Buổi hội thảo do UBND tỉnh Quảng Nam; Trường Cao đẳng Công nghệ, Kinh tế và Thuỷ lợi miền Trung; Đại học Tohoku (Nhật Bản); Viện khoa học thủy lợi Việt Nam đồng tổ chức.
200 nhà khoa học, nhà nghiên cứu và các học giả về biển trong và ngoài nước cùng ngồi lại bàn cách “giải nguy” cho Hội An khi 7km bờ biển Cửa Đại đã bị sóng biển lấn sâu từ 100-200 mét. Theo chính quyền TP Hội An, đã có hàng chục ha đất ven biển, bãi biển, các resort, nhà dân…bị biển uy hiếp nghiêm trọng. Nhiều công trình xây dựng của người dân và các doanh nghiệp kinh doanh du lịch đã bị sóng biển cuốn sập.
GS-TS Hitoshi Tanaka (nguyên Chủ tịch Hội quốc tế về nghiên cứu và kỹ thuật thủy văn môi trường Vùng Châu Á-Thái Bình Dương; phó Chủ tịch Hội xây dựng dân dụng Nhật Bản), cho rằng : “Nguyên nhân tiềm năng gây nên xói lỡ bờ biển Cửa Đại là do sự suy giảm bùn cát từ thượng lưu”.
Bờ biển Cửa Đại (TP Hội An) bị biển tấn công xâm thực khiến chính quyền đau đầu tìm phương án giải quyết. LÊ PHI
PGS-TS Nguyễn Trung Việt (Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghề, Kinh tế và Thuỷ lợi miền Trung), cho hay: “Việc sóng biển tấn công bờ biển Cửa Đại là rất nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, nếu muốn khắc phục được việc sóng biển “tấn công” biển Cửa Đại cần phải đầu tư hàng ngàn tỉ. Đây là số tiền rất lớn trong tình cảnh ngân sách nhà nước đang khó khăn.
Theo ông Lê Trí Thanh (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam) “Kinh phí để giải quyết hậu quả của việc sóng tấn công bờ biển Cửa Đại là rất lớn. Thực tế tỉnh cũng đã bỏ tiền vào xây dựng khắc phục sự cố nhưng vẫn tiếp tục hư hại nên cần các chuyên gia phải nghiên cứu sâu để đưa ra giải pháp tối ưu nhất. Tình hình sóng biển tấn công bờ biển Cửa Đại và tổng thể phố cổ Hội An đang rất bức xúc, khó giải quyết. Chúng tôi đang đề nghị JICA (Nhật Bản) giúp đỡ”.
Chính quyền Hội An phải khắc phục tạm thời bằng việc xúc cát bỏ vào từng bao tải để làm kè mềm nhưng vẫn chưa thể giải quyết được vấn đề. LÊ PHI
Bà Thu (đại diện resort) cho biết, năm nào sóng biển cũng lấn sâu vào các resort ven biển Cửa Đại. Trước tình trạng này, các resort cũng đã đầu tư hàng chục tỉ đồng để làm kè bảo vệ các công trình của mình. “Trước việc sóng biển tấn công chúng tôi xin phép làm bờ kè nhưng chính quyền không cho. Quá lo lắng cho các công trình xây dựng của mình chúng tôi đã làm bờ kè bằng đá dài 500 mét để chống lại sóng biển. Nhưng bây giờ thì chính quyền lại xử phạt chúng tôi 45 triệu đồng và buộc phải tháo dỡ. Chúng tôi đang rất bối rối”, bà Thu nói.
Theo bà Thu hiện sóng biển đã “liếm” sâu vào khu vực resort và nhà dân ven biển tới 150m. “Trước đây khu vực bãi biển có hàng dừa rất đẹp nhưng hiện đã bị sóng biển đánh sập và chôn vùi xuống biển”, bà Thu nói.
Lý giải về việc chính quyền yêu cầu các chủ resort và khách sạn không được tùy tiện xây dựng bờ kè, ông Lê Trí Thanh cho biết, việc giải quyết hậu quả sóng tấn công bờ biển cần phải giải quyết triệt để nhưng không thể để các chủ dự án mỗi người giải quyết một kiểu được. “Cái này phải giải quyết đồng bộ. Chứ mỗi người làm mỗi kiều kè khác nhau sẽ không giải quyết được vấn đề gì”, ông Thanh nói.