Theo thống kê của Cục An toàn thông tin thuộc Bộ TT&TT, trong năm 2022 có ba nhóm lừa đảo chính gồm nhóm giả mạo thương hiệu; chiếm đoạt tài khoản và nhóm kết hợp các hình thức lừa đảo thường xuyên diễn ra trên không gian mạng.
Cổng cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam (canhbao.khonggianmang.vn) cũng cho biết năm 2022 đã ghi nhận hơn 12.900 trường hợp lừa đảo trực tuyến, với hai loại hình lừa đảo chính là lừa đảo để đánh cắp thông tin cá nhân (chiếm 24,4%) và lừa đảo tài chính (chiếm 75,6%). Việc lừa đảo để đánh cắp thông tin cá nhân cũng là bước đệm để tiếp nối cho việc lên kịch bản thực hiện lừa đảo tài chính.
Người dân có thể phản ánh các vấn đề về an toàn thông tin trên các trang phản ánh thông tin của cơ quan chức năng. Ảnh: MINH HOÀNG |
Gia tăng hình thức lừa đảo
Theo Cục An toàn thông tin, các hình thức lừa đảo trên mạng liên tục gia tăng không ngừng, từ lừa đảo để đánh cắp thông tin cá nhân, lừa đảo tình cảm, lừa đảo đầu tư… nhưng mục tiêu cuối cùng của các đối tượng chính là tiền.
Thời gian qua, Pháp Luật TP.HCM cũng đã nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc bị mất tiền từ những chiêu lừa qua mạng xã hội.
Cụ thể, tháng 9-2022, vì muốn tìm kiếm việc làm tại nhà để tăng thu nhập, chị NTT (ngụ Đồng Nai) lên mạng xã hội Facebook và thấy có lời mời tuyển dụng. Sau khi bấm vào xem, khoảng 1 phút sau có một tài khoản của người lạ gửi tin nhắn cho chị.
Tin nhắn có nội dung: “Hiện tại công ty mình đang tuyển người làm việc tại nhà, ngày bỏ ra 2-3 tiếng là có thu nhập từ 300k-700k rồi đó ạ. Công việc của bạn là xem video, thả tim, like, share, làm nhiệm vụ tăng tương tác, làm nhiệm vụ phúc lợi… cho nền tảng Facebook, YouTube và Zalo để tăng lưu trữ truy cập và giao dịch thông qua website công ty ACBL”.
Sau đó, người này tiếp tục gửi bảng tuyển dụng, có logo, mộc đỏ của công ty nhằm tạo sự tin tưởng với chị T.
Họ cũng yêu cầu chị T tải một ứng dụng của công ty về để hướng dẫn cách đăng ký. Tiếp đó, người này yêu cầu chị chụp ảnh CMND để làm hồ sơ. Lần đầu họ yêu cầu chị chuyển 550.000 đồng, làm xong nhiệm vụ thì họ chuyển lại cho chị đúng với số tiền trên, cộng thêm hoa hồng, lương đầy đủ. Hôm sau, họ yêu cầu chị T làm giống như ngày đầu nhưng lần này yêu cầu chuyển 4 triệu đồng, vì hôm nay chị phải hoàn thành 2-4 nhiệm vụ.
Cũng theo chị T, tiếp đó phía công ty liên tục yêu cầu chị phải chuyển tiền với số tiền gần 70 triệu đồng, nếu chị không chuyển sẽ đóng băng số tiền đã chuyển trước đó. Tuy nhiên, khi chuyển xong thì chị T không liên lạc được với công ty.
Một chiêu lừa khác, vào đầu năm 2022, một số người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã sập bẫy với thủ đoạn “tuyển cộng tác viên làm việc online”.
Theo đó, có một nhóm người liên tục chạy quảng cáo trên các trang mạng xã hội với những nội dung “S, L, T tuyển cộng tác viên, kiếm tiền đơn giản, làm việc tại nhà, không cần ôm hàng…”. Những người này yêu cầu người dân mua hàng trực tiếp nhưng không nhận hàng, việc mua hàng sẽ được thực hiện chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng do những người này cung cấp.
Mỗi lượt mua hàng thành công sẽ được hưởng hoa hồng 10%-20% số tiền gốc của mỗi đơn hàng, tiền sẽ được chuyển khoản ngược về sau 5-10 phút khi đặt hàng thành công (bao gồm cả tiền gốc và hoa hồng). Ngay sau đó họ sẽ chuyển khoản ngược lại cho nạn nhân như đã thỏa thuận.
Khi nạn nhân đã “cắn câu”, chuyển số tiền lên đến vài chục triệu đồng thì nhóm người này không chuyển khoản ngược lại nữa…
Trong năm 2022, các cơ quan chức năng đã ngăn chặn, xử lý hơn 2.620 trang web lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật.
Biện pháp ngăn chặn lừa đảo trên mạng
Cũng theo Cục An toàn thông tin, để đảm bảo an toàn cho người dân, cộng đồng trước vấn nạn lừa đảo trực tuyến, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ an ninh mạng… đã triển khai nhiều biện pháp kỹ thuật để xử lý và ngăn chặn lừa đảo qua mạng.
Cụ thể, trong năm 2022, các cơ quan chức năng đã triển khai trang thông tin xử lý tin nhắn SMS rác, lừa đảo tại địa chỉ chongthurac.vn. Đồng thời phát triển trang cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam tại địa chỉ canhbao.khonggianmang.vn/canhbao.ncsc.gov.vn để người dân có thể phản ánh các vấn đề gặp phải về an toàn thông tin.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng còn cung cấp bộ công cụ nhận diện lừa đảo trực tuyến, kiến thức kỹ năng phòng chống lừa đảo tại địa chỉ congcu.khonggianmang.vn; công bố danh sách đen các trang vi phạm, tài khoản ngân hàng lừa đảo thông qua cổng thông tin tinnhiemmang.vn.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp cũng đã triển khai các chương trình cảnh giác với tội phạm lừa đảo trên mạng. Như Công ty TNHH Cốc Cốc đã triển khai chiến dịch khiên xanh để người dùng trình duyệt phản ánh, báo cáo; một số ngân hàng, công ty chứng khoán, ví điện tử, các tổ chức tài chính triển khai các thông báo cho khách hàng qua email, SMS. Liên tục thông báo các nguy cơ lừa đảo trực tuyến liên quan tới tổ chức cho cơ quan chức năng.
Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet cũng thực hiện nghiêm túc, triệt để các yêu cầu ngăn chặn, xử lý các trang web lừa đảo của Bộ TT&TT.
Theo Cục An toàn thông tin, các giải pháp đã triển khai đều phát huy giá trị tích cực, tuy nhiên chưa được đồng bộ và thống nhất giữa các bộ, ngành, địa phương.
“Để giải quyết lừa đảo trực tuyến cũng tương tự như lừa đảo ngoài đời thực, cần có sự tham gia phối hợp, đồng bộ của các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương. Trong đó, quan trọng nhất là lực lượng công an làm nhiệm vụ phòng chống tội phạm công nghệ cao” - Cục An toàn thông tin cho biết thêm.•
Ngăn chặn, xử lý hơn 2.620 trang web lừa đảo trực tuyến
Cục An toàn thông tin cho biết trong năm 2022, các cơ quan chức năng đã ngăn chặn, xử lý hơn 2.620 trang web lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật, trong đó có hơn 1.460 trang web lừa đảo trực tuyến.
Việc này cũng đã giúp bảo vệ hơn 4,7 triệu người dân trước các vụ tấn công lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật trên không gian mạng.