Hơn 70% giao dịch bất động sản là trả mặt bằng hoặc di dời văn phòng

(PLO)- Công ty Cushman & Wakefield Việt Nam vừa có báo cáo tổng quan về thị trường bất động sản TP.HCM, trong đó nêu rõ xu hướng trả mặt bằng ở TP.HCM vẫn đang tiếp diễn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 30-6, Công ty Cushman & Wakefield Việt Nam đã có báo cáo tổng quan về thị trường bất động sản (BĐS) TP.HCM.

Xu hướng trả mặt bằng vẫn đang tiếp diễn

Tại buổi báo cáo, bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, cho biết xu hướng trả mặt bằng vẫn đang tiếp diễn. Theo ghi nhận từ các giao dịch lớn trên thị trường trong 6 tháng đầu năm, phần lớn diện tích trả mặt bằng đến từ các ngành BĐS, công nghệ và ngân hàng.

Theo bà Trang Bùi, trong 6 tháng qua, hơn 70% số lượng các giao dịch lớn liên quan đến trả mặt bằng hoặc di dời văn phòng. Khu trung tâm, nơi tập trung nhiều doanh nghiệp nhất cũng như giá thuê cao nhất là thị trường chịu ảnh hưởng lớn nhất từ xu hướng trả mặt bằng và di dời văn phòng này.

Báo cáo của Cushman & Wakefield Việt Nam cũng cho biết mặc dù thị trường có xu hướng nghiêng về khách thuê, họ vẫn phải đối mặt với các khó khăn tài chính và ngày càng chú ý hơn tới chi phí. Tâm lý này đã duy trì xu hướng giảm quy mô, di dời sang mặt bằng rẻ hơn, hay trả mặt bằng hoàn toàn, kéo dài từ khoảng nửa cuối năm 2022 đến nay.

Ngoài ra, nếu có đủ khả năng chi trả, khách thuê cũng ưu tiên gia hạn mặt bằng văn phòng hiện tại nhằm tiết kiệm chi phí và thời gian thiết lập văn phòng mới.

Thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ phục hồi. Ảnh: Cushman & Wakefield Việt Nam

Thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ phục hồi. Ảnh: Cushman & Wakefield Việt Nam

Số lượng mở bán căn hộ rất thấp

Về phân khúc căn hộ, có khoảng 970 căn hộ mới được mở bán trong quý 2-2023. Đây là số lượng mở bán mới thấp nhất từ trước tới nay kể từ 2019, giảm 41% so với quý 1-2023.

"Do quỹ đất trung tâm dần trở nên khan hiếm và đắt đỏ, thị trường có xu hướng phân bổ ra các khu vực ngoài trung tâm. Điều này giải thích cho sự thiếu hụt về nguồn cung tại trung tâm trong những năm tới"- báo cáo của Cushman & Wakefield Việt Nam nêu.

Khu Đông (TP Thủ Đức) được kỳ vọng sẽ tiếp tục dẫn đầu thị trường về nguồn cung trong tương lai. Với định hướng trở thành đô thị đa trung tâm vào 2040 cùng với việc hạ tầng công cộng từng bước được nâng cấp đã giúp TP Thủ Đức trở nên nổi bật hơn so với các khu vực khác. 

Về thị trường đất khu công nghiệp (KCN) ở miền Nam, trong quý 2-2023, quy trình đền bù và thủ tục pháp lý trì trệ dẫn đến không có KCN mới nào được ghi nhận.

Mặc dù tăng trưởng kinh tế toàn cầu chững lại nhưng vẫn có nhu cầu đối với đất KCN ở phía Nam, với các dự án đầu tư mới và tăng vốn ở Bình Dương và Long An, với lượng hấp thụ thuần hơn 70 ha trong quý 2-2023.

"Giá chào thuê sơ cấp của đất KCN được ghi nhận ở mức 165 USD/m2/thời hạn thuê, tăng 2,5% theo quý và 10% theo năm do nguồn cung đất KCN hạn chế, đồng thời chi phí đầu tư và đền bù tăng"- báo cáo phân tích.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm