Người dân xã Phước Vinh (Châu Thành, Tây Ninh) đã phản ánh nhiều lần với xã: Các ghe hút cát trên đoạn sông này đang gây sạt lở. Khi người dân ra xua đuổi thì các ghe này lánh đi nhưng lúc người dân nghỉ mệt hoặc ban đêm, các ghe lại rầm rộ hút cát.
Lở bờ dần dần
Ông Nguyễn Văn Điệp (72 tuổi, ấp Phước Lộc) có 1 ha ruộng nằm sát bờ sông đang bị sạt lở, sông đang gặm vào ruộng ông tới 5 m, kéo dài gần trăm mét. Ông cho biết ban đầu con cháu ông ra giữ ruộng thì ghe cát bỏ đi hút đoạn khác nhưng khi về nhà thì các ghe quay lại hút ngày đêm. Sau đó ông “thỏa hiệp” với Công ty Trường Thắng (là công ty khai thác cát ở đây), ký hợp đồng hút cát ở điểm cách bờ ruộng 20 m, giá trị hợp đồng là 15 triệu đồng/ha, nếu sạt lở không bồi thường gì thêm.
Một số người dân cũng làm như ông bởi: “Ký hay không thì công ty vẫn cứ khai thác, trước sau cũng lở bờ, ai không ký thì chịu thiệt!”.
Sông Vàm Cỏ sạt lở, gặm gần năm công đất của ông Nguyễn Văn Điệp. Ảnh: HM
Vợ chồng ông Nguyễn Văn Tám cho biết: Gia đình ông có 2,7 công đất thổ cư dọc theo bờ sông thuộc khu vực bến Băng Dung. Khoảng 6-7 tháng nay, từ khi Công ty Trường Thắng bắt đầu hút cát ở đoạn sông này, đất của gia đình nhà ông cứ từ từ hạ thấp xuống. Nền chuồng heo, chuồng bò giáp bờ sông dù được đổ xi măng nhưng phía dưới đã bị lõm vô theo kiểu hàm ếch. Vợ chồng ông Tám lo ngại không biết khi nào nhà cửa bị cuốn xuống sông. Vợ ông lo lắng: “Nó sạt theo kiểu hạ thấp lớp đất xuống từ từ. Nhờ Nhà nước can thiệp giùm chứ hút cát kiểu này chết dân hết rồi, có bề gì tui không biết chỗ đâu ở”.
Lãnh đạo xã Phước Vinh cho biết: Dọc theo khu vực các ấp Phước Lộc, Phước Trung thuộc xã Phước Vinh hiện có hơn 30 hộ dân bị thiệt hại do sạt lở. Đa số các hộ này đều đã ký hợp đồng “bán” cho công ty khai thác. Theo hợp đồng, vị trí khai thác phải cách bờ sông là 20 m nhưng hễ cứ chỗ nào có cát là công ty tập trung hút. Nhiều khi ghe để ngoài sông nhưng ống hút cát lại đưa vào tận bên trong giáp bờ ruộng. Tình trạng này đã diễn ra hơn năm nay nhưng địa phương rất khó quản lý.
“Lỡ” ký hợp đồng
Cũng vì “lỡ” ký nên ông Điệp không thể khiếu nại vì cho rằng mình không có quyền khiếu nại nhưng ông bức xúc: “Hợp đồng ghi phải hút cách bờ 20 m nhưng chúng tôi đâu có theo giữ hoài được. Nếu mình không bán cũng không được vì nó lén cho ghe hút vào nửa đêm”.
Ông Dương Tấn Lực, có đất nằm ở bên kia sông thuộc ấp Rạch Tre, xã Biên Giới, cho biết nhà ông cũng bán đất cho Công ty Trường Thắng. Nhưng giá bán không tính theo diện tích đất mà tính theo khối lượng cát khai thác. Giá bán là 5.000 đồng/khối cát.
Chúng tôi liên hệ với ông Trần Văn Thon, quản lý của Công ty Trường Thắng, ông Thon cho biết: “Tôi chỉ là người làm mướn cho Công ty Trường Thắng, còn giám đốc ở TP.HCM. Trong quá trình đi khai thác cát công ty có ký hợp đồng với người dân địa phương, vô sâu 10 m. Công ty đã ký hợp đồng khai thác hai lần với ông Điệp với giá 200.000 đồng/m, với tổng số tiền 30 triệu đồng để mua 60 m ruộng dọc bờ sông Vàm Cỏ. Trước đây lấy nhiều nhưng chỗ đất của ông Điệp công ty chỉ khai thác có năm tháng rồi ngưng, lâu rồi mới sạt”.
Khi được hỏi công ty có biện pháp gì để khắc phục hoặc ngăn bờ sông sạt lở, ông Thon trả lời: “Bên công ty đã ký quỹ phục hồi môi trường nộp cho ngân hàng rồi”.
H.MINH - N.HOÀNG
Chính quyền xã bó tay Ngay sau khi nhận được phản ánh của người dân, UBND xã Phước Vinh đã liên lạc với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Châu Thành để cùng kết hợp kiểm tra. Công ty Khai thác cát Trường Thắng hoạt động nhưng giấy phép còn hiệu lực hay không và có sang nhượng cho ai khác thì địa phương không nắm được. Giấy phép khai thác của Công ty Trường Thắng là do tỉnh cấp. Công ty này xuống khai thác rồi tự chuyển nhượng cho công ty khác, địa phương không nắm được. Chỉ biết hiện tại hoạt động khai thác cát vẫn đang diễn ra. Ông Đỗ TRỌNG DÂN, Chủ tịch UBND xã Phước Vinh |