Hợp đồng vi phạm hình thức, xử sao?

Theo Điều 134 BLDS, trong trường hợp pháp luật quy định hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch mà các bên không tuân theo thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, tòa, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác quyết định buộc các bên thực hiện quy định về hình thức của giao dịch trong một thời hạn; quá thời hạn đó mà không thực hiện thì giao dịch vô hiệu. Quy định này cũng được hướng dẫn trong một số nghị quyết liên quan của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao.

Trong thực tiễn xét xử, phần lớn các tòa đều thực hiện đúng là khi phát sinh tranh chấp mà tòa xét thấy hợp đồng chỉ vi phạm về hình thức thì sẽ không tuyên bố vô hiệu ngay mà quyết định buộc các bên thực hiện đúng hình thức của hợp đồng trong một thời hạn nhất định. Quá thời hạn đó mà không thực hiện thì tòa mới tuyên vô hiệu, quy lỗi trách nhiệm và giải quyết hậu quả. Tuy nhiên, vẫn có những tòa làm trái khiến đương sự phải chạy tới chạy lui kháng cáo, khiếu nại giám đốc thẩm… như một vụ kiện dưới đây.

Luật đã có, vẫn áp dụng sai

Bà Hồ Thị Hồng Loan là người đại diện hợp pháp cho bị đơn trong một vụ tranh chấp hợp đồng thuê nhà, vừa kháng cáo bản án sơ thẩm của TAND quận Bình Thạnh lên Tòa kinh tế TAND TP.HCM.

Theo hồ sơ, đầu năm 2012, phía Công ty TNHH Giao nhận Thương mại ML Toàn Thế đã khởi kiện ra TAND quận Bình Thạnh, buộc phía bà Loan phải trả lại gần 250.000 USD tiền cọc thuê nhà. Lý lẽ công ty đưa ra là hợp đồng thuê nhà giữa hai bên đã vi phạm quy định về ngoại hối, hợp đồng có thời hạn 15 năm nhưng không thực hiện thủ tục công chứng. Vì những vi phạm này về hình thức mà hợp đồng vô hiệu, hai bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

Phản đối, bà Loan trình bày với tòa là hợp đồng thuê nhà được tính bằng USD chỉ nhằm bảo đảm giá trị hợp đồng trong suốt thời gian thuê là 15 năm và sẽ được quy đổi theo tỉ giá của Ngân hàng Ngoại thương tại thời điểm thanh toán. Tất cả những khoản thanh toán, phía công ty đều trả bằng tiền đồng Việt Nam. “Khoản tiền đặt cọc thực tế cũng nhận bằng tiền đồng Việt Nam nên biên nhận giao tiền mới ghi toàn bộ số tiền đặt cọc… được quy đổi theo tỉ giá NHNN…” - bà Loan nhấn mạnh.

Cạnh đó, bà Loan viện dẫn điểm b khoản 3 mục I Nghị quyết 04/2003 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao có hướng dẫn như sau: “Trong nội dung của hợp đồng kinh tế các bên thỏa thuận sử dụng ngoại tệ làm đồng tiền định giá (để bảo đảm ổn định giá trị của hợp đồng) nhưng nếu việc thanh toán là bằng đồng Việt Nam thì hợp đồng kinh tế đó không bị coi là vô hiệu toàn bộ”.

Tuy nhiên, xử sơ thẩm, TAND quận Bình Thạnh đã không buộc các bên khắc phục các vi phạm về hình thức của hợp đồng mà lại nhận định do hợp đồng đã không tuân thủ về hình thức, không công chứng hoặc chứng thực nên vô hiệu, các bên phải hoàn trả cho nhau tài sản đã nhận. Từ đó, tòa buộc phía bà Loan phải trả lại toàn bộ tiền cọc cho phía công ty.

Nhận xét về mặt pháp lý của vụ kiện này, TS Đoàn Thị Phương Diệp (Trường ĐH Kinh tế - Luật) khẳng định tòa tuyên hợp đồng vô hiệu ngay là trái quy định tại Điều 134 BLDS năm 2005 và hướng dẫn trong Nghị quyết 04/2003 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao. Ở đây, tòa không buộc các bên thực hiện quy định về hình thức của giao dịch trong thời hạn, không xác định lỗi mà chỉ tuyên hai bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận là không đúng.

Tòa buộc đền bù, tòa bỏ qua

Liên quan đến hợp đồng vi phạm về hình thức, tại một hội thảo góp ý sửa đổi BLTTDS năm 2005 mới đây, luật sư Phan Trung Hoài (Chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ quyền lợi luật sư - Liên đoàn Luật sư Việt Nam) còn đưa ra ví dụ cho thấy cùng một nội dung là có lỗi làm hợp đồng vô hiệu nhưng các tòa đang có hai cách giải quyết trái ngược.

Cụ thể, trong một vụ tranh chấp hợp đồng mua bán một căn nhà ở đường Nguyễn Thị Diệu (quận 3), Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM xét thấy hợp đồng vi phạm về hình thức vì không được công chứng nên buộc các bên phải ra công chứng để tiếp tục thực hiện hợp đồng. Sau đó, một bên đương sự không chịu ra công chứng. Vì vậy, tòa phúc thẩm đã công nhận giao dịch mua bán nhà vô hiệu do vi phạm về hình thức. Bên không chịu ra công chứng có lỗi gây ra hợp đồng vô hiệu nên phải đền bù gấp đôi tiền cọc cùng thiệt hại phát sinh.

Tuy nhiên, ở vụ tranh chấp hợp đồng mua bán một căn nhà khác trên đường Lương Khải Siêu (quận Thủ Đức) lại có một phán quyết khác hoàn toàn. Vì hợp đồng vi phạm về hình thức nên tòa sơ thẩm buộc các bên ra công chứng để khắc phục. Nhưng sau khi một bên không chịu ra công chứng, chứng thực, tòa sơ thẩm lại phán quyết hợp đồng vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật. Lúc này hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu khác hẳn: Các bên chỉ phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Bên có lỗi không chịu ra công chứng đã không phải đền bù gì.

Theo luật sư Trương Thị Hòa (Đoàn Luật sư TP.HCM), luật đã rõ, điều quan trọng là trình độ, cách vận dụng điều luật của thẩm phán vào quá trình xét xử và cách chế tài trong ngành ra sao khi thẩm phán không thực hiện đúng tinh thần của điều luật. Bên cạnh đó, thực tế nhiều nghị quyết, thông tư ra đời để hướng dẫn một điều luật nào đó nhưng có khi chính thẩm phán lại không nắm được. Do vậy, các thẩm phán cũng cần phải thường xuyên được trao đổi nghiệp vụ, được tập huấn, bổ sung quy định mới, hướng dẫn mới.

PHAN THƯƠNG

 

Kéo dài thời gian vô ích

Theo tôi nên bỏ quy định buộc các bên phải tuân thủ hình thức luật định của hợp đồng trong một thời hạn nhất định. Quy định này chỉ làm kéo dài thêm thời gian, không có ý nghĩa thiết thực, chưa bảo vệ được quyền lợi chính đáng của các bên ngay tình, trung thực… Bởi lẽ một khi đã có người khởi kiện thì tức một bên tham gia của hợp đồng đã không còn muốn thực hiện hợp đồng nữa.

TS-LS Phan Trung Hoài, Chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ quyền lợi luật sư

Nên giữ quy định hiện hành

Thực ra quy định như vậy là ổn lắm rồi. Có thể việc kéo dài một tháng để các bên khắc phục vi phạm về hình thức không thiết thực với một số trường hợp nhưng lại rất có ích cho những hợp đồng khác. Điều cần làm là các tòa phải áp dụng sao cho thống nhất.

Luật sư Nguyễn Văn Bình, Đoàn Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm