Hôm nay, khánh thành cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và Mai Sơn - Quốc lộ 45

Hôm nay, khánh thành cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và Mai Sơn - Quốc lộ 45

(PLO)- Sau lễ khánh thành, các phương tiện sẽ được lưu thông vào cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và Mai Sơn - Quốc lộ 45.

Hôm nay (29-4), Bộ GTVT phối hợp với hai tỉnh Thanh Hóa và Bình Thuận tổ chức khánh thành, thông xe hai dự án thành phần đoạn Phan Thiết - Dầu Giây và Mai Sơn - Quốc lộ (QL) 45 thuộc dự án đường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 (2017-2020) theo hình thức trực tuyến.

Bình Thuận đang trở thành vùng đất hấp dẫn các nhà đầu tư

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Dương Văn An, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, cho biết hai tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và Phan Thiết - Vĩnh Hảo cùng với sân bay Phan Thiết là các công trình giao thông quan trọng mà người dân tỉnh Bình Thuận đang mong chờ lâu nay.

Việc khánh thành hai tuyến cao tốc sẽ rút ngắn thời gian di chuyển giữa tỉnh Bình Thuận và các tỉnh miền Đông Nam Bộ, ĐBSCL và các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ. Đồng thời tạo ra động lực rất lớn để phát triển kinh tế - xã hội nhanh hơn, mạnh hơn.

Cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 nối Ninh Bình với Thanh Hóa dài 63,37 km. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 nối Ninh Bình với Thanh Hóa dài 63,37 km. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư có năng lực sẽ nhìn thấy được nhiều cơ hội thành công khi đầu tư vào Bình Thuận. Du lịch Bình Thuận cũng sẽ có sự tăng tốc, khi mà thời gian tới Bình Thuận được rút ngắn. Các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, sản phẩm nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, bất động sản cũng sẽ phát triển theo khi điều kiện giao thông thuận lợi hơn.

“Chúng tôi đã nhìn thấy cơ hội này và đã có phương án đón đầu, tận dụng cơ hội ngay từ khi cao tốc mới được khởi công. Để phát huy hiệu quả, tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư các tuyến đường kết nối với ba trục quan trọng (cao tốc - QL - đường ven biển). Trong đó, đường Hàm Kiệm - Tiến Thành nối cao tốc với đường ven biển ĐT.719; đường ĐT.711 nối cao tốc với đường ven biển Hòa Thắng - Hòa Phú; 719B - Hòn Lan - Tân Hải nối TP Phan Thiết với thị xã La Gi; đường Tân Minh - Sơn Mỹ nối QL55 với QL1A và cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết...

Tỉnh cũng đã thúc đẩy đầu tư các khu công nghiệp có khả năng tiếp cận với cao tốc như các khu công nghiệp Tuy Phong, Tân Đức, Sơn Mỹ (huyện Hàm Tân), đồng thời phát triển thêm một số cụm công nghiệp ở khu vực phía nam của tỉnh để thu hút thêm nhiều nhà đầu tư” - ông An nói.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ thúc đẩy các dự án du lịch, khu đô thị mới gắn với thế mạnh du lịch biển. Tỉnh cũng đã mời một số nhà đầu tư lớn, có tên tuổi, có thương hiệu, uy tín, kinh nghiệm vào cùng nghiên cứu tiềm năng, triển vọng và góp ý trong quy trình xây dựng quy hoạch tỉnh để phát huy tiềm năng, lợi thế một cách hiệu quả nhất.

Theo ông An, Bình Thuận đang trở thành một vùng đất hấp hẫn đầu tư nên tỉnh sẽ tính toán thu hút những nhà đầu tư lớn, có năng lực, có uy tín trong các lĩnh vực… làm đầu tàu dẫn dắt, tạo động lực kéo theo các nhà đầu tư khác cùng tham gia, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

“Cùng với đó, tỉnh sẽ quyết liệt đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính một cách thực chất, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh. Đồng thời tiếp tục rà soát, kiên quyết thu hồi các dự án không triển khai, chậm triển khai hoặc không có năng lực triển khai theo đúng quy định để kêu gọi các nhà đầu tư khác thực sự có năng lực, có tâm huyết với tỉnh, tránh tình trạng lãng phí nguồn lực đất đai” - ông An cho biết.

Tôi rất háo hức, thật sự háo hức và trông chờ cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây từ rất lâu rồi. Từ ngày Bộ GTVT tuyên bố thời gian thông xe, tôi luôn đếm ngược từng ngày và nay đã thành sự thật.

Có cao tốc, bà con ở TP.HCM ra hoặc gia đình chúng tôi vào thăm không còn tính toán chuyện đi về mất cả chục tiếng đồng hồ như trước đây nữa. Có cao tốc, gửi thùng cá cho con cái đang học trong đó cũng không còn sợ hư hỏng. Cả xóm tôi, gia đình tôi đều rất vui khi khánh thành cao tốc này vì quê nhà và TP.HCM bây giờ đã gần nhau lắm rồi.

Anh PHẠM XUÂN (ngụ xã Tân Lập, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận)

Động lực góp phần đưa Thanh Hóa phát triển kinh tế toàn diện

Nói về việc cao tốc Mai Sơn - QL45 sau khi được đưa vào khai thác sẽ có tác động như thế nào đối với các lĩnh vực kinh tế của tỉnh Thanh Hóa, ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết cao tốc này sau khi được đưa vào khai thác toàn tuyến là một điều kiện rất thuận lợi đối với người dân, doanh nghiệp (DN), các nhà đầu tư đến với Thanh Hóa, rút ngắn cả về thời gian lẫn quãng đường di chuyển.

Cao tốc được đưa vào khai thác cũng giảm chi phí cho người dân, du khách, các DN vận tải, các nhà đầu tư khi lựa chọn Thanh Hóa là điểm đến. Qua đó là động lực thúc đẩy cho tỉnh phát triển kinh tế toàn diện ở nhiều lĩnh vực như công nghiệp, sản xuất dịch vụ thương mại và du lịch, trong đó có các huyện phía tây Thanh Hóa.

Theo ông Thi, trong những năm gần đây Thanh Hóa cũng đã đầu tư rất nhiều tuyến giao thông bao gồm đường bộ, đường biển, đường hàng không… và Thanh Hóa có đủ điều kiện thuận lợi đột phá để phát triển kinh tế trong nhiều lĩnh vực khi có thêm tuyến cao tốc Bắc - Nam đi qua với nhiều nút giao thông trên dọc các hành lang kinh tế.

“Thời gian qua, việc thu hút các DN, đặc biệt là DN lớn đến từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... sẽ là “đòn bẩy” từng bước đưa Thanh Hóa vươn mình mạnh mẽ, trở thành cực tăng trưởng mới và thành tỉnh kiểu mẫu vào năm 2045 sau khi Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị ban hành vào ngày 5-8-2020” - ông Thi nói.

Theo ông Thi, tỉnh đã có rất nhiều giải pháp gỡ vướng cho DN trên địa bàn tỉnh cũng như các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến vấn đề giao thông, mặt bằng, các thủ tục đầu tư… Điều này Thanh Hóa cũng luôn lắng nghe các ý kiến của DN, nhà đầu tư, từ đó có phương án tốt nhất tạo điều kiện thuận lợi để các DN nước ngoài tiếp tục làm ăn ổn định, lâu dài ở địa phương.

Thanh Hóa cũng đang tiếp tục nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, khả năng đáp ứng của các DN nội địa, khả năng đối thoại và trao đổi giữa các cơ quan chức năng, đây cũng là một trong những nội dung được các DN nước ngoài quan tâm khi giao thông đã mở đường, đặc biệt là cao tốc Mai Sơn - QL45 và nhiều tuyến giao thông khác của Thanh Hóa.

Ngoài các chính sách chung của Chính phủ, Thanh Hóa sẽ có cơ chế, chính sách riêng trong các lĩnh vực là đào tạo chất lượng nguồn nhân lực, kết nối cơ sở hạ tầng kỹ thuật là điều kiện quan trọng cho việc các DN nước ngoài đến Thanh Hóa ở các lĩnh vực sản xuất thân thiện với môi trường, đô thị thông minh, kinh tế số, chip bán dẫn, y tế…•

Hướng di chuyển vào cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Phan Thiết- Dầu Giây. Đồ họa: THY LAN - THÙY TRANG

Hướng di chuyển vào cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Phan Thiết- Dầu Giây. Đồ họa: THY LAN - THÙY TRANG

Các quy định lưu thông trên cao tốc

Bộ GTVT cho biết đối với đoạn Mai Sơn - QL45, các phương tiện được khai thác tuyến đường từ đầu dự án đến nút giao Đông Xuân (Km327+100) nối QL45 và QL47. Tuy nhiên, để giảm thiểu ùn tắc giao thông tại các nút giao trên tuyến trong điều kiện đoạn cao tốc kế tiếp QL45 - Nghi Sơn chưa thông xe, trước mắt phương án tổ chức phân luồng từ xa trên tuyến cao tốc như sau:

Theo hướng Bắc - Nam, xe tải trên 10 tấn không được lưu thông. Xe tải trên 3,5 tấn được lưu thông từ nút giao Mai Sơn (Km274+393) đến nút giao Hà Lĩnh (Km306+000). Xe khách trên 16 chỗ được lưu thông từ nút giao Mai Sơn (Km274+393) đến nút giao Gia Miêu (Km295+460).

Trên tuyến bố trí các vị trí dừng xe khẩn cấp với khoảng cách 4-5 km/điểm trên cùng một chiều xe chạy. Tuyến này ban đầu các phương tiện giao thông chỉ được phép chạy với tốc độ tối đa 80 km/giờ. Hiện Bộ GTVT đang giao chủ đầu tư các đoạn tuyến thuộc cao tốc Bắc - Nam đầu tư phân kỳ với mặt cắt ngang bốn làn xe tiến hành rà soát, đánh giá việc nghiên cứu nâng tốc độ khai thác lên 90 km/giờ và sẽ tổ chức điều chỉnh tốc độ khai thác khi đủ điều kiện cho phép. Về trạm dừng nghỉ, Bộ GTVT đang triển khai các thủ tục theo quy định, dự kiến đoạn Mai Sơn - QL45 sẽ có trạm dừng nghỉ tại Km329+700 (bố trí hai bên đường cao tốc).

Về việc tổ chức giao thông tại đoạn Phan Thiết - Dầu Giây, Bộ GTVT cho biết phương tiện được lưu thông với tốc độ tối đa là 120 km/giờ và tốc độ tối thiểu là 60 km/giờ.

Về phương án khai thác, trước mắt dự án đưa vào khai thác 3/7 nút giao, bao gồm nút giao với cao tốc Long Thành - Dầu Giây, nút giao với QL1A thuộc địa phận huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) và nút giao đường nối Ba Bàu với QL1A thuộc địa phận huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận).

Các phương tiện có đầy đủ các điều kiện lưu thông trên đường bộ được phép lưu thông trên cao tốc, trừ các đối tượng như xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70 km/giờ; xe máy, mô tô hai bánh; máy kéo, mô tô ba bánh, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự.

Đoạn Phan Thiết - Dầu Giây, Bộ GTVT dự kiến bố trí trạm dừng nghỉ tại Km47+500 thuộc địa phận tỉnh Bình Thuận. VIẾT LONG

Đọc thêm