Hơn 1.200 trẻ bị xâm hại tình dục, đa số là người quen

Đó là thông tin Bộ LĐ-TB&XH vừa trả lời (ngày 23-11) chất vấn của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ hai vừa qua, liên quan đến tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục tại Việt Nam.

Cũng theo Bộ LĐ-TB&XH, số vụ và số trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục diễn biến phức tạp và nghiêm trọng, gây tổn thương nặng nề đến thể chất và tinh thần trẻ em, thậm chí tử vong. Đối tượng xâm hại tình dục, bạo lực trẻ em đa phần là những người quen, người có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc trẻ em (anh em, cha mẹ, họ hàng, hàng xóm, thầy cô giáo...).

Để khắc phục tình trạng trên, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với các bộ, ngành, tham mưu cho Chính phủ ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, góp phần từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của trẻ em, trong đó trọng tâm là tăng cường bảo vệ trẻ em.

Trẻ em bị xâm hại tình dục chủ yếu là người thân, quen. Ảnh minh họa

Đặc biệt, đến nay đã có 44/63 tỉnh/TP đã phê duyệt kế hoạch thực hiện Chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016-2020, bố trí nguồn lực để thực hiện chương trình. 100% các tỉnh, TP thực hiện nghiêm túc việc quản lý các đối tượng trẻ em trên địa bàn; 41% số tỉnh, TP xây dựng thí điểm hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em và có khoảng 2.000 xã, phường xây dựng các mô hình trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Ngoài ra, một trong những dịch vụ công bảo vệ trẻ em điển hình là Đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em (số điện thoại 18001567) thuộc Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) đã được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2004. Đường dây hoạt động 24/24 giờ tất cả ngày trong tuần và miễn phí cuộc gọi cho người dân và trẻ em.

Hằng năm có khoảng 300.000 cuộc gọi của người dân và đường dây thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận thông tin, tư vấn và kết nối dịch vụ qua điện thoại, đã góp phần can thiệp, trợ giúp cho nhiều đối tượng trẻ em đặc biệt là trẻ em bị xâm hại…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm