Hơn 80% doanh nghiệp thiếu lao động cục bộ

(PLO)- Dù có nhu cầu tuyển dụng cao, lực lượng lao động thiếu việc làm lớn, nhưng các doanh nghiệp vẫn đang thiếu lao động.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 12-9, tại Báo Người Lao Động tổ chức Tọa đàm "Xu hướng và giải pháp cho thị trường tuyển dụng lao động số lượng lớn" nhằm hướng tới thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững, hội nhập và cung cấp những thông tin hữu ích từ doanh nghiệp và người lao động.

Hướng đến thị trường lao động hiệu quả, linh hoạt

Tại Tọa đàm, ông Tô Đình Tuân - Tổng Biên tập Báo Người Lao Động cho biết, chất lượng nguồn cung lao động vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu lao động của thị trường hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập.

Do đó, thị trường lao động Việt Nam vẫn diễn ra tình trạng mất cân bằng giữa cung - cầu lao động cục bộ và sự phát triển không đều giữa các vùng miền, khu vực, ngành nghề kinh tế. Ngoài ra, cơ chế kết nối cung - cầu và tự cân bằng của thị trường vẫn còn yếu.

Ông Tô Đình Tuân - Tổng Biên tập Báo Người Lao Động đánh giá, thị trường lao động vẫn diễn ra tình trạng thiếu lao động cục bộ. Ảnh: LH
Ông Tô Đình Tuân - Tổng Biên tập Báo Người Lao Động đánh giá, thị trường lao động vẫn diễn ra tình trạng thiếu lao động cục bộ. Ảnh: LH

Theo thống kê của chuyên trang tuyển dụng và tìm việc Việc Làm Tốt, trong 8 tháng đầu năm 2024, số lượng đăng tin tuyển dụng của các doanh nghiệp tăng 30% so với cùng kỳ năm trước. Khu vực tìm kiếm nhân sự cao nhất là Nam Bộ, các tỉnh lân cận TP.HCM và Thủ đô Hà Nội.

Trong đó, có hơn 80% doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu lao động. Nhu cầu tuyển dụng rất nhiều, tuy nhiên, lực lượng lao động có các kỹ năng đáp ứng đủ tiêu chuẩn của nhà tuyển dụng không cao. Dù có hơn 1 triệu nhân sự trong độ tuổi lao động không có việc làm và hơn 836.000 việc làm lao động phổ thông cần tuyển, doanh nghiệp vẫn đang chật vật tìm kiếm ứng viên tiềm năng.

“Ba thách thức lớn nhất trong quá trình tuyển dụng của các doanh nghiệp là sự phù hợp của người lao động, hiệu suất tuyển dụng và mức cạnh tranh cao trong ngành. Chỉ có 14% người đi tìm việc là đáp ứng đầy đủ những tiêu chí về chuyên môn, kỹ năng và trình độ được nhà tuyển dụng yêu cầu. Tiếp theo, hiệu suất tuyển dụng, từ bước tuyển dụng cho đến sàng lọc, tương tác với ứng viên và lưu trữ hồ sơ hẹn phỏng vấn đều có những khó khăn nhất định”, bà Hoàng Minh Ngọc - Giám đốc vận hành Chợ Tốt kiêm Giám đốc Việc Làm Tốt chia sẻ.

thieu-lao-dong-2.jpg
Bà Đặng Hồng Liên, Trưởng phòng Nhân sự Công ty TNHH PouYuen Việt Nam thông tin về nhu cầu tuyển lao động tại doanh nghiệp. Ảnh: NLĐ

Hiện nay, để thu hút người lao động, các doanh nghiệp đang nỗ lực cải thiện phúc lợi lương thưởng, môi trường làm việc để giữ chân người lao động. Tuy nhiên, mức cải thiện vẫn chưa đáng kể, dao động từ 8 đến dưới 15 triệu đồng. Mức lương này được cho là không đủ cho người lao động trang trải, chăm lo cuộc sống cá nhân và gia đình.

Về phía người lao động, lương thưởng và phúc lợi là mối quan tâm đầu tiên để họ quyết định gia nhập vào công việc. Bên cạnh đó, môi trường làm việc tiện nghi, thoải mái và mối quan hệ với đồng nghiệp cũng là ưu tiên hàng đầu.

30% lao động làm việc bán thời gian

Hiện có sự chuyển dịch giữa lao động toàn thời gian và bán thời gian. Thống kê của Việc Làm Tốt có đến 30% lao động toàn thời gian quyết định chuyển sang hình thức bán thời gian, làm việc từ xa, làm việc tự do vì nhận thấy cơ hội làm việc linh hoạt và có nhiều nguồn thu khác nhau.

Theo một số người lao động, khó khăn lớn nhất trong quá trình tìm việc là độ tin cậy, tính xác thực của tin đăng tuyển và sự minh bạch của doanh nghiệp. Đây là lý do nhiều ứng viên ngần ngại trong việc ứng tuyển công việc mới. Việc chuẩn bị hồ sơ một cách bài bản, ấn tượng và thủ tục ứng tuyển phức tạp cũng là rào cản đối với người xin việc.

Do đó, để có thể thu hút lao động, đáp ứng nhu cầu nhân sự còn thiếu hụt, bên cạnh tập trung về chế độ lương thưởng, phúc lợi, doanh nghiệp cần tạo dựng văn hóa doanh nghiệp tốt để trở thành “ngôi nhà” để nhân viên gắn bó.

Ngoài ra, cần rút ngắn thời gian sàng lọc hồ sơ, nâng cao chất lượng ứng viên, tăng hiệu suất tuyển dụng. Đồng thời nâng cao chất lượng tin đăng và độ minh bạch trong thông tin nhà tuyển dụng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm