Sáng 12-3, Sở GTVT TP.HCM triển khai việc tổ chức kiểm tra sức khỏe cho tất cả lái xe có kinh doanh vận tải (xem thêm trênPháp Luật TP.HCMngày 12-3).
Phải tuân theo luật
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Thuận, đại diện HTX xe khách Thống Nhất và một số doanh nghiệp khác, cho rằng những người có bằng lái đều đã được kiểm tra sức khỏe và có giấy chứng nhận của ngành y tế. Vậy nay lại tổ chức kiểm tra, khám sức khỏe là “đẻ” thêm thủ tục…
Tuy nhiên, tất cả lý lẽ trên đều bị Sở GTVT phản bác. Ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT, cho hay: Những lái xe kinh doanh vận tải (gồm xe khách liên tỉnh, container, xe hàng, xe buýt, xe taxi, xe khách hợp đồng, du lịch…) đều làm việc trong các doanh nghiệp, HTX. Vì thế doanh nghiệp, HTX phải tuân thủ pháp luật về lao động, phải khám, kiểm tra sức khỏe cho lái xe theo định kỳ hằng năm. Luật Giao thông đường bộ 2008 cũng nghiêm cấm người điều khiển phương tiện giao thông mà trong cơ thể có chất ma túy. Do đó, việc kiểm tra ma túy đối với người lái xe các loại trên là đúng quy định.
Theo ông Thanh, người lái xe dù ở các tỉnh nhưng làm việc cho doanh nghiệp, HTX ở TP (hoặc có chi nhánh ở TP) đều phải khám sức khỏe, kiểm tra ma túy. Cạnh đó, theo chỉ đạo của Bộ GTVT việc khám sức khỏe, kiểm tra ma túy được thực hiện trên cả nước nên chủ doanh nghiệp, lái xe không nên nại cớ này kia để né tránh.
Việc khám sức khỏe, chụp ảnh, cấp đổi bằng lái hiện nay không thể phát hiện được người không khỏe, người nghiện. (Ảnh có tính minh họa) Ảnh: L.ĐỨC
Hai giai đoạn, ba cách khám
Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn TP sẽ có hơn 50.000 lái xe kinh doanh vận tải phải khám sức khỏe. Do số lượng quá lớn và thời gian thực hiện ngắn (đến 30-4 phải xong) nên tại cuộc họp, Sở GTVT đưa ra dự thảo hai giai đoạn, ba cách khám. Cụ thể giai đoạn 1, đến trước 30-4 sẽ khám cho người lái xe container, lái xe tải trên 10 tấn và lái xe liên tỉnh cố định, xe buýt. Giai đoạn 2 bắt đầu từ tháng 5 kéo dài đến 31-10 sẽ khám cho tất cả lái xe khách hợp đồng, du lịch, taxi và xe tải từ dưới 10 tấn…
Sau khi Sở GTVT phối hợp với Sở Y tế xác định bệnh viện, cơ sở y tế đủ tiêu chuẩn có thể thực hiện ba cách khám, xét nghiệm ma túy như sau: 1/ Doanh nghiệp, HTX cho lái xe đi khám tự do tại các bệnh viện, cơ sở y tế được chỉ định rồi tập hợp giấy chứng nhận, báo cáo về Sở GTVT; 2/ Doanh nghiệp, HTX chọn, đưa nhân viên y tế của bệnh viện xuống đơn vị hoặc bến bãi đang tập trung nhiều lái xe để tổ chức khám, xét nghiệm; 3/ Doanh nghiệp, HTX lập danh sách lái, đăng ký thời gian để Sở GTVT phối hợp với Sở Y tế tổ chức khám, xét nghiệm tại bệnh viện.
Xử nghiêm doanh nghiệp không chấp hành
Theo dự thảo, Sở GTVT sẽ tạm thời thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô, các loại phù hiệu, biển hiệu đã cấp cho các đơn vị không thực hiện nghiêm việc kiểm tra sức khỏe, xét nghiệm ma túy cho lái xe. Đối với lái xe không đảm bảo sức khỏe thì đơn vị buộc phải cho tạm nghỉ dưỡng cho đến khi phục hồi. Đối với lái xe có sử dụng chất kích thích, đơn vị vận tải chấm dứt ngay hợp đồng lao động, không cho lái xe tiếp. Theo ông Dương Hồng Thanh, khi có kết quả xác định lái xe nghiện ma túy thì có thể công khai danh tính lên website của Sở GTVT hoặc của các hiệp hội vận tải. “Đây là giải pháp nhằm ngăn chặn người lái nghiện nhảy việc sang khác doanh nghiệp kinh doanh vận tải khác hoặc sang lái xe cho đơn vị không kinh doanh vận tải, cho tư nhân. Đó cũng là cách buộc họ phải đi cai nghiện!” - ông Thanh nói.
LƯU ĐỨC - HOÀNG TUYÊN
Hiện có nhiều giấy chứng nhận không phản ánh đúng tình trạng sức khỏe của người đi học lái xe, người đang hành nghề lái xe. Do đó, đợt rà soát, kiểm tra sức khỏe này sẽ lọc, loại ra được những người trên. Ông Tất Thành Cang, Giám đốc Sở GTVT Nghị định 171/2013 (có hiệu lực từ 1-1-2014) quy định phạt tiền từ 10 đến 15 triệu đồng, tạm giữ xe bảy ngày và bằng lái hai tháng với người có hành vi “không chấp hành yêu cầu kiểm tra chất về ma túy” của người kiểm soát giao thông… Ông Lê Hồng Việt, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT |