Hôm nay, bắt đầu kỳ thi ĐH, CĐ 2008: Đủ sức ngăn chặn mọi gian lận

Kỳ thi tuyển sinh ĐH đợt 1 năm 2008 sẽ diễn ra trong hai ngày 4 và 5-7 với các môn thi khối A và V. Đợt thi này cả nước có hơn 901 ngàn thí sinh dự thi vào 92 ĐH, học viện, CĐ. Tuy nhiên trong sáng qua, lượng thí sinh đến làm thủ tục tại các điểm thi chỉ trên dưới 60%, thấp hơn năm ngoái.

Ông Đỗ Thanh Duy, chuyên viên chính Vụ ĐH-Sau ĐH (Bộ GD&ĐT), cho biết các trường đã phải huy động 974 điểm thi với số phòng thi dự kiến khoảng 24.000 phòng. Số lượng phòng thi lớn cùng với hàng chục ngàn giám thị, cán bộ giám sát, bảo vệ sẽ trở nên hết sức lãng phí khi có phòng chỉ một vài thí sinh đến dự thi.

Hà Nội: Lượng thí sinh “ảo” chiếm gần 30%

Theo con số ước lượng của ông Bùi Duy Cam, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), trong sáng qua chỉ có khoảng 70% số thí sinh đăng ký dự thi đến các điểm của trường làm thủ tục. Con số thí sinh “ảo” cũng ở mức tương đương với các trường ĐH Xây dựng, Bách khoa Hà Nội, Sư phạm. Cán bộ ban chỉ đạo tuyển sinh một số trường cho rằng sẽ có một số thí sinh gặp trục trặc, chưa làm thủ tục đăng ký dự thi trong ngày hôm nay, tuy nhiên con số đó không nhiều.

Ông Nguyễn Chí Tuệ, Trưởng phòng Công tác chính trị và quản lý sinh viên ĐH Kinh tế quốc dân, cho biết tính đến chiều hôm qua, mới có hơn 9.000 thí sinh đến làm thủ tục đăng ký thi trên tổng số hơn 18.000 hồ sơ đăng ký dự thi. Theo ông Tuệ, tỷ lệ hơn 50% thí sinh “ảo” như vậy sẽ gây khó khăn và lãng phí rất nhiều cho trường trong khâu tổ chức thi. Ông Tuệ cũng cho biết ĐH Kinh tế quốc dân sẽ tiếp tục nhận giấy tờ và làm thủ tục cho thí sinh vào phòng thi cho đến 15 phút trước khi buổi thi thứ nhất bắt đầu.

ĐH Huế: 70,42% thí sinh đến đăng ký dự thi

Hôm qua (3-7), PGS.TS Nguyễn Hoàng, Trưởng ban Đào tạo ĐH Huế, cho biết đã có 14.637 thí sinh đến đăng ký dự thi trong tổng số 20.802 hồ sơ dự thi vào ĐH Huế.

Năm nay, công tác chuẩn bị mọi phương tiện đi lại và ăn ở của thí sinh đã được Hội Sinh viên ĐH Huế và 300 tình nguyện viên chuẩn bị kỹ lưỡng, nhiệt tình. Do vậy, 100% thí sinh dự thi vào ĐH Huế đã tìm được nhà trọ giá rẻ và chỗ ở miễn phí, không còn hiện tượng thí sinh và phụ huynh phải ngủ ở ngoài công viên, vỉa hè như mọi năm. Lượng phụ huynh phải “cơm đùm cơm nắm” đưa con đi thi đã giảm hẳn, tình trạng “cháy” phòng trọ như các năm trước đây không còn xảy ra.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM chiều 3-7, ông Phạm Văn Hùng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên-Huế cho biết tất cả 22 thí sinh được công nhận tốt nghiệp sau khi được bảo lưu kết quả đều đã được Sở GD&ĐT cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp trước đợt thi hai ngày nên không có ai bị ảnh hưởng gì đến thủ tục dự thi. Sở đã tạo mọi điều kiện tốt nhất để các thí sinh này kịp dự thi ĐH năm nay.

Đà Nẵng: Xuất hiện các đối tượng bán “dự đoán đề thi ĐH 2008”

Sáng qua (3-7), tại nhiều điểm thi của ĐH Đà Nẵng xuất hiện một số đối tượng bán tờ “dự đoán kết quả đề thi ĐH 2008” và đáp án ba môn toán, lý, hóa. Đông đảo phụ huynh đã chen nhau mua bản dự đoán đề thi với giá 30.000 đồng cho con em mình.

Theo các sinh viên tình nguyện, nhóm bán đề thi này gồm bốn người xuất hiện từ sáng sớm. Các đối tượng ăn mặc đàng hoàng, đeo phù hiệu và tự xưng là giảng viên Trường CĐ Công nghệ Đà Nẵng. Các đối tượng này luôn miệng tiếp thị “Đề thi này gần như giống hoàn toàn với đề thi ĐH năm nay”.

Tin vào những lời dụ dỗ, hàng trăm thí sinh và phụ huynh sẵn sàng bỏ tiền mua. Tuy nhiên đến 9 giờ, các đối tượng trên đã bị Công an quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) mời về trụ sở làm việc. Một đại diện Công an quận Liên Chiểu cho biết bước đầu các đối tượng trên khai là sinh viên. Tuy nhiên, theo vị này, để ổn định tâm lý cho thí sinh, danh tính và hướng xử lý sẽ được thông báo sau khi kết thúc đợt thi.

Ông Lê Tấn Duy, Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng, Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh ĐH Đà Nẵng 2008, khẳng định đề thi được bảo vệ nghiêm ngặt và không có chuyện bị lộ ra ngoài. Ông Duy khuyến cáo các thí sinh yên tâm làm bài. Phụ huynh và thí sinh cần cảnh giác trước những thông tin trên, không nên mua các tài liệu kiểu như vậy.

Số thí sinh đến làm thủ tục dự thi tại ĐH Đà Nẵng trong sáng qua đạt khoảng 80%.

Sẵn sàng đối phó với gian lận công nghệ cao

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Bá Giao, Phó Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT, cho biết: “Hiện các đoàn thanh tra lưu động của Bộ đã có mặt tại các điểm thi Hà Nội, TP.HCM, Vinh, Quy Nhơn, Cần Thơ. Ngoài ra, Ban chỉ đạo tuyển sinh cũng phân ra làm ba đoàn để đi kiểm tra các đơn vị tổ chức thi quanh Hà Nội”.

Theo ông Giao, mỗi phòng thi chỉ có 24 thí sinh, nếu giám thị làm hết trách nhiệm của mình sẽ không khó để phát hiện ra thí sinh mang các thiết bị công nghệ cao như điện thoại di động, thiết bị không dây vào phòng thi. “Tôi lưu ý các em thí sinh nếu mang điện thoại di động vào khu vực thi, dù sử dụng hay không cũng là phạm quy và sẽ bị đình chỉ thi” - ông Giao nhấn mạnh.

Cũng theo ông Giao, để hạn chế các trường hợp làm giả giấy tờ để thi hộ, thi kèm, Cục Công nghệ thông tin sử dụng phần mềm để phát hiện những trường hợp thí sinh trùng họ tên, ngày tháng năm sinh thi ở nhiều hội đồng thi khác nhau. “Theo quy trình của Bộ GD&ĐT, sau khi thí sinh thi đỗ sẽ còn tiến hành rà soát so sánh về chữ viết, kiểm tra lại các giấy tờ. Chúng tôi sẽ phối hợp với Cục Công nghệ thông tin và các trường để phát hiện các trường hợp vi phạm” - ông Giao nói.

Ông Giao khẳng định: “Các hội đồng thi sẽ phối hợp với công an và có bố trí lực lượng bảo vệ để đảm bảo an toàn cho kỳ thi. Bộ sẽ thanh tra không báo trước tại một số hội đồng tuyển sinh mà những kỳ thi trước hay xảy ra sự cố để nắm sát tình hình, kịp thời chấn chỉnh các sai phạm, thiếu sót”. Đến cuối ngày 3-7, Ban chỉ đạo tuyển sinh thống kê chỉ có 65,27% thí sinh đến làm thủ tục thi, giảm hơn 300.000 so với tổng số đăng ký dự thi là 916.405.

TP.HCM: Mới làm thủ tục đã kẹt xe!

Theo thống kê đến chiều qua (3-7), số thí sinh đến làm thủ tục dự thi thực tế tại Trường ĐH Luật TP.HCM là 64%, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM 66%, ĐH Nông Lâm 66%, ĐH KHTN 66,84%, ĐH Bách khoa có khoảng 75%, ĐH Marketing 70%... ]

Hôm nay, bắt đầu kỳ thi ĐH, CĐ 2008: Đủ sức ngăn chặn mọi gian lận ảnh 1

Sáng hôm qua, tại khu vực Thủ Đức, nơi tập trung đông thí sinh đến đăng ký dự thi vào các trường ĐH Sư phạm kỹ thuật, Giao thông Vận tải - Cơ sở II, ĐH Nông Lâm TP.HCM, Cảnh sát nhân dân... diễn ra nạn kẹt xe kéo dài từ 6 giờ 30 đến 8 giờ. Trong khi đó, thí sinh dự thi vào ĐH Marketing, Luật, Mở bán công... có nhiều điểm thi tại quận 4, 7 cũng bị kẹt xe, tắc đường.

Để đề phòng ùn tắc giao thông xảy ra trong ngày đầu các thí sinh thi ĐH tại TP.HCM sẽ có 500 CSGT của Phòng CSGT đường bộ phối hợp cùng 700 trật tự viên của thanh niên xung phong và 350 dân quân tự vệ cùng ra đường vào 6 giờ sáng hôm nay. Sau khi các thí sinh vào phòng thi, CSGT sẽ tăng cường tuần tra trên đường để nắm tình hình giao thông và nếu gặp cảnh ùn tắc, tai nạn, xe chết máy... sẽ liên lạc ngay về phòng để điều thêm lực lượng đến giải tỏa. Số còn lại lo giữ gìn trật tự trước các cổng trường nhằm tránh trường hợp phụ huynh đứng chờ đông gây ra ùn tắc giao thông.

“Cò” nhà trọ giả danh tình nguyện viên

Chị Lê Thị Mỹ đưa con trai là thí sinh Trương Ngọc Tân dự thi vào ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM. Hai mẹ con đã phải sang xe đến bốn, năm lần từ Cần Đước (Long An) để lên được làng ĐH Thủ Đức. Khi đến Thủ Đức, chị Mỹ gặp một thanh niên tự xưng là tình nguyện viên tiếp sức mùa thi. Thanh niên này chỉ cho mẹ con chị địa điểm thi và dẫn đi thuê nhà trọ gần đó. Mỗi ngày là 80.000 đồng và phải đặt cọc 50.000 đồng. Khi hai mẹ con đến ở thì chủ nhà cho biết thanh niên đó được chủ nhà trả 10.000 đồng/lần khi dắt người đến ở trọ.

NHẤT PHƯƠNG

Cán bộ cũng không được mang điện thoại vào khu vực thi

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có công điện khẩn gửi chủ tịch hội đồng tuyển sinh các trường đại học, cao đẳng, trong đó yêu cầu tất cả cán bộ tham gia công tác tuyển sinh như cán bộ coi thi, giám sát, phục vụ, trật tự viên, công an, y tế... đều không được mang theo điện thoại di động trong khu vực thi. Chỉ điểm trưởng và phó điểm trưởng các điểm thi được mang theo điện thoại và sử dụng trong trường hợp đặc biệt, khi thật cần thiết.

Bộ cũng yêu cầu các điểm thi có các biện pháp bảo đảm an toàn đề thi và phối hợp chặt chẽ với địa phương nơi thi để kỳ thi an toàn, đạt kết quả cao.

MAI MINH

NHÓM PV

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm