12h10: Buổi họp báo kết thúc.
Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ninh nói nếu các cơ quan báo chí có thêm câu hỏi sẽ gửi sau đến các cơ quan chức năng Quảng Ninh. Sau đó cơ quan chức năng sẽ phản hồi đầy đủ, cụ thể cho báo chí.
12h00: Mức xử phạt hành chính 5 triệu đồng đối với bà Yến được nhiều báo chất vấn như vậy đã thỏa đáng chưa? Ông Hà nói đang trong quá trình xử lý nên tất cả hành vi vi phạm hành chính sẽ bị xử lý. Còn việc phạt bà Yến 5 triệu đồng chỉ là xử lý ban đầu.
11h45: Ông Hà cho biết thêm hiện cơ quan công an đang thu thập chứng cứ làm rõ có hay không có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của bà Yến và các cá nhân khác có liên quan.
Liên quan đến những phát ngôn của bà Yến trong những clip trên mạng, ông Hà nói: "Chúng tôi phản đối mạnh mẽ các phát ngôn xúc phạm các anh hùng liệt sĩ và nạn nhân bị sát hại khi đi giao gà ở Điện Biên. Chia sẻ với gia đình nạn nhân, chúng tôi sẽ căn cứ chứng lý và đề nghị công an xử lý nghiêm".
11h40: Về câu hỏi tại sao việc tuyên truyền thỉnh vong, cúng oan gia trái chủ diễn ra công khai trên mạng mà chính quyền địa phương không xử lý. Ông Hà lý giải từ năm 2015 sư trụ trì không thừa nhận các hoạt động trên. Nếu có thì nhà chùa kiểm soát rất kỹ.
11h30: Khi báo chí đặt câu hỏi đánh giá thế nào về việc sư trụ trì trả lời nộp tiền là "do vong yêu cầu". Ông Hà nói trong văn bản trả lời của Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh đã cho rằng các việc hành đạo, tu đạo do trụ trì chùa đó chịu trách nhiệm. Bởi vậy trụ trì chùa Ba Vàng là người chịu trách nhiệm về hoạt động của chùa cũng như của bà Phạm Thị Yến tại chùa.
Về khoản tiền các phật tử công đức vào chùa, ông Hà cho biết đang từng bước thực hiện, mong muốn có cơ chế cấp cao để công khai, minh bạch tiền công đức để phật tử và nhân dân yên tâm.
"Các hoạt động tài chính của chùa được công khai, minh bạch thì sẽ không dẫn đến trục lợi, lợi dụng niềm tin tôn giáo", ông Hà nhấn mạnh.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ninh, bà Lê Ngọc Hân. Ảnh: Vietnamnet
11h24: Trả lời câu hỏi về sự tồn tại của các trang web của nhà chùa và bà Yến, bà Lê Ngọc Hân, Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông tỉnh Quảng Ninh, cho biết web Thích Trúc Thái Minh và Phạm Thị Yến là trang web cá nhân.
"Nhưng vì hai trang web này sử dụng tên miền quốc tế và chưa khai báo với Bộ Thông tin Truyền thông nên Sở đã yêu cầu dừng hoạt động", bà Hân nói thêm.
Trang web chùa Ba Vàng là trang điện tử nội bộ nhưng qua kiểm tra thì có dấu hiệu hoạt động như một trang điện tử tổng hợp khi trích một số trang điện tử khác đăng tải lại. Khi phát hiện dấu hiệu này, Sở đã yêu cầu tạm dừng để thực hiện thủ tục nếu muốn đăng ký thành trang thông tin điện tử tổng hợp. Còn nếu không thì phải gỡ bỏ thông tin tổng hợp trên web.
"Việc các trang web này hoạt động cách đây 4 năm thì chúng tôi không nhận được văn bản nào từ Ban Trị sự, các văn bản gửi tới Sở cũng không đề cập đến các trang thông tin này", bà Hân cho hay.
11h20: Trả lời câu hỏi chùa Ba Vàng là do một công ty đầu tư không? Ông Hà khẳng định đó là thông tin không chính xác. Chùa Ba Vàng vốn là một phế tích, được xây dựng và phát triển từ sự đóng góp của các phật tử.
Việc bổ nhiệm sư thầy trụ trì là việc liên quan đến trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, theo Hiến chương của Hội phật giáo, chính quyền không có ý kiến gì.
Riêng việc thu tiền chùa Ba Vàng là bao nhiêu thì chính quyền và nhân dân đều mong có cơ chế công khai, minh bạch tại các di tích, di sản để phật tử, du khách yên tâm. Còn việc xây dựng chùa trên đất rừng như thế này thì không nằm trong nội dung cuộc họp hôm nay.
11h15: Về câu hỏi cúng oan gia trái chủ và thỉnh vong có phải là mê tín dị đoan, ông Hà cho biết TP đã có văn bản hỏi ý kiến Giáo hội Phật giáo và đang đợi câu trả lời.
11h10: Về những câu hỏi liên quan đến hoạt động tôn giáo ở chùa Ba Vàng, ông Hà cho biết theo luật Tôn giáo 2018 và Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo thì bây giờ, hoạt động của cơ sở tôn giáo đăng ký một lần vào đầu kỳ nếu có phát sinh hoạt động thì gửi thông báo tới cơ quan chức năng 20 ngày. Nếu hoạt động đó được pháp luật cho phép thì nhà chức trách đồng ý. Nếu vi phạm thì không đồng ý.
"Sau khi có thông tin từ báo chí về hoạt động của chùa Ba Vàng, UBND Uông Bí rà soát và thấy hoạt động thỉnh vong ở chùa Ba Vàng không có trong danh mục đăng ký với nhà chức trách. Do đó chúng tôi đã yêu cầu dừng ngay", ông Hà nói.
Riêng Văn bản năm 2015 có nhiều nội dung, trách nhiệm của sư trụ trì và quản lý Phật sự, ban Trị sự Giáo hội Phật giáo của tỉnh.
Ban Trị sự nói bà Yến thường xuyên có hoạt động bắt ma, TP đã làm việc với chùa Ba Vàng, nhưng trụ trì nói không có chuyện đó.
Cũng theo ông Hà, về việc bà Yến thường xuyên khuyến hóa nhân dân về cúng vong, đại đức Thái Minh khẳng định không có việc đó. Nhưng TP yêu cầu tất cả hoạt động phải tuân thủ pháp luật và quy định địa phương.
Ông Nguyễn Mạnh Hà đang trả lời các câu hỏi của báo chí. Ảnh: ĐỖ HOÀNG
11h5: Sau khi ông Hà thông tin về sự việc, Ban tổ chức dành thời gian cho báo chí hỏi đáp.
Về câu hỏi bà Phạm Thị Yến đang ở đâu, ông Hà cho hay bà Yến sinh sống ở TP Hạ Long, là phật tử chùa Ba Vàng chứ không đăng ký tạm trú tạm vắng tại chùa.
TP Uông Bí đã giao phường Quang Trung ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm nếp sống văn hóa với bà Yến 5 triệu đồng.
Cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ các hành vi của bà Yến như hành vi thông tin, trục lợi, hoạt động tôn giáo không có trong danh mục đăng ký ở chùa Ba Vàng. Hiện cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ hành vi vi phạm khác.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND TP Uông Bí, Quảng Ninh. Ảnh: Vietnamnet
Với hoạt động chùa Ba Vàng nói chung, ông Hà cho biết đã có văn bản yêu cầu chùa dừng thỉnh vong và cúng oan gia trái chủ vì không có trong danh mục đăng ký với nhà chức trách. Sở Nội vụ đã làm việc với Giáo hội Quảng Ninh yêu cầu chấn chỉnh hoạt động chùa Ba Vàng.
10h55: Ông Nguyễn Mạnh Hà xin lỗi vì trễ giờ cuộc họp tới 45 phút do nhận thêm thông tin chỉ đạo và hoàn tất thông tin báo chí cập nhật mới nhất.
Ông Hà khẳng định đối với thỉnh vong, oan gia trái chủ ở chùa Ba Vàng, sau khi nhận chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ninh, TP Uông Bí đã khẩn trương làm việc với chùa Ba Vàng và hiện đang tiếp tục xác minh, xử lý.
Do hoạt động thỉnh vong, cúng oan gia trái chủ diễn ra trong khuôn viên chùa nên sư trụ trì là đại đức Thích Trúc Thái Minh phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Uông Bí đã có văn bản gửi Giáo hội trung ương đề nghị xử lý nghiêm hành vi vi phạm giáo lý, không phù hợp với hiến chương Phật giáo.
10h50: Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Ninh cho biết đây không phải cuộc họp báo mà chỉ là cuộc họp thông tin nội dung sự việc liên quan đến chùa Ba Vàng.
Tại cuộc họp, Chủ tịch TP Uông Bí cùng các phòng ban sẽ trao đổi, trả lời nội dung báo chí quan tâm, nhưng có nội dung đang trong quá trình cơ quan chức năng làm rõ thì sẽ được trao đổi sau.
Buổi họp báo sắp được diễn ra... Ảnh: ĐỖ HOÀNG
10h45: Chủ tịch TP Uông Bí và Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Ninh đã vào hội trường chuẩn bị buổi họp.
Buổi họp do ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND TP Uông Bí chủ trì.
Trước đó, dư luận xôn xao sau phóng sự của báo Lao Động phản ánh hoạt động 'thỉnh vong', 'gọi hồn' tại chùa Ba Vàng mỗi năm thu hàng trăm tỉ đồng.
Ngay sau đó, Bộ VHTT&DL, Ban tôn giáo Chính phủ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, UBND tỉnh Quảng Ninh và các cơ quan chức năng có công văn chỉ đạo làm rõ vụ việc. Tỉnh Quảng Ninh yêu cầu TP Uông Bí thông tin cho các cơ quan báo chí biết kết quả giải quyết, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 25-3.
Ngày 22-3, UBND TP Uông Bí (Quảng Ninh) ra văn bản gửi trụ trì chùa Ba Vàng yêu cầu chấm dứt các hoạt động 'thỉnh vong', 'cúng oan gia trái chủ' và các hoạt động giảng pháp do phật tử Phạm Thị Yến thực hiện.
Nguyên nhân là các hoạt động này không có trong danh mục hoạt động tôn giáo năm 2019 đã đăng ký và được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận. Việc tuyên truyền giảng pháp của phật tử Phạm Thị Yến đã gây ra những bất bình trong dư luận nhân dân, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.
Chùa Ba Vàng (còn gọi là Bảo Quang Tự) tọa lạc trên lưng núi Thành Đẳng (thuộc phường Quang Trung, TP Uông Bí, Quảng Ninh). Năm 2007, khi đại đức Thích Trúc Thái Minh về trụ trì chùa được xây dựng lại bằng tiền công đức và được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là ngôi chùa trên núi có tòa chính điện lớn nhất Việt Nam (4.500 m2). |