Hướng xử lý nào cho dự án thủy cung lấn biển tại Vũng Tàu?

Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu vừa tổ chức họp nghe các sở ngành báo cáo, cho ý kiến về một số vấn đề trọng điểm trên địa bàn mà dư luận, báo chí quan tâm. Trong đó có vấn đề công trình lấn biển để xây dựng dự án thủy cung Hòn Ngưu của công ty CP Du lịch Cáp treo Vũng Tàu ở biển Bãi Trước, TP.Vũng Tàu.

Tiến độ dự án chậm, còn một số sai phạm về đất đai

Theo Sở KH&ĐT, hạng mục thủy cung là một dự án thành phần của KDL Núi Lớn- Núi Nhỏ. Từ năm 1999 UBND tỉnh đã có quyết định giao nhiệm vụ chủ đầu tư xây dựng kinh doanh KDL Núi Lớn, Núi Nhỏ, TP Vũng Tàu cho công ty Xây dựng và Phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đầu tư dự án. Báo cáo tiền khả thi dự án được Bộ KH&ĐT thẩm định, được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận vào năm 2002.

Năm 2003, UBND tỉnh có quyết định chuyển đổi chủ đầu tư dự án này bao gồm hạng mục cáp treo và các loại hình vui chơi, giải trí sang cho công ty CP Du lịch Cáp treo Vũng Tàu. UBND tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư vào năm 2007.

Tiến độ dự án từ 2004 đến 2015. Hạng mục thủy cung Hòn Ngưu và một số hạng mục khác dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2, từ 2009 đến năm 2012 phải xong. Trong năm 2018, 2019, UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch dự án cho công ty Cáp treo Vũng Tàu, diện tích dự án hiện là khoảng 94 ha.

San gạt nền biệt thự trên Núi Lớn trong dự án của công ty Cáp treo

Đến nay Sở Xây dựng thực hiện việc cấp GPXD cho một số hạng mục của dự án như đê kè chắn sóng, san lấp mặt bằng giai đoạn 2 nhà ga cáp treo và thủy cung Hòn Ngưu, nhà trưng bày anh hùng dân tộc, Nhạc nước Hồ Mây, riêng hồ chứa nước phòng cháy chữa cháy đang thẩm định thiết kế, tổ chức thi công sau khi hoàn thiện thủ tục đất đai…

Về báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) sau khi điều chỉnh quy hoạch 1/500, UBND tỉnh đã phê duyệt ĐTM đối với dự án Hồ Mây Park (trên Núi Lớn) năm 2018 và ĐTM riêng cho dự án cụm dịch vụ ga cáp treo và thủy cung Hòn Ngưu.

Theo báo cáo của Cục thuế tỉnh, tính đến 10-9-2019, số tiền thuê đất của công ty được tạm tính là khoảng 13,9 tỉ. Trong đó, công ty đã nộp 4,3 tỉ, còn nợ 9,5 tỉ, số tiền chậm nộp là 8,7 tỉ. Hiện chủ đầu tư đã đưa vào hoạt động hạng mục KDL Hồ Mây, cáp treo, nhà bán vé, nhà hàng, đang triển khai xây dựng khu thủy cung Hòn Ngưu và khu nhà dịch vụ cáp treo; san lấp mặt bằng khu biệt thự núi, chưa hoàn tất các thủ tục khu A- Núi Nhỏ. Như vậy tiến độ thực hiện dự án chậm so với giấy chứng nhận đầu tư đã cấp….

Sẽ chỉ có một dự án thủy cung tại Vũng Tàu

Ông Mai Trung Hưng, phó giám đốc Sở Xây dựng vẫn khẳng định dự án thủy cung thực hiện đúng quy hoạch và đây là một dự án được xem xét kỹ, là sản phẩm du lịch độc đáo cho Vũng Tàu nếu triển khai đúng tiến độ, quy hoạch. “Thực tế ở một số khu vực biển Vũng Tàu là bãi đá, không thể tắm tỉnh đã đồng ý chủ trương đầu tư một số dự án như Lan Rừng, Marina Bay Vũng Tàu…vừa tạo cảnh quan, vừa góp phần tạo điểm đến cho du khách. Khu vực dự án Hòn Ngưu biển chỉ là bãi đá như trên. Tuy nhiên dư luận đặt vấn đề nghi ngờ năng lực, bức xúc vì cho rằng chủ đầu tư đầu tư một số hạng mục trước đó chưa được như kỳ vọng.

Ngoài ra, một số ý kiến khác cũng cho rằng băn khoăn về năng lực chủ đầu tư là có cơ sở, bởi trước đây, công ty Cáp treo có nhiều sai phạm trong thực hiện dự án Hồ Mây, đến nay vẫn chưa khắc phục. Ngoài ra còn một số vi phạm về đất đai như lấn chiếm 1.800 m2 đất. Qua đó, cần rà soát lại các thủ tục thực hiện dự án, đồng thời tổ chức hội thảo lắng nghe ý kiến của các nhà chuyên môn về kiến trúc, môi trường dòng chảy để có quyết định phù hợp nhất.

Sau khi nghe báo cáo của các sở ngành và ý kiến của các thành viên trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh, nhu cầu về sản phẩm du lịch của TP Vũng Tàu là rất lớn. Tuy nhiên, việc thực hiện dự án thủy cung phải được đánh giá kỹ về quy hoạch, kiến trúc cảnh quan, tác động môi trường.

Ông Lĩnh cũng ghi nhận các ý kiến người dân đóng góp cho dự án. Ông nhấn mạnh, việc giải quyết vụ việc cũng phải hài hòa giữa yếu tố lịch sử và yếu tố tương lai, phải nhất quán trong phát triển bền vững song song với bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp. Do đó yêu cầu về quy hoạch phải chuẩn, thủ tục về đất đai, đánh giá tác động môi trường phải kỹ lưỡng. Quan trọng nữa là phải đảm bảo không gian mở của dự án để không hạn chế quyền của người dân đối với việc tiếp cận không gian tự nhiên vốn có của TP Vũng Tàu.

Vị trí đất công ty cáp treo dự kiến xây dựng khách sạn 23 tầng nằm phía sau nhà ga hiện hữu

Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị UBND tỉnh xem xét không cho phép xây dựng tổ hợp khách sạn 23 tầng trong dự án này. Do Vũng Tàu có rất nhiều chỗ để xây khách sạn cao tầng và không nhất thiết phải có khách sạn cao tầng tại đây. Tỉnh yêu cầu chủ đầu tư phải khắc phục các sai phạm mà cơ quan chức năng đã chỉ ra trong vòng 2 tháng và phải chứng minh năng lực cam kết đảm bảo thực hiện đúng tiến độ dự án. Về phía cơ quan chức năng cũng phải kiểm tra lại đánh giá tác động môi trường của dòng chảy khi thực hiện dự án và chậm nhất trong vòng 2 tháng nữa báo cáo Ban Thường vụ cho ý kiến có tiếp tục dự án nữa hay không.

Ông Lĩnh cũng đề nghị UBND tỉnh không cấp phép làm các dự án thủy cung khác tại TP Vũng Tàu như báo chí phản ánh. Bởi ông cho rằng Vũng Tàu đang rất cần sản phẩm du lịch như thủy cung. Nếu chủ đầu tư khác chỉ vẽ dự án, chưa thực hiện thì không biết đến bao giờ Vũng Tàu mới có một sản phẩm như vậy.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới