Tỷ lệ DN phải chi trả chi phí không chính thức không đồng đều giữa các nhóm DN theo nguồn vốn sở hữu. Kết quả khảo sát cho thấy, trong khi chỉ có khoảng 19% DN nhà nước cho biết phải trả chi phí không chính thức, thì có tới hơn 33% DN dân doanh và 41% DN FDI phải trả chi phí không chính thức cho công chức thuế.
Khảo sát cũng cho hay, nếu không trả chi phí không chính thức, DN sẽ bị phân biệt đối xử. Những DN nhà nước có quy mô doanh thu dưới 10 tỉ đồng hoặc trên 100 tỉ đồng có tỷ lệ lo ngại bị phân biệt đối xử nếu không chi trả chi phí không chính thức cao nhất. Đối với DN FDI những DN lo ngại bị phân biệt đối xử là những DN có doanh thu từ 20 – 50 tỉ đồng. Trong khi đó, DN dân doanh có tỉ lệ lo ngại bị phân biệt đối xử nếu không trả chi phí không chính thức thuộc nhóm DN có doanh thu từ 10 – 20 tỉ đồng hoặc trên 100 tỉ đồng.
Các hình thức phân biệt đối xử đối với DN khi DN không trả chi phí không chính thức gồm: Kéo dài thời gian làm thủ tục, yêu cầu bổ sung, giải trình hồ sơ và thái độ không văn minh, lịch sự của công chức thuế.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN, VCCI, để giảm thiểu những khó khăn trong thủ tục hành chính thuế đối với DN, ngoài việc đổi mới căn bản từ những văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thuế, thì áp dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực thuế cũng là một điểm mấu chốt.
“Hiện đã có tới hơn 90% DN kê khai thuế điện tử. Đây chính là tiền đề quan trọng cho việc đơn giản hóa hơn nữa thủ tục hành chính thuế”, ông Lộc cho hay.
Khảo sát của VCCI được tiến hành với gần 10.000 DN cả nước, với tỷ lệ phản hồi gần 30%.