Chiều 9-7, sau hai ngày xét xử, TAND tỉnh Phú Yên tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND TP Tuy Hòa xử vụ án năm công an đánh chết anh Ngô Thanh Kiều để điều tra, xét xử lại. Đây cũng là nội dung kháng nghị của VKSND tỉnh Phú Yên và đề nghị của kiểm sát viên tại phiên tòa phúc thẩm.
Cấp sơ thẩm có sai phạm nghiêm trọng
HĐXX cho rằng từ 8 giờ đến 14 giờ ngày 13-5-2012, tại phòng làm việc của Đội Điều tra tổng hợp Công an TP Tuy Hòa, trong quá trình lấy lời khai anh Ngô Thanh Kiều, các bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành, Nguyễn Minh Quyền, Phạm Ngọc Mẫn, Nguyễn Tấn Quang và Đỗ Như Huy đã dùng dùi cui cao su đánh nhiều lần vào người anh Kiều, làm nạn nhân chết. Hành vi này thuộc trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Theo tòa, mặc dù các bị cáo không có mặt cùng lúc nhưng từng bị cáo đều biết và thấy các bị cáo khác dùng dùi cui cao su đánh anh Kiều. Các bị cáo không có hành động ngăn cản mà trái lại còn tiếp tục dùng dùi cui đánh anh Kiều là thể hiện ý thức tiếp thu ý chí của nhau, cùng thực hiện một tội phạm nên các bị cáo phải chịu chung hậu quả đối với cái chết của anh Kiều.
Năm bị cáo công an đang nghe tòa tuyên án. Ảnh: TẤN LỘC
Hành vi của các bị cáo Quyền, Mẫn, Quang, Huy có dấu hiệu phạm tội dùng nhục hình theo khoản 3 Điều 298 BLHS (giống bị cáo Thành) nhưng cấp sơ thẩm chưa điều tra, xử lý là sai phạm nghiêm trọng trong việc áp dụng luật.
Tòa cũng nhận định với chức trách nhiệm vụ của mình, khi tiến hành hoạt động điều tra (vụ trộm mà anh Kiều là nghi can), lãnh đạo ban chuyên án đã thiếu trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra để xảy ra hành vi trái pháp luật, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Hành vi này có dấu hiệu vi phạm nên cũng cần điều tra làm rõ để xử lý cho phù hợp.
Ngoài ra, việc điều tra ở cấp sơ thẩm còn nhiều thiếu sót, cấp phúc thẩm không thể bổ sung được. Do đó, tòa cho rằng đề nghị hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại của kiểm sát viên là có cơ sở.
đề nghị khởi tố lãnh đạo công an, VKS
Trước đó, trong phần tranh luận, một lần nữa luật sư Võ An Đôn (bảo vệ cho gia đình người bị hại) đề nghị khởi tố ông Lê Đức Hoàn, Phó Công an TP Tuy Hòa, ba tội gồm: Bắt giữ người trái pháp luật, giết người với vai trò đồng phạm và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Luật sư Đôn cho rằng ông Hoàn đã chỉ đạo bắt giữ anh Kiều trái pháp luật; biết và nhìn thấy cấp dưới đánh anh Kiều nhưng không can thiệp; là trưởng ban chuyên án trực tiếp chỉ đạo cán bộ cấp dưới lấy lời khai nhưng để cho cấp dưới đánh anh Kiều đến chết, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Cạnh đó, lần đầu tiên luật sư Đôn đề nghị khởi tố ông Lê Minh Chánh (Viện trưởng VKSND TP Tuy Hòa) tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội, lý do ông Chánh biết ông Hoàn vi phạm pháp luật nhưng cố tình bao che. Ngoài ra, theo luật sư Đôn, ông Chánh có dấu hiệu sửa hồ sơ vụ án, tùy tiện thay đổi cáo trạng để giảm khung hình phạt truy tố các bị cáo dù nội dung vụ án hoàn toàn không có gì mới. Chưa kể, TAND TP Tuy Hòa đã hai lần trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung nhưng VKSND TP Tuy Hòa không thực hiện.
Tranh luận, đại diện VKS cho rằng không có bản án hay chứng cứ nào khẳng định ông Chánh cố tình bao che, bỏ lọt tội phạm. Theo đại diện VKS, viện trưởng VKS có quyền hủy bỏ cáo trạng không đúng quy định pháp luật của viện phó.
Về đề nghị khởi tố ông Lê Đức Hoàn, kiểm sát viên chỉ chấp nhận ông Hoàn có dấu hiệu phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. “Ngô Thanh Kiều là nghi can của vụ trộm nên việc bắt giữ là cần thiết, đúng pháp luật. Tại phiên tòa này, mặc dù ông Lê Đức Hoàn thừa nhận có kiểm tra, đôn đốc các cán bộ công an lấy lời khai Kiều, bị cáo Thành nói có thấy ông Hoàn trong phòng Điều tra tổng hợp nhưng không có căn cứ chứng minh ông Hoàn phạm tội dùng nhục hình” - kiểm sát viên lập luận.
Ngoài ra, đại diện VKS cũng bác bỏ đề nghị của gia đình người bị hại về đổi tội danh từ dùng nhục hình thành giết người đối với các bị cáo. Theo VKS, việc truy tố năm bị cáo tội dùng nhục hình là đúng pháp luật bởi đây là các trinh sát viên, điều tra viên phạm tội khi đang hoạt động điều tra tội phạm. Tuy nhiên, cả năm bị cáo phải cùng bị truy tố khoản 3 Điều 298 BLHS chứ không phải chỉ mỗi bị cáo Thành.
TẤN LỘC
Cần khởi tố tội bắt giữ người trái pháp luật Tôi thấy việc tòa phúc thẩm hủy án sơ thẩm là điều tất yếu, bởi cấp sơ thẩm có quá nhiều sai sót, nhất là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Trong quá trình điều tra lại, nếu phát hiện tội phạm mới thì phải khởi tố và không nhất thiết phải theo tội danh cũ. Nói gì thì nói, trong vụ này dứt khoát phải khởi tố tội bắt giữ người trái pháp luật, nếu không chỉ thực hiện luật pháp nửa vời. Hành vi bắt người trái pháp luật trong vụ này thể hiện rất rõ. Tại sao bảo chỉ là mời làm việc mà còng tay, bắt người ra đi từ 3 giờ sáng? Bắt người mà không hề có lệnh bắt, không có biên bản hay giấy tờ gì cả. Việc bắt giữ người trái pháp luật này đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nên càng phải chịu trách nhiệm. Ngoài việc xem xét hành vi thiếu trách nhiệm của ông Hoàn, theo tôi cần phải xem xét hành vi bắt giữ người trái pháp luật đối với ông này. Luật sư NGUYỄN KHẢ THÀNH, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên 72 vết thương do ai gây ra? Theo tôi, cần thay đổi toàn bộ điều tra viên trước đây để đảm bảo khách quan, không bỏ sót người, lọt tội. Qua theo dõi, tôi thấy cấp sơ thẩm đã cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án. Việc điều tra ở cấp sơ thẩm có dấu hiệu mớm cung, dụ cung, để xảy ra thông cung, dẫn đến việc truy tố, xét xử thiếu khách quan. Khi điều tra lại, một vấn đề khác cần làm rõ là vì sao nạn nhân có đến 72 vết thương nhưng các bị cáo khai chỉ đánh hơn 20 cái. Dù có mất mát, hy sinh bao nhiêu cán bộ, chiến sĩ công an cũng phải làm, phải xử lý nghiêm minh để làm gương cho những người khác. Ông NGUYỄN VĂN THÂN, nguyên cán bộ công an, |