Hướng dẫn mới về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

(PLO)- Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã hướng dẫn rất cụ thể về nguyên tắc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo Điều 585 BLDS 2015.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Kể từ ngày 1-1, Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP (Nghị quyết 02) hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLDS 2015 về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao chính thức có hiệu lực thi hành.

Nghị quyết này thay thế Nghị quyết 03/2006 và hướng dẫn chi tiết nhiều điểm mới của BLDS 2015.

Nhiều ví dụ cụ thể

Không chỉ nêu cách hiểu, cách áp dụng quy định của BLDS 2015 mà Nghị quyết 02 còn có những ví dụ rất chi tiết khi đưa ra các hướng dẫn về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Nghị quyết nêu ví dụ cụ thể về trách nhiệm bồi thường khi hai xe va chạm nhau nhưng chuyên gia cho rằng ví dụ này có thể làm phát sinh bất cập. Ảnh: NGUYỄN YÊN

Nghị quyết nêu ví dụ cụ thể về trách nhiệm bồi thường khi hai xe va chạm nhau nhưng chuyên gia cho rằng ví dụ này có thể làm phát sinh bất cập. Ảnh: NGUYỄN YÊN

Cụ thể, Điều 585 BLDS 2015 quy định một trong những nguyên tắc bồi thường thiệt hại là người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.

Ở đây, thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của người chịu trách nhiệm bồi thường được hiểu là trường hợp có căn cứ chứng minh rằng nếu tòa án tuyên buộc bồi thường toàn bộ thiệt hại thì không có điều kiện thi hành án.

Ví dụ, một người vô ý làm cháy nhà người khác gây thiệt hại 1 tỉ đồng. Người gây thiệt hại có tổng tài sản là 100 triệu đồng, thu nhập trung bình hằng tháng là 2 triệu đồng. Mức thiệt hại này được xác định là quá lớn so với khả năng kinh tế của người gây thiệt hại.

Một nguyên tắc khác cũng được áp dụng trong bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đó là bên bị thiệt hại có một phần lỗi đối với thiệt hại xảy ra thì không được bồi thường thiệt hại tương ứng với phần lỗi đó (khoản 4 Điều 585).

Nghị quyết 02 nêu ví dụ có thể áp dụng nguyên tắc này đó là trường hợp A và B cùng lái ô tô tham gia giao thông, xảy ra tai nạn do đâm va vào nhau dẫn đến A bị thiệt hại 100 triệu đồng. Cơ quan có thẩm quyền xác định A và B cùng có lỗi với mức độ lỗi của mỗi người là 50%. Trường hợp này, B phải bồi thường 50 triệu đồng cho A (50% thiệt hại).

Về tình tiết bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình (khoản 5 Điều 585 BLDS), tình tiết này được hiểu là trường hợp bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm biết, nhìn thấy trước việc nếu không áp dụng biện pháp ngăn chặn thì thiệt hại sẽ xảy ra và có đủ điều kiện để áp dụng biện pháp ngăn chặn, hạn chế được thiệt hại xảy ra nhưng đã để mặc thiệt hại xảy ra thì bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường thiệt hại.

Có thể lấy ví dụ, nhà của A bị cháy, B đỗ ô tô gần nhà A, B biết được nếu không di dời thì khả năng đám cháy sẽ lan sang làm cháy ô tô của B và B có điều kiện để di dời nhưng B đã bỏ mặc dẫn đến ô tô bị cháy. Trường hợp này, B không được bồi thường thiệt hại.

Trách nhiệm của chủ sở hữu khi tài sản gây thiệt hại

Điều 584 BLDS 2015 quy định trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại…

Người chiếm hữu mà không phải là chủ sở hữu thì phải bồi thường thiệt hại nếu đang nắm giữ, chi phối trực tiếp hoặc gián tiếp tài sản như chủ thể có quyền đối với tài sản tại thời điểm tài sản gây thiệt hại.

Theo Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao, việc áp dụng quy định trên được thực hiện theo nguyên tắc, người chiếm hữu mà không phải là chủ sở hữu thì phải bồi thường thiệt hại nếu đang nắm giữ, chi phối trực tiếp hoặc gián tiếp tài sản như chủ thể có quyền đối với tài sản tại thời điểm gây thiệt hại.

Lấy ví dụ, A là chủ sở hữu ô tô đã giao ô tô đó cho B, B lái ô tô tham gia giao thông gây tai nạn và gây thiệt hại thì cần phân biệt:

- Nếu A thuê B lái ô tô và trả tiền công cho B, việc sử dụng ô tô là do A quyết định. Trong trường hợp này, A là người chiếm hữu, chi phối đối với ô tô. Do đó, A phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

- Nếu A giao ô tô cho B thông qua hợp đồng cho thuê tài sản hợp pháp, việc sử dụng ô tô là do B quyết định. Trong trường hợp này, B là người chiếm hữu, chi phối đối với ô tô. Do đó, B phải bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Còn đối với chủ sở hữu tài sản thì khi tài sản gây thiệt hại sẽ phải bồi thường phần thiệt hại này trừ trường hợp người chiếm hữu phải chịu trách nhiệm như đã nêu trên. Chủ sở hữu tài sản được xác định tại thời điểm tài sản gây thiệt hại theo quy định của pháp luật. Trường hợp tài sản đang được giao dịch thì phải xác định thời điểm chuyển giao quyền sở hữu để xác định chủ sở hữu tài sản gây thiệt hại.

Ví dụ, A bán nhà cho B, hợp đồng mua bán nhà đã được công chứng, B đã giao 80% tiền mua nhà cho A nhưng chưa nhận nhà thì nhà bị cháy, cháy lan sang nhà C gây thiệt hại. Theo khoản 1 Điều 12 của Luật Nhà ở 2014 thì thời điểm chuyển giao quyền sở hữu là thời điểm bên mua đã thanh toán đủ tiền và nhận nhà, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp này, B chưa thanh toán đủ tiền và chưa nhận bàn giao nhà nên A chưa chuyển giao quyền sở hữu nhà cho B. Vì vậy, A vẫn là chủ sở hữu hợp pháp đối với ngôi nhà và phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho C.

Ví dụ cụ thể nhưng có thể lại làm phát sinh bất cập

GS-TS Đỗ Văn Đại, Trường ĐH Luật TP.HCM

GS-TS Đỗ Văn Đại, Trường ĐH Luật TP.HCM

Tôi là người được Bộ Tư pháp giao nhiệm vụ viết lại chương bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng và trước khi dự thảo sửa đổi BLDS 2015 được thông qua, tôi cũng là người được Quốc hội mời hoàn thiện dự thảo.

BLDS trước đây và hiện nay đều ghi nhận nguyên tắc bồi thường toàn bộ thiệt hại. Theo BLDS 2005 có hai cách hiểu: Thứ nhất, là toàn bộ thiệt hại xảy ra trong thực tế (dù chưa được hướng dẫn cụ thể ở một văn bản); thứ hai là toàn bộ thiệt hại được pháp luật quy định. Khi trình Bộ Tư pháp dự kiến sửa đổi BLDS, tôi đã thêm từ “thực tế” để khẳng định BLDS 2015 theo quan điểm thứ nhất. Vì vậy, Nghị quyết 02 giải thích theo hướng “là tất cả các thiệt hại thực tế xảy ra đều phải được bồi thường” là phù hợp với tinh thần của BLDS 2015.

Tương tự, nguyên tắc bồi thường “kịp thời” đã được ghi nhận trước đó nhưng chưa cụ thể. Nghị quyết 02 có điểm tiến bộ là hướng dẫn khá chi tiết về nguyên tắc này như buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ, cần giải quyết bồi thường ngay trong vụ án hành chính hay hình sự để bảo vệ tốt hơn người bị thiệt hại. Tuy nhiên, khi làm rõ nguyên tắc, nghị quyết có nêu “thiệt hại phải được bồi thường nhanh chóng nhằm ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại” là chưa thuyết phục vì bồi thường kịp thời không phải “nhằm ngăn chặn, hạn chế” mà để là nhằm nhanh chóng “khắc phục thiệt hại”.

Cạnh đó, khi làm rõ các nguyên tắc bồi thường, nghị quyết đưa ra một số ví dụ giúp tòa án dễ dàng hơn trong việc áp dụng giải quyết bồi thường. Tuy nhiên, các ví dụ có thể lại làm phát sinh bất cập.

Đơn cử như về bên bị thiệt hại có lỗi một phần, nghị quyết đưa ra ví dụ A và B cùng có lỗi bằng nhau khi lái ô tô đâm va vào nhau với hướng B phải bồi thường 50 triệu đồng cho A khi A có thiệt hại là 100 triệu đồng. Thực tế, khi va chạm nhau thì thường B cũng có thiệt hại. Giả sử B cũng bị thiệt hại với mức là 80 triệu đồng thì kết luận B bồi thường cho A khoản tiền 50 triệu đồng là không chính xác. Ở đây, A còn phải bồi thường cho B 40 triệu đồng nên cuối cùng B chỉ phải bồi thường cho A 10 triệu đồng (sau khi cấn trừ).

Hoặc ví dụ về ngăn chặn, hạn chế thiệt hại, nghị quyết hướng dẫn theo hướng B không có biện pháp ngăn chặn, hạn chế thì không được bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, không nên hiểu là B không được bồi thường thiệt hại trong mọi trường hợp vì chỉ thiệt hại mà B đáng ra ngăn chặn, hạn chế được mới không được bồi thường (thiệt hại khác của B vẫn có thể được bồi thường).

GS-TS ĐỖ VĂN ĐẠI, Trường ĐH Luật TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm