Tại một hội nghị chuyên đề về án ma túy do VKSND TP.HCM tổ chức mới đây, Thiếu tá Mai Văn Linh, Phó phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an TP.HCM), cho biết: Công văn số 234 ngày 17-9-2014 của TAND Tối cao có nội dung khác quy định của BLHS hiện hành và Thông tư liên tịch số 17 ngày 24-12-2007 của Bộ Công an - VKSND Tối cao - TAND Tối cao - Bộ Tư pháp, gây khó khăn cho các cơ quan tố tụng khi giải quyết án ma túy.
Cụ thể, theo Thiếu tá Linh, các điều 193, 194, 195 BLHS hiện hành quy định khi xác định các chất ma túy là heroin hay chế phẩm heroin thìdựa vào trọng lượng chứ không cần xác định hàm lượngđể định khung hình phạt đối với người phạm tội. Tuy nhiên, Công văn 234/2014 lại hướng dẫn: Trong mọi trường hợp, khi thu giữ được các chất nghi là chất ma túy hoặc tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy thì đều phải trưng cầu giám định để xác định loại,hàm lượng, trọng lượng chất ma túy, tiền chất.
Tương tự, theo Thông tư liên tịch 17/2007, chỉ đối với các chất ma túy ở thể rắn được hòa thành dung dịch, sái thuốc phiện, thuốc hướng thần, tiền chất ma túy dùng sản xuất ma túy thì mới cần xác định hàm lượng. Tuy nhiên, Công văn số 234 lại hướng dẫn “trong mọi trường hợp” đều phải trưng cầu giám định để xác định hàm lượng. Như vậy, Công văn 234/2014 không chỉ “chỏi” với BLHS mà còn “chỏi” với cả Thông tư liên tịch số 17.
“Hiện nay, tại Việt Nam, để giám định hàm lượng chất ma túy thì chỉ có Viện Khoa học hình sự Bộ Công an. Riêng ở TP.HCM, trong một năm vừa qua, đối với án ma túy có đến 1.750 vụ, nếu tất cả dồn về Viện Khoa học hình sự để giám định thì cơ quan này không thể đáp ứng nổi. Từ đó, các cơ quan tố tụng có thể sẽ vi phạm về thời hạn tạm giữ nghi can vì phải chờ kết quả giám định. Đồng thời, nếu thực hiện đúng hướng dẫn trong Công văn 234/2014 thì có lẽ phải tuyên bố một số bị can, bị cáo đã từng bị khởi tố, truy tố, xét xử trước đây là không phạm tội” - Thiếu tá Linh nhấn mạnh.
Theo Công văn 234/2014 của TAND Tối cao, tất cả vụ án ma túy đều phải giám định hàm lượng. Trong ảnh: Một phiên xử các bị cáo phạm tội mua bán trái phép chất ma túy. Ảnh minh họa: P.DIỄM
Ông Bùi Xuân Cường (Phó Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án ma túy VKSND Tối cao) nhận xét: “Có lẽ nên có một cuộc họp liên ngành giữa Bộ Công an - VKSND Tối cao - TAND Tối cao để có tham mưu về Công văn 234/2014 nhằm tháo gỡ vướng mắc”.
Không đủ mẫu chuẩn để giám định Theo một lãnh đạo Viện Phúc thẩm 3 VKSND Tối cao, Công văn 234/2014 của TAND Tối cao “chỉ là văn bản mang tính nội bộ ngành tòa án, không thể cao hơn luật được”. Mới đây, lãnh đạo VKSND Tối cao đã có văn bản kiến nghị chánh án TAND Tối cao xem xét lại Công văn 234/2014. Trao đổi với chúng tôi, một số kiểm sát viên cho biết tại các hội nghị sơ kết một năm và ba năm thực hiện Thông tư liên tịch 17/2007 do VKSND Tối cao tổ chức, đại diện lãnh đạo các cơ quan tố tụng từ trung ương đến địa phương đều đề nghị bỏ quy định giám định hàm lượng. Về điều kiện kỹ thuật, hiện Bộ Công an không có đủ máy móc, phương tiện kỹ thuật, con người để thực hiện việc giám định hàm lượng chất ma túy ở tất cả địa phương, chỉ có Viện Khoa học hình sự được trang bị máy và cán bộ hình sự có khả năng giám định được hàm lượng chất ma túy. Tuy nhiên, tại Viện Khoa học hình sự cũng không đủ các mẫu chuẩn để đối chiếu nên không thể giám định hàm lượng của tất cả các chất, tiền chất ma túy. Nhiều vụ tòa trả hồ sơ Vì hướng dẫn trong Công văn 234/2014 của TAND Tối cao, ngày 28-10, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã phải hoãn xử, trả hồ sơ vụ Trần Thị Hòa cùng đồng phạm mua bán trái phép chất ma túy để yêu cầu VKS trưng cầu giám định hàm lượng chất ma túy. Trước đó, CQĐT và VKS trong vụ án này chưa trưng cầu giám định để xác định hàm lượng chất ma túy nên tại phiên xử nói trên, luật sư Đỗ Ngọc Oánh (Đoàn Luật sư TP.HCM, bào chữa cho các bị cáo) đã yêu cầu tòa hoãn xử, trả hồ sơ vì ảnh hưởng đến việc định khung hình phạt đối với thân chủ. Đề nghị của luật sư đã được HĐXX chấp nhận. Theo luật sư Oánh, chỉ trong mấy ngày gần đây, những vụ án ma túy mà ông nhận bào chữa chỉ định đều phải hoãn xử hoặc có thông báo hoãn của tòa vì lý do tương tự. |