Thị trường bất động sản "trùm mền" đến bao giờ?

(PLO)- Nhiều chuyên gia cho rằng khả năng khó khăn bủa vây thị trường bất động sản sẽ còn kéo dài tới năm 2024.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đó là một trong những thông tin đáng chú tại Diễn đàn Bất động sản Mùa Xuân thường niên lần III do Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam tổ chức sáng nay, ngày 10-3 tại Hà Nội.

Theo khảo sát mới nhất của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, hiện 65% khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) đến từ những vướng mắc chính sách, pháp lý; 20% từ nguồn vốn (cũng chủ yếu do chính sách tài chính) và 15% từ các yếu tố thị trường - doanh nghiệp.

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cũng đã nêu ra con số gần tương tự khi có tới 70% khó khăn của doanh nghiệp liên quan đến pháp lý. Khi pháp lý khó khăn, dòng vốn cũng sẽ ách tắc. Tình trạng hiện nay là doanh nghiệp bị tắc cả đầu vào lẫn đầu ra.

Bất động sản sa sút kéo theo gần 40 ngành khác lao đao

Ông Đỗ Viết Chiến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng: Con số 65% hay 70% vướng mắc pháp lý hiện nay đều là con số lớn. Nói đến thể chế là nói đến vai trò của Nhà nước, mà trước hết là vai trò dẫn dắt, tạo ra sân chơi cho doanh nghiệp. Căn cứ vào đó, Nhà nước thể hiện vai trò kiểm tra, giám sát.

Đánh giá về sự ảm đạm của thị trường trong thời điểm hiện tại, ông Trần Quang Trung, Giám đốc Phát triển Kinh doanh OneHousing ví sự phát triển của thị trường địa ốc giống như đang chạy trên đường cao tốc và dần chậm lại bởi tín hiệu kiểm tra của cảnh sát giao thông. Do đó, thị trường BĐS đang cần sự hỗ trợ pháp lý rất lớn, rất quan trọng vào lúc này.

Nếu so sánh với giai đoạn khủng hoảng cách đây 10 năm, hiện tại thị trường yếu tố đầu cơ vẫn còn nhiều trong khi hành lang pháp lý chưa rõ ràng, chưa quản lý thật tốt. Đó là nguồn gốc gây khó khăn cho mọi vấn đề.

Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu, Chủ tịch HĐQT GP Invest, ngành xây dựng có liên quan mật thiết tới ngành BĐS, do đó nếu bất động sản ốm thì doanh nghiệp xây dựng còn ốm nặng hơn.

“Từ tháng 6 năm ngoái, khi doanh nghiệp BĐS sa sút nghiêm trọng khiến doanh nghiệp nhà thầu cũng gặp khó chủ yếu từ 3 nguyên nhân.

Thứ nhất, trái phiếu đến hạn trả nợ vào năm 2022 - 2023 với một lượng rất lớn. Có những doanh nghiệp mỗi năm ôm đến cả chục dự án lớn với hy vọng có thể phát triển được hết. Đây là bệnh trầm kha của doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp phải biết lượng sức mình, nếu sức có thể gánh được 60kg thì chỉ nên gánh 40kg thôi mới đủ sức đi đường dài.

Thứ hai, tín dụng ngân hàng hiện nay vào BĐS đã sụt giảm rất nhiều so với trước đây. Do đó doanh nghiệp sẽ cân nhắc để vay tín dụng, thậm chí còn sợ vay.

Thứ ba, về pháp lý, dự thảo sửa đổi 3 luật (Luật Đất đai năm 2013, Luật Nhà ở năm 2014, Luật Kinh doanh Bất động sản năm 2014– PV) tới đây không biết sẽ cởi hay trói lại doanh nghiệp. Do đó, chúng tôi dự báo khó khăn còn kéo dài tới năm 2024” - ông Nguyễn Quốc Hiệp nói.

bất động sản trùm mền

Không chỉ doanh nghiệp địa ốc mà cả nhiều nhà thầu xây dựng cũng đang gặp khó khăn.

Liều thuốc quý 120.000 tỉ

Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường địa ốc, TS. Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho rằng cần có sự cải cách mạnh mẽ về thể chế. Vai trò của Nhà nước trong vấn đề này là rất lớn để có thể tiếp sức sức cho doanh nghiệp.

Đối với câu chuyện nguồn vốn cần có giải pháp cả về ngắn hạn và dài hạn. Về giải pháp dài hạn sẽ phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc cải cách thể chế. Còn về ngắn hạn cần quan tâm sát sao và đồng bộ trong hành động thực hiện.

“Bên cạnh đó, cần thúc đẩy các ngân hàng thảo luận giãn nợ. Nếu có vướng mắc với đơn vị thầu, thi công thì khuyến khích mua lại dự án đảm bảo pháp lý, nhưng phải đi kèm điều kiện các nhà thầu có đủ điều kiện và mong muốn hợp tác” - TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Để phục hồi thị trường BĐS hiện nay, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng: "Tại thời điểm này, Nhà nước cần có những quy định cụ thể để triển khai gói 120.000 tỉ đồng mà ngân hàng vừa công bố. Đây là liều thuốc bổ có giá trị đối với thị trường.

Chúng tôi đề xuất, ngoài những nhóm đối tượng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở bình dân thì cũng cần lưu ý những dự án đang ở giai đoạn gần hoàn thành chỉ vì thiếu vốn nên tắc nghẽn. Nếu được giải tỏa, chúng ta sẽ kích thích được nguồn cung trên thị trường, mang lại ý nghĩa và giá trị nhất định."

Liên quan tới nguồn vốn tín dụng, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế khẳng định: Tín dụng cho BĐS đã quá nhiều khi mà quy mô tín dụng cho lĩnh vực này đã lên tới 20% trong tổng tín dụng cho nền kinh tế. Điều này nghĩa là cứ 5 đồng bỏ ra đã có 1 đồng vào BĐS. Như đã nói, gần 70% vốn BĐS là từ tín dụng, vậy nên việc thêm vốn tín dụng là rất khó.

"Riêng về gói 120.000 tỉ lãi suất sẽ không cố định, nó chỉ thấp hơn lãi suất thị trường. Ngoài ra, tôi khuyến nghị các doanh nghiệp trước khi nói về câu chuyện đáo hạn trái phiếu, phát hành trái phiếu riêng lẻ… cần tái cơ cấu lại hoạt động kinh doanh. Trong đó nên đưa phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp vào phát triển" - TS Ánh khuyến nghị.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm