Họp bàn về Triều Tiên vắng Nga, Trung Quốc

Vấn đề ngăn chặn Triều Tiên lách các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc (LHQ) đang được Mỹ và các đối tác quốc tế đặc biệt quan tâm.

Triều Tiên thêm cách lách trừng phạt

Tờ Asahi Shinbum ngày 16-1 dẫn một số nguồn tin chính phủ ba nước Nhật, Mỹ, Hàn Quốc và từ quân đội Mỹ cho biết: Triều Tiên đã và đang sử dụng tàu đăng ký từ các nước châu Phi (như Tanzania, Togo) và đảo quốc Palau ở Thái Bình Dương để trao đổi hàng hóa giữa biển. Các tàu này còn được sử dụng xuất khẩu than từ Triều Tiên sang Nga, Trung Quốc (TQ) và một số nước khác, cũng như để nhập khẩu dầu mỏ và các sản phẩm hóa dầu.

Quân đội Mỹ xác nhận: Trong thời gian từ tháng 10 đến tháng 12-2017, nhiều tàu Triều Tiên đã nhận và chuyển hàng hóa từ những tàu khác trên các vùng biển phía Tây Thái Bình Dương. Những tàu này đã tắt hệ thống nhận dạng tự động (AIS). Trong khi theo các hiệp ước quốc tế, tất cả tàu đều phải mở AIS khi hoạt động trên biển.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (phải) vắng mặt tại cuộc họp quan trọng về Triều Tiên, do người đồng cấp phía Mỹ Rex Tillerson (trái) đồng chủ trì. Ảnh: AFP

Mỹ và đồng minh bàn biện pháp

Thông tin Triều Tiên lẩn tránh nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an đến trong bối cảnh 20 nước “Nhóm Vancouver” đến dự hội nghị thượng đỉnh ở Canada bàn về vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Cuộc họp khai mạc ngày 16-1, do Canada và Mỹ đồng chủ trì, bàn cách thực thi toàn diện các nghị quyết trừng phạt của LHQ để tăng áp lực kinh tế-ngoại giao. Mỹ cho biết cuộc họp cũng sẽ bàn cách tăng cường “an ninh hàng hải” xung quanh Triều Tiên nhằm ngăn chặn các tàu vi phạm, theo Reuters.

Trong khi đó, hãng tin RT dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết cả Nga và TQ đều không được mời dự họp mà chỉ được thông báo kết quả. Ông cho rằng điều này là không thể chấp nhận. “Không may, các đồng nghiệp Mỹ và đồng minh của họ vẫn muốn hành động đơn phương theo kiểu đưa ra tối hậu thư, không muốn lắng nghe quan điểm từ các trung tâm khác của chính trị thế giới” - Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhận định.

Còn theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Lục Khảng, cuộc họp không có mặt các nhà hòa giải chính trong khủng hoảng Triều Tiên sẽ chỉ gây chia rẽ trong cộng đồng quốc tế và gây hại các nỗ lực chung nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Ông Zhao Tong, chuyên gia về Triều Tiên tại Trung tâm Carnegie-Thanh Hoa ở Bắc Kinh, cho rằng Mỹ không muốn Nga và TQ cản trở cuộc họp và tiếp tục đề xuất Mỹ-Hàn ngưng tập trận. Theo nhiều nhà ngoại giao, cuộc họp sẽ chỉ có kết quả hạn chế khi không có đại diện của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, trả lời tờ Global News, một quan chức cấp cao chính phủ Canada khẳng định không có chuyện các nước muốn loại Nga và TQ khỏi cuộc họp thượng đỉnh. Phía Canada nói cả hai nước đều được mời nhưng là mời tham dự phiên báo cáo sau cuộc họp chính thức chứ không phải mời tham gia cuộc họp ngay từ đầu. Trước đó, vào ngày 15-1, tờ Globe and Mail cũng tiết lộ TQ chủ động từ chối lời mời dự họp.

Hiện tại căng thẳng bán đảo Triều Tiên có phần dịu đi khi hai miền liên Triều khôi phục đối thoại sau hơn hai năm gián đoạn. Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 16-1, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình cho rằng cần thiết phải duy trì tình trạng hòa hoãn này, theo CCTV (TQ). Ông Tập nhấn mạnh duy trì sự thống nhất quốc tế là rất quan trọng và TQ sẵn sàng hợp tác với Mỹ giải quyết vấn đề Triều Tiên một cách hợp lý.

________________________

Một khi cảm nhận các lệnh trừng phạt được siết chặt giống như một nỗ lực phong tỏa thì Triều Tiên có thể phản ứng xem đó là hành động chiến tranh.

SCOTT SNYDER, Giám đốc chương trình chính sách Mỹ-Hàn 
tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm