Cầu Vàm Cống thuộc dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mê Kông sử dụng vốn vay ODA của chính phủ Hàn Quốc và vốn đối ứng của chính phủ Việt Nam. Dự án thành phần 3 cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu và đường dẫn 2 đầu cầu được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư 7.341 tỷ đồng (trong đó vốn vay ODA của chính phủ Hàn Quốc 260 triệu USD).
Các đại biểu tiến hành lễ hợp long cầu Vàm Cống (ảnh HẢI DƯƠNG)
Dự án thành phần 3 là một hợp phần quan trọng thuộc dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mê Kông. Mục tiêu của dự án nhằm hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ, củng cố quốc phòng an ninh, đáp ứng nhu cầu vận tải và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội không chỉ của riêng ĐBSCL mà cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Cầu Vàm Cống là cây cầu lớn nhất của dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng ven sông. Đây là cầu thứ hai sau cầu Cần Thơ bắc qua sông Hậu. Cầu cách phà Vàm Cống khoảng 1,5 km về phía hạ lưu và cách cầu Cần Thơ khoảng 48 km về phía thượng lưu. Cầu có quy mô 4 làn xe cơ giới, vận tốc thiết kế là 80 km/h với tổng chiều dài là 2.969m, trụ Tháp dạng hình chữ H, hệ thống dây văng hình rẻ quạt.
Ông Trần Văn Phi - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long - Bộ GTVT (đơn vị chủ đầu tư) cho biết “Sau 1.403 ngày thi công liên tục, đến nay 2 bờ sông Hậu đã được nối liền, đáp ứng sự mong mỏi bao nhau qua của người dân Đồng Tháp và Cần Thơ nói riêng, người dân DDBSCL nói chung. Bằng việc hợp long Cầu Vàm cống ngày hôm nay các hợp phần của dự án cơ bản đã hoàn thành, đúng tuyến độ, đảm bảo chất lương, an toàn. Các hợp phần còn lại sẽ tiếp tục hoàn thiện và triển khai khẩn trương để đảm bảo hoàn thành toàn dự án trong năm 2017”
Cầu Vàm Cống hợp long và sắp tới chính thức khánh thành, thông xe (ảnh HẢI DƯƠNG)
Cùng với cầu Cao Lãnh, đến nay cầu Vàm Cống hợp long sẽ kết nồi thông suốt tuyến N2 từ Rạch Giá đi TPHCM. Ảnh HẢI DƯƠNG
Phát biểu tại buổi hợp long, ông Đào Anh Dũng – Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ đánh giá “Sự kiện này là hiện thực hóa ước mơ mong mỏi nhiều năm của thế hệ người dân Cần Thơ. Cầu Vàm Cống và cầu Cao Lãnh đã hợp long (ngày 1 – 9 vừa qua) đồng thời cùng với dự án xây dựng tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi sau khi hoàn thành tạo thành trục dọc thứ hai với quy mô 4 làn xe dài khoảng 80 km sẽ rút ngắn đáng kể thời gian lưu thông từ thành phố Hồ Chí Minh đến các địa phương trên tuyến và ngược lại. Điều này đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao và giảm ùn tắc trên quốc lộ 1”.