Sáng 12-3, Sở GTVT TP.HCM bắt đầu triển khai công tác tổ chức kiểm tra sức khỏe cho lái xe có kinh doanh vận tải theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng. “Việc khám sức khỏe phải hoàn thành trước ngày 30-4 và kiên quyết không để lái xe không đủ tiêu chuẩn sức khỏe tiếp tục cầm lái” - Bộ trưởng Thăng yêu cầu.
Mở rộng diện bị kiểm tra
Năm 2013, Hải Phòng là địa phương đầu tiên thực hiện khám sức khỏe định kỳ với lái xe và coi đây là điều kiện bắt buộc để được cấp phép kinh doanh vận tải, chủ yếu là với lái xe container. Trong khám sức khỏe định kỳ, Sở GTVT TP Hải Phòng yêu cầu phải có danh mục xét nghiệm máu, kiểm tra ma túy. Qua kiểm tra 7.500 lái xe đã có 217 người có dấu hiệu sử dụng, nghiện ma túy hoặc kém sức khỏe bị tước quyền lái xe.
Với chỉ đạo của Bộ trưởng Đinh La Thăng, tới đây việc kiểm tra sức khỏe người lái xe được mở rộng trên cả nước với tất cả loại xe có kinh doanh vận tải. gồm có: xe khách liên tỉnh, container, xe hàng, xe buýt, xe taxi, xe khách hợp đồng, du lịch. Riêng tại TP.HCM, ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT, ước lượng sẽ có hơn 50.000 người lái xe buộc phải đi khám sức khỏe.
Việc khám sức khỏe cho người học lái xe như hiện nay không thể phát hiện được họ có nghiện ma túy không. (Ảnh có tính minh họa) Ảnh: L.ĐỨC
Cần xét nghiệm máu
Theo ông Đinh Nam Dinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP, Bộ GTVT cần xác định rõ nội dung, danh mục bộ phận, dạng bệnh lý phải khám trong đợt này. Bởi điều đó liên quan đến thời gian tạm ngưng chạy xe để đi khám, kinh phí của doanh nghiệp hoặc của lái xe...
Ông Võ Trọng Nhân, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe Sở GTVT, cho rằng nếu chỉ khám 33 tiểu mục theo như mẫu giấy chứng nhận sức khỏe cho người được học lái xe thì sẽ bỏ sót nhiều dạng bệnh xã hội đang có trong giới lái xe hiện nay. “Trong đợt khám sức khỏe lái xe lần này cần quy định rõ người lái có các hạng bằng B2, C, D, E, FC phải xét nghiệm máu, để phát hiện và loại trừ các trường hợp người nghiện ma túy tiếp tục lái xe” - ông Nhân đề nghị.
Ông Đinh Nam Dinh cho biết thêm các nội dung khám mới phải được thực hiện định kỳ sáu tháng một lần. “Khi khám lần trước lái xe chưa dùng ma túy, chưa bị phát hiện là nghiện nhưng trong sáu tháng sau đó anh ta nghiện rồi mà không được tái khám thì nguy hiểm lắm!” - ông Dinh nói.
Phải do bệnh viện khám
Hiện nay, việc khám sức khỏe cho người học, đủ điều kiện lái xe được thực hiện bởi các tổ y tế do các bệnh viện hay ban bảo vệ sức khỏe cử xuống các cơ sở, trường dạy lái xe. Do đó, dù khám theo 33 tiểu mục quy định nhưng cũng chỉ là khám ngoài da! Các tổ y tế này không được trang bị đầy đủ phương tiện, thiết bị để phát hiện các dạng bệnh về tâm thần, tim mạch…
“Theo quy định của Bộ Y tế, bệnh động kinh phải được chẩn đoán ở bệnh viện và được xác định dựa trên điện não đồ. Chắc chắn các tổ y tế ở trường lái không thể làm được việc này. Có học viên đang tập lái, gục đầu cái đùng trên vô lăng, chân giãy giãy, đạp đạp xuống sàn xe. May mà giáo viên ngồi bên cạnh đạp thắng kịp, khi đó mới phát hiện anh ta bị động kinh!” - hiệu trưởng một trường lái xe dẫn chứng.
Ông Võ Trọng Nhân cho rằng đợt khám sức khỏe này phải do các bệnh viện thực hiện và trên giấy chứng nhận sức khỏe phải có đóng dấu tròn, không nên để như các tổ y tế chỉ đóng dấu vuông như hiện nay. Ông Dương Hồng Thanh cũng đề nghị đợt này cần có sự tham gia của các bệnh viện vì ngoài việc khám các bệnh phức tạp, kiểm tra máu thì con dấu tròn của các bệnh viện còn là cơ sở pháp lý để Sở GTVT xác định, loại trừ người lái nghiện ma túy ra khỏi việc lái xe kinh doanh vận tải.
LƯU ĐỨC - HOÀNG TUYÊN
Công khai danh tính người lái không đủ sức khỏe Theo ông Nguyễn Anh Dũng, Hiệu trưởng Trường Dạy lái xe Tiến Bộ, nếu thực hiện nghiêm khám sức khỏe đợt này thì có khả năng người nghiện sẽ không tham gia khám, trở về nhà “chờ thời”. Ông Đinh Nam Dinh có cùng nhận định này và cho rằng sẽ có tình trạng người lái xe không đủ sức khỏe nhảy việc. “Do đó, khi đã có kết quả khám sức khỏe, Sở GTVT cần công bố công khai trên trang web để các doanh nghiệp biết, tránh sử dụng người lái nghiện!” - ông Dinh nói. Cạnh đó, Sở GTVT sẽ đề xuất Bộ GTVT có biện pháp chế tài mạnh mẽ với các doanh nghiệp sử dụng lái xe nghiện hoặc không chịu đưa người lái đi khám sức khỏe. “Doanh nghiệp vi phạm điều này có thể bị rút giấy chứng nhận kinh doanh vận tải hoặc thu hồi phù hiệu chiếc xe do người nghiện lái” - ông Thanh cho biết. _____________________________________________ Lái xe nghiện ma túy lên cơn thì làm sao lái được, kể cả taxi ở Hà Nội cũng có nhiều người nghiện, Hải Phòng đã rà soát cho thấy số lái xe nghiện ma túy rất cao. Vì vậy, các địa phương phải đồng loạt rà soát, kiểm tra lái xe sử dụng ma túy. Phó Thủ tướng NGUYỄN XUÂN PHÚC chỉ đạo tại cuộc họp về ATGT quốc gia ngày 25-2 Giấy chứng nhận khám sức khỏe lần này nên có thời hạn cụ thể (ba đến sáu tháng) và sau thời hạn trên, khi người lái đi đổi bằng thì vẫn phải khám sức khỏe, kiểm tra máu và nước tiểu. Ông VÕ TRỌNG NHÂN, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe, Sở GTVT TP.HCM Tình trạng người nghiện ma túy học và ra lái xe được các trường dạy lái xe phát hiện từ hơn năm năm trước. Chúng tôi từng đề xuất phải thử máu của học viên ngay khi khám sức khỏe nhưng ngành y tế không có phản ứng. Ông NGUYỄN ANH DŨNG, Hiệu trưởng Trường Dạy lái xe Tiến Bộ |