Thời gian gần đây, trên các diễn đàn mạng xã hội đã đăng tải các bài viết phản ánh nhiều trường hợp khách du lịch hú vía vì phòng đặt một đường mà phòng nhận một nẻo.
Đủ chiêu thức lừa khách hàng
TS Trương Hoài Phương, thành viên Ban Nghiên cứu sản phẩm du lịch, Hiệp hội Du lịch TP.HCM, cho biết ứng dụng đặt phòng khách sạn online đang ngày càng được ưa chuộng.
“Với sự phát triển vũ bão của công nghệ thông tin, đặc biệt là các phần mềm ứng dụng trực tuyến thì chỉ cần vài cú click chuột, vài cú pháp gõ bàn phím trên website đặt phòng khách sạn, khách hàng sẽ biết trước được tất cả thông tin về khách sạn từ địa điểm, chất lượng dịch vụ, chất lượng cơ sở vật chất, giá cả đến đánh giá từ những người từng ở tại đây... Đây là điều mà việc đặt phòng theo kiểu truyền thống chưa thể đáp ứng được” - TS Phương nhìn nhận.
Tuy nhiên, với đặc tính của dịch vụ này là khi đặt phòng khách sạn online, khách hàng phải thanh toán tiền trước khi sử dụng phòng mà chưa trực tiếp đến khách sạn xem qua phòng nên tiềm ẩn nhiều rủi ro, dễ lâm vào cảnh dở khóc, dở cười trước chiêu thức “treo đầu dê bán thịt chó”.
Theo ông Phương, phần lớn các đối tượng lừa đảo thường sử dụng chung các chiêu thức như đăng tải hình ảnh siêu đẹp từ nội thất căn phòng, phong cảnh, tiện ích ngoại vi của khách sạn. Hàng loạt bức ảnh đã được phù phép nhờ bàn tay người thiết kế.
Tinh vi hơn, đối tượng lừa đảo lập ra các tài khoản giả danh khách hàng để tự đánh giá chất lượng bốn sao, năm sao cho khách sạn của mình trên các website đặt phòng online hoặc đưa những bình luận hết lời khen ngợi về chất lượng phòng. Hơn hết là những lời quảng cáo “siêu rẻ, siêu hấp dẫn”, “giá trẻ bất ngờ”, “siêu ưu đãi”… đã đánh lừa sự tỉnh táo, cảnh giác của du khách. Phải thừa nhận ai cũng muốn sử dụng các dịch vụ cao cấp với giá tốt, nếu không muốn nói là giá rẻ. Lợi dụng tâm lý ham của rẻ và cả tin của du khách, nhiều đối tượng đã thành công thu lợi bất chính từ những chiêu trò lừa đảo dù đã cũ nhưng chưa bao giờ hết linh.
Vì thấy hồ bơi được quảng cáo khi đặt phòng trực tuyến quá đẹp (bên trái) nên một du khách đặt phòng và than trời với thực tế hồ bơi quá tệ (bên phải). Ảnh: TRÚC PHƯƠNG
Du khách cần tỉnh táo
Theo ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Công ty TNHH Du lịch Lửa Việt, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, du khách cần phải tỉnh táo để tránh các chiêu trò của đối tượng lừa đảo trên các ứng dụng đặt phòng.
Khi đặt phòng trực tuyến, khách hàng cần tìm hiểu kỹ càng các thông tin như số lượng người/phòng, loại phòng, địa chỉ khách sạn, đơn vị đặt phòng… Du khách nên trực tiếp truy cập vào website hoặc gọi điện thoại đến khách sạn mình lựa chọn để kiểm tra lại các thông tin được khách sạn cung cấp có trùng khớp với thông tin trên ứng dụng trung gian. Mặt khác, du khách nên tra cứu tên, địa chỉ của khách sạn trên ứng dụng tìm kiếm để xác thực khách sạn mình chọn ở có thực hay không, nếu có hoài nghi là khách sạn ma. Đặc biệt, du khách nên chọn các ứng dụng đặt phòng online uy tín.
Thêm vào đó, du khách nên tham khảo giá phòng của các ứng dụng trực tuyến khác nhau để nắm bắt mức giá phù hợp với chất lượng phòng muốn đặt. Tránh tham của rẻ để sập bẫy kẻ gian.
“Trước những hình ảnh siêu đẹp và các lời quảng cáo đầy mật ngọt thì du khách càng phải tỉnh táo cân nhắc lợi hại” - ông Mỹ nói.
Ông Mỹ cho biết thêm hiện hầu hết các công ty du lịch có uy tín đều có các gói dịch vụ “Du lịch đơn giản” (Free Easy Tour). Với dịch vụ này, du khách có thể đặt phòng khách sạn thông qua các công ty du lịch dù không đặt tour của công ty. Điều này cũng tương tự như đặt phòng qua các ứng dụng trung gian nhưng quyền lợi của khách hàng được đảm bảo cao hơn, vì công ty du lịch sẽ phải chịu trách nhiệm trước khách hàng khi có những rủi ro xảy ra.
Khách sạn không đúng như quảng cáo: Phạt đến 20 triệu đồng Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có quy định quản lý thương mại điện tử trên nền tảng di động cũng như chế tài tương ứng với ứng dụng đặt phòng khách sạn trực tuyến. Do đó, với các giao dịch trên ứng dụng trực tuyến, du khách cần xem xét kỹ càng về chính sách, quyền lợi của khách hàng. Đối với khách sạn không đảm bảo được chất lượng đúng như quảng cáo hoặc từ chối cung cấp dịch vụ thì đây là hành vi lừa dối khách hàng. Điều 80 Nghị định 185/2013 được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 124/2015 quy định mức phạt cao nhất đối với cá nhân có hành vi gian lận trong cung ứng dịch vụ cho khách hàng là 20 triệu đồng. Mức phạt này được nhân đôi nếu hành vi vi phạm do tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, hành vi lừa dối khách hàng còn được quy định tại Điều 198 Bộ luật Hình sự năm 2015 với mức phạt tù cao nhất lên đến năm năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền 20-100 triệu đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm. Luật sư LÊ DŨNG, Đoàn Luật sư TP.HCM |