giải quyết tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông…; chưa có chính sách cụ thể, rõ ràng về quản lý, xử lý vi phạm trật tự, ATGT…

Cạnh đó, Luật GTĐB tuy đã có quy định về chính sách quy hoạch đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng… nhưng chưa đầy đủ và cụ thể, như cơ chế về vốn, về bảo trì, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng.

Mặt khác, kinh doanh vận tải là kinh doanh có điều kiện nhưng Luật GTĐB quy định chưa rõ, chưa đủ cơ chế, chính sách để phát triển tương xứng với nhu cầu xã hội.

Luật GTĐB không quy định rõ cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm chính về trật tự, ATGT đường bộ, dẫn đến quá trình thực hiện thiếu nhất quán, thiếu đồng bộ, nhất là giữa cơ quan quản lý nhà nước về an ninh, trật tự và cơ quan quản lý về hạ tầng, kinh tế, kỹ thuật.

Theo ông Bình, qua nghiên cứu, tham khảo pháp luật của nhiều quốc gia cho thấy không có quốc gia nào ban hành Luật GTĐB bao gồm cả ba lĩnh vực ATGT, kết cấu hạ tầng và vận tải đường bộ…

Do đó, cần thiết phải tách Luật GTĐB thành hai luật: Luật Đường bộ và Luật TTATGTĐB.

Luật TTATGTĐB để xây dựng thói quen, ý thức tự giác và hình thành văn hóa giao thông hiện đại, mang tính ổn định lâu dài…

Trong khi đó, Luật Đường bộ để phát triển hạ tầng giao thông, quản lý vận tải…

Các ý kiến tại hội thảo về cơ bản đều thống nhất với việc tách Luật GTĐB thành hai luật mới (như đã nêu). Các ĐB cho rằng cần tiến hành song song việc ban hành hai luật mới này, tránh sự trùng lặp, chồng chéo.

Cạnh đó, ngay khi có dự án luật cũng cần thiết phải nghiên cứu, ban hành dự thảo nghị định, thông tư liên quan…, tránh việc có luật nhưng không có văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Sang, Phó Viện trưởng VKSND TP.HCM, ĐBQH khóa XV, cho biết án hình sự tại TP.HCM chiếm từ 1/5 đến 1/6 của cả nước. Việc ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở sẽ góp phần một cách tích cực, có hiệu quả vào việc đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại địa phương, cơ sở.

Cũng tại hội thảo, các ý kiến đều nhất trí cao về sự cần thiết phải ban hành Luật Cảnh sát cơ động. 

Thăng hàm tướng trước hạn: Cần quy định rõ tiêu chí

Trình bày tham luận tại hội thảo, một đại biểu thuộc Công an TP.HCM, cho biết: Qua ba năm triển khai thực hiện, Luật Công an nhân dân năm 2018 (Luật CAND) đã tạo cơ sở pháp lý tương đối đầy đủ, toàn diện để lực lượng CAND thực hiện chức năng, nhiệm vụ tham mưu cho Đảng, Nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật…

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi và kết quả đạt được, quá trình thực hiện Luật CAND đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập. Thứ nhất, hạn tuổi phục vụ cao nhất đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an được quy định trên tính chất đặc thù về tổ chức bộ máy của lực lượng CAND, đồng thời luôn đảm bảo tương quan với tuổi nghỉ hưu của người lao động quy định tại Bộ luật Lao động năm 2019.

Tuy nhiên, theo quy định của Bộ luật Lao động thì tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035.

Do đó, khoảng cách về tuổi nghỉ hưu giữa cán bộ, chiến sĩ CAND với người lao động tăng lên. Bộ luật Lao động được coi là “luật gốc”, vì vậy khi tuổi nghỉ hưu của người lao động thay đổi thì cũng cần sửa đổi quy định hiện hành về hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an tại Luật CAND, Nghị định 49/2019.

Thứ hai, việc thăng cấp bậc lên hàm tướng trước hạn thì Luật CAND chưa quy định cụ thể tiêu chí, tiêu chuẩn có thành tích đặc biệt xuất sắc nên khó triển khai thực hiện trên thực tế.

Thứ ba, về cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan CAND. Cụ thể, một số đơn vị tương đương cấp cục (thuộc Bộ Công an) như: Trường ĐH Cảnh sát nhân dân, ĐH An ninh nhân dân, trợ lý bộ trưởng Bộ Công an… chưa được quy định có trần cấp bậc hàm cấp tướng.

Do đó, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND đối với những nội dung nêu trên là cần thiết.

 

Thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe

Tại hội thảo, Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT (C08) Bộ Công an, thông tin thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) vẫn thuộc về Bộ GTVT. Tuy nhiên, Bộ Công an sẽ giám sát các công tác này.

Cụ thể, Nghị quyết 13 ngày 30-1-2022 của Chính phủ về phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 1-2022 nêu rõ về thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, cần tiếp tục tổng kết, phân tích, đánh giá tác động đầy đủ, khách quan, toàn diện, kỹ lưỡng quá trình thực hiện trong thời gian qua; thuyết minh, giải trình về đề xuất của Bộ GTVT hoặc Bộ Công an quản lý cần thật sự thuyết phục, có đầy đủ cơ sở vững chắc; nghiên cứu cơ chế phối hợp theo hướng để Bộ Công an tham gia giám sát công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, bảo đảm có sự phối hợp, kiểm soát quyền lực chặt chẽ, như vậy sẽ dễ thuyết phục hơn…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm