Ngày 26-7, HĐXX TAND TP Hà Nội đã tuyên án đối với năm bị cáo bảo kê tại chợ Long Biên về tội cưỡng đoạt tài sản.
Cụ thể, Nguyễn Kim Hưng (tức Hưng “kính”), tổ trưởng tổ bốc dỡ hàng hóa số 2 chợ Long Biên, bị phạt 48 tháng tù. Bốn bị cáo còn lại từng là nhân viên tổ bốc dỡ hàng hóa số 2 gồm: Lê Thanh Hải, Nguyễn Mạnh Long và Dương Quốc Vương cùng bị tuyên phạt 42 tháng tù. Riêng bị cáo Nguyễn Hữu Tiến bị phạt 36 tháng tù.
Theo HĐXX, tại CQĐT và tại phiên tòa, các bị cáo thành khẩn nhận tội, lời khai của các bị cáo phù hợp với tài liệu điều tra, lời khai của người làm chứng và người liên quan. Việc truy tố các bị cáo tội cưỡng đoạt tài sản là đúng người, đúng tội.
Đây là vụ án nghiêm trọng, có đồng phạm, đã vi phạm quyền sở hữu công dân, làm mất trật tự xã hội. Các bị cáo có đủ nhận thức để biết việc cưỡng đoạt tài sản là vi phạm pháp luật nhưng vẫn thực hiện, gây khó khăn cho việc kinh doanh của hộ gia đình bị hại khi buộc họ phải nộp một khoản tiền lớn trong thời gian dài.
Hưng “kính” (phải) và các bị cáo tại tòa. Ảnh: V.THỊNH
Xét hành vi và vai trò của từng bị cáo, HĐXX nhận thấy Hưng “kính” giữ vai trò chính nên cần có mức án nghiêm khắc nhất. Mặc dù Hưng không có quyền đuổi xe nhưng bị cáo đã yêu cầu những bị cáo khác tạo sức ép, tự ý giao cho đàn em thu tiền của hộ gia đình chị Nghiêm Thúy Nga, anh Hoàng Anh Hà. Các bị cáo khác có vai trò đồng phạm, giúp sức cho Hưng “kính” thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
HĐXX cũng cân nhắc, xem xét cho các bị cáo là đồng phạm với Hưng những tình tiết giảm nhẹ như ăn năn hối cải, thành khẩn khai báo, đã có bị cáo khắc phục hậu quả và bồi thường cho người bị hại.
Về trách nhiệm dân sự, do người bị hại không yêu cầu bồi thường nên HĐXX không xem xét.
Trước đó, trình bày trong phần luận tội, đại diện VKSND TP Hà Nội cho rằng hành vi của các bị cáo là rất nghiêm trọng, gây bất bình dư luận, cần phải áp dụng hình phạt nghiêm khắc.
VKS xác định từ ngày 14-3 đến 1-9-2018, dưới sự chỉ đạo của Hưng “kính”, Hải cùng Long, Vương dùng các thủ đoạn chèn ép, khủng bố tinh thần để cưỡng đoạt của chị Nga, anh Hà hơn 28 triệu đồng. Trong đó, Hải thu được hơn 15 triệu đồng, Long thu được hơn 12 triệu đồng và Vương thu được 740.000 đồng.
Bị cáo Tiến nhận từ Hải, Long và Vương tổng số tiền hơn 28 triệu đồng nhưng chỉ nộp về ban quản lý chợ Long Biên 3,2 triệu đồng, còn lại gần 25 triệu đồng chiếm hưởng chia nhau theo chỉ đạo của Hưng “kính”.
Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, năm 2008, chị Nga và chồng (cùng trú quận Ba Đình, TP Hà Nội) kinh doanh hoa quả tại chợ Long Biên. Trong quá trình kinh doanh tại chợ, vợ chồng chị Nga bị các đối tượng trên đe dọa, chèn ép nhằm buộc phải nộp nhiều loại tiền khác nhau. Vợ chồng chị Nga tố cáo lên công an và lần lượt các bị cáo bị khởi tố, Hưng “kính” được xác định là người cầm đầu.
Người bị hại vẫn cảm thấy bất an Trả lời báo chí sau khi phiên tòa kết thúc, người bị hại là chị Nga cho biết không quá quan tâm về mức án mà HĐXX đã tuyên với các bị cáo. Về việc có kháng cáo bản án sơ thẩm hay không thì chị và gia đình sẽ tiếp tục suy nghĩ nếu cảm thấy bất an đối với gia đình hoặc công việc kinh doanh. Chị Nga cũng cho biết ngay trước phiên tòa, chị tiếp tục chịu nhiều áp lực trong công việc khi hoạt động kinh doanh gặp một số cản trở, vị trí kinh doanh không được sắp xếp ổn định như các hộ kinh doanh khác. |