Mở đầu cuộc họp báo, BS Phong gửi lời xin lỗi và khuyên người dân khi bị ốm nên đến BV để được khám, chữa bệnh theo đúng phác đồ.
“Tôi xin được xin lỗi BV, xin lỗi các thầy, các đồng nghiệp vì việc phát ngôn của tôi ở chùa Ba Vàng đã gây hiểu lầm, ảnh hưởng tới BV và các đồng nghiệp” – BS Phong nói.
Bác sĩ Phong tại buổi họp báo chiều 24-3. Ảnh: HÀ PHƯỢNG
Có mặt tại buổi họp báo, ông Phạm Minh Thông, Phó giám đốc BV, chia sẻ việc đi chùa cầu khấn chỉ có ích về mặt tinh thần. Phát biểu của BS Phong ở chùa Ba Vàng là không đúng. Tuy nhiên BS Phong vừa xin lỗi và đó chỉ là phát biểu của cá nhân chứ không phải đại diện cho BV.
Ông Thông cũng cho rằng việc cúng bái, đi chùa cầu xin chỉ mang ý nghĩa tinh thần. Còn chữa bệnh cần bằng chứng khoa học, không thể chung chung. Phát biểu của BS Phong ở chùa là cảm tính.
Theo các bác sĩ BV Bạch Mai, việc chữa bệnh đều có các quy định, tuân thủ theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế và Luật khám chữa bệnh.
BS Phong đã làm việc tại BV hơn 6 năm, cho đến nay chưa từng có ý kiến nào phàn nàn về chuyên môn cũng như tư cách của BS. Chưa từng có bệnh nhân nào ở BV được BS Phong đưa hay khuyên lên chùa chữa bệnh. Ngay cả đồng nghiệp cũng đánh giá BS Phong làm việc rất tốt, trách nhiệm, chưa để bất cứ vấn đề nào xảy ra.
Trước câu hỏi của PV rằng liệu BS Phong sẽ phải nhận hình thức kỷ luật nào và có bị đuổi việc do phát ngôn của mình hay không”. Lãnh đạo BV Bạch Mai cho rằng, thời gian tới, để đánh đánh giá toàn bộ vi phạm của BS Phong, BV Bạch Mai sẽ thông qua hội đồng kỷ luật để xem xét mức độ kỷ luật.
“Không có bằng chứng nào chứng tỏ BS Phong chữa bệnh không được và đưa bệnh nhân đến chùa. Chúng ta sống và làm việc theo pháp luật, do đó phải căn cứ là BS Phong sai ở đâu thì mới họp hội đồng kỷ luật và tiến hành kỷ luật” – Phó Giám đốc BV Bạch Mai cho hay.
Trước đó, tại buổi pháp thoại ở chùa Ba Vàng, BS Phong nói: "Tôi chưa thỉnh oan gia trái chủ nhưng là người chứng kiến. Bệnh nhân của tôi khi chẩn đoán, điều trị đi theo đúng phác đồ nhưng không thể ra được bệnh, hoặc bệnh nhân diễn biến bất thường. Tôi biết đến pháp hội và khuyên bệnh nhân lên thử chùa Ba Vàng xem thế nào. Người này đến chùa được thầy dạy về nhân quả, đạo lý chứ hoàn toàn không mê tín. Sau một thời gian biết sám hối, làm cơm chay... Bệnh nhân đến khám lại thì điều thần kỳ đã xảy ra, tôi chỉ dùng 2 liều men tiêu hóa đã ổn định hoàn toàn".
Trước câu hỏi của báo chí rằng BV có biện pháp gì ngăn chặn những phát ngôn của nhân viên để tránh gây hiểu lầm như vụ việc trên, ông Thông cho hay các BS cần hiểu và chịu trách nhiệm về hành vi của mình.
"Có nhiều bệnh hoàn toàn điều trị bằng tâm lý liệu pháp, đi chùa cầu xin cũng nên coi là “biện pháp tâm lý”, nhưng nếu có bệnh phải đến BV để được khám, hội chẩn đánh giá. Từ đó BS mới biết được bệnh nhân đang mắc bệnh gì, cần chữa bằng thuốc, bằng phẫu thuật, hay cần tâm lý liệu pháp.
Ở BV Bạch Mai từ lâu đã có quy chế phát ngôn riêng, tuy nhiên BV không thể quản lý từng phát ngôn của hành ngàn nhân viên làm việc tại BV. Vấn đề nằm ở chỗ mọi người cần tránh phát ngôn những gì chúng ta chưa có minh chứng” – ông Thông nhấn mạnh.