Hiện nay đang là thời kỳ hoàng kim của du lịch trực tuyến, nhất là với những người đi du lịch nước ngoài. Thống kê của Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho thấy trong năm năm trở lại đây, nhu cầu tìm kiếm các thông tin về du lịch trên mạng tại Việt Nam tăng hơn 32 lần. Những tháng cao điểm số lượt người tìm kiếm thông tin về du lịch có thể lên đến 8 triệu lượt. Với chỉ một vài cú nhấp chuột, khách hàng có thể đặt phòng, đặt vé máy bay, đặt tour…
Tuy nhiên, khi đặt phòng khách sạn hoặc vé máy bay trực tuyến, khách hàng gặp không ít rủi ro.
Rước một “cục tức”
Anh Nguyễn Văn Toàn, nhà ở quận 3, TP.HCM kể mới đây anh đặt phòng tại một khách sạn ở Nha Trang ba đêm thông qua một trang đặt phòng. Trước khi đi, anh đã thông báo với khách sạn về thời điểm nhận phòng. Thế nhưng khi đến nơi, khách sạn viện cớ do khách quá đông và anh Toàn đến trễ hơn dự kiến nên không còn phòng.
“Dù sau đó khách sạn đã trả lại khoản tiền đặt phòng nhưng chuyến đi du lịch mất vui. Thậm chí tôi rất bực mình vì đã trả tiền trước để đặt phòng cho chắc ăn nhưng lại không có phòng để ở, phải đi lòng vòng tìm kiếm mãi mới có chỗ nhưng giá cao ngất ngưởng và chất lượng kém” - anh Toàn bức xúc.
Chị Nguyễn Quỳnh Anh nhà ở quận Tân Bình, TP.HCM cũng “rước một cục tức” khi đặt vé máy bay. Chị kể cách đây không lâu, khi có kế hoạch đi du lịch Thái Lan, chị đã lên trang web của một hãng hàng không để đặt vé. Ngoài ra, chị mua thêm hành lý (khoảng 10 kg) nhưng sau đó quyết định hủy giao dịch mua thêm hành lý.
“Nhân viên của hãng hàng không gọi xác nhận đồng ý cho tôi không mua thêm hành lý. Vậy mà đến lúc ra sân bay, khi làm thủ tục thì nhân viên hãng lại yêu cầu tôi phải trả thêm tiền mua hành lý mới được làm thủ tục lên máy bay. Tôi rất bực nhưng đành cắn răng chịu” - chị Quỳnh Anh bày tỏ.
Dù đi du lịch tự túc hay theo tour, khách hàng nên chọn giao dịch với các doanh nghiệp có uy tín, thương hiệu. Ảnh: TÚ UYÊN
Thực tế cho thấy chuyện người đi du lịch đã đặt phòng, đặt vé máy bay, đặt tour… và đã thanh toán tiền nhưng lại không nhận được sản phẩm không phải là hiếm. Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho hay đã tiếp nhận không ít vụ việc liên quan đến vấn đề trên. Đơn cử có trường hợp khách hàng đặt phòng khách sạn ở nước ngoài với giá khoảng 15 triệu đồng/đêm, thông qua một công ty du lịch. Khi đến nơi, khách sạn thông báo người tiêu dùng chưa đặt phòng, khách bơ vơ. Đến tận đêm khuya, người tiêu dùng mới tìm được khách sạn khác và vì đang là mùa cao điểm nên đành phải thuê phòng này với giá khoảng 20 triệu đồng.
Chưa hết, do tất cả nhà hàng đã đóng cửa vào ban đêm, khách chỉ có thể sử dụng đồ ăn trong phòng khách sạn. Không chỉ vậy, khi khách yêu cầu công ty du lịch bồi thường khoản chênh lệch tiền phòng giữa hai khách sạn thì không nhận được phản hồi. Chính những trải nghiệm buồn cùng với những chi phí phát sinh đã làm hỏng kỳ nghỉ của khách.
Treo đầu dê, bán thịt chó
Ông Võ Minh Thắng, Giám đốc Trung tâm Tư vấn đào tạo an ninh mạng Athena, nhìn nhận những trường hợp đặt phòng, đặt dịch vụ khi đi du lịch nhất là du lịch nước ngoài bị mất tiền do lỗi kỹ thuật khi thanh toán online hoàn toàn có thể xảy ra.
“Đặc biệt những công ty du lịch nhỏ lẻ, làm ăn kiểu chụp giật, không có uy tín có thể cài bẫy khách hàng. Họ cố tình tạo ra lỗi kỹ thuật để khách hàng thanh toán tiền xong, sau đó báo là chưa thanh toán để trốn tránh nghĩa vụ với khách hàng” - ông Võ Minh Thắng lưu ý.
Giám đốc điều hành Tripi.vn, ông Trần Bình Giang chia sẻ hiện tại đơn vị chưa nhận được phản ảnh của khách hàng về các rủi ro khi đi du lịch như trên. Tuy nhiên, thực tế cho thấy có tình trạng “treo đầu dê, bán thịt chó”, quảng cáo khuyến mãi khủng tràn lan trên Google, Facebook nhưng không có người kiểm soát, dẫn đến khách hàng sập bẫy, tiền mất tật mang. Ví dụ nhiều hạng vé máy bay có thể đổi thông tin khách hàng, dẫn đến hiện tượng lừa đảo, thậm chí hủy mà không báo cho khách.
Nói thêm về vấn đề này, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho rằng với việc đặt phòng, vé máy bay qua công ty du lịch ở nước ngoài nếu gặp vấn đề khách hàng có thể không được cung cấp các thông tin cần thiết như điều kiện hoàn, hủy.
Du lịch trực tuyến tăng cao Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), thị phần đặt phòng trực tuyến tại các khách sạn ở Việt Nam đang tăng nhanh, chiếm 30%-40% tổng lượng khách của mỗi khách sạn. Hiện chỉ riêng hai trang web Agoda và Booking đang chiếm đến 80% thị phần đặt phòng ở Việt Nam. |
Để tránh mất tiền oan
Để tránh các rủi ro liên quan đến đặt vé máy bay, phòng khách sạn… trực tuyến, Giám đốc điều hành Tripi.vn Trần Bình Giang khuyến cáo “thượng đế” nên chọn các công ty uy tín, được bảo trợ để đặt thay vì chọn một công ty quảng cáo giá siêu rẻ, khuyến mãi rầm rộ nhưng không có những điều kiện rõ ràng nhằm bảo vệ khách hàng.
“Hiện nay các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn, vé máy bay thông qua các trang mạng uy tín đều có những cam kết cũng như chế tài. Tất cả vấn đề liên quan đến việc hủy, không nhận khách đều được quy định rõ. Chính vì thế nếu sử dụng dịch vụ tại những đơn vị này, người tiêu dùng có thể yên tâm hơn” - ông Giang nhấn mạnh.
Theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, riêng trong năm ngoái đã có khoảng 6,5 triệu lượt du khách trong nước đi du lịch nước ngoài, tăng khoảng 15% so với năm trước và chi tiêu đến 7-8 tỉ USD. Tuy nhiên, Giám đốc Trung tâm Tư vấn đào tạo an ninh mạng Athena Võ Minh Thắng lưu ý với các giao dịch trực tuyến, thanh toán bằng thẻ tín dụng như Visa, Master thì số tiền được chuyển trực tiếp ra nước ngoài. Khi có sự cố, khách hàng rất khó đòi hỏi quyền lợi.
Do đó, ông Thắng khuyến nghị khách hàng cần hết sức cẩn thận. Trước khi thanh toán nên xem công ty này có uy tín không, đã có lịch sử hoạt động bao nhiêu năm, nếu có lịch sử hoạt động quá ngắn thì không nên thanh toán vì nguy cơ mất tiền cao.
Nhiều cách để tự bảo vệ mình Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho rằng để tự bảo vệ mình, khi đặt khách sạn, vé máy bay… trực tuyến khách hàng cần nắm rõ thông tin về trang web, bao gồm cả thông tin về địa chỉ liên hệ của công ty trước khi tiến hành giao dịch. Trong quá trình giao dịch, cần tìm hiểu rõ công ty có địa chỉ ở đâu. Trong trường hợp công ty có địa chỉ trong nước, có thể kiểm tra xem công ty đã đăng ký hoạt động kinh doanh trên mạng qua Bộ Công Thương. Trong trường hợp công ty có địa chỉ tại nước ngoài, cần kiểm tra xem có thể liên hệ với công ty hay không (điện thoại, email). Trường hợp xảy ra tranh chấp, khách hàng có thể liên lạc tới Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng qua các phương thức sau: Tổng đài hỗ trợ, tư vấn người tiêu dùng 1800.6838 (miễn phí); email: bvntd@moit.gov.vn; gửi thư đến 25 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội. |