Hủy di chúc gây tranh cãi

Năm 1994, mẹ của bà L. và bà Nh. làm di chúc để lại một căn nhà cho bà Nh. sở hữu. Sau khi người mẹ mất, bà L. khởi kiện yêu cầu tòa hủy di chúc, cho rằng nó không hợp pháp vì chỉ có công chứng viên chứng nhận mà không có người làm chứng.

Mọi di chúc đều phải có người làm chứng?

Xử sơ thẩm hồi tháng 8-2007, TAND TP Đà Lạt (Lâm Đồng) đã bác yêu cầu của bà L., công nhận tính hợp pháp của bản di chúc. Tháng 3-2008, TAND tỉnh Lâm Đồng xử phúc thẩm cũng giữ nguyên án sơ thẩm.

Bà L. khiếu nại giám đốc thẩm. Tháng 10-2008, Tòa Dân sự TAND Tối cao có văn bản trả lời rằng hai cấp tòa sơ, phúc thẩm đã xét xử có căn cứ, đúng luật. Bởi lẽ Điều 14 Pháp lệnh Thừa kế quy định trong trường hợp người lập di chúc không đọc được, không ký hoặc điểm chỉ được thì mới phải nhờ người làm chứng xác nhận. Cạnh đó, Điều 661 BLDS năm 1995 và Điều 658 BLDS năm 2005 cũng quy định chỉ khi người lập di chúc không đọc, không nghe, không ký tên, không điểm chỉ được thì mới cần người làm chứng. Trong vụ này, mẹ của hai bên đương sự đã nghe đọc lại di chúc và điểm chỉ trước sự chứng kiến của công chứng viên nên bản di chúc hợp pháp.

Sau công văn trả lời khiếu nại khá rõ này của Tòa Dân sự TAND Tối cao, Chi cục Thi hành án dân sự TP Đà Lạt lên kế hoạch thi hành án. Bất ngờ khi chỉ còn sáu ngày nữa là hết thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm, một vị phó chánh án TAND Tối cao đã ký quyết định kháng nghị theo hướng hủy cả hai bản án, trả hồ sơ cho cấp sơ thẩm xét xử lại từ đầu. Theo kháng nghị, tờ di chúc trên không có người làm chứng nên không hợp pháp.

Hủy di chúc gây tranh cãi ảnh 1

Đến nay vụ việc vẫn đang gây tranh cãi. Luồng quan điểm thứ nhất cho rằng trong mọi trường hợp, bản di chúc phải có người làm chứng thì mới hợp pháp. Luồng quan điểm thứ hai phổ biến hơn thì đồng tình với cách hiểu của hai cấp tòa sơ, phúc thẩm và Tòa Dân sự TAND Tối cao là chỉ trong trường hợp người lập di chúc không đọc được, không ký hoặc điểm chỉ được thì mới cần có người làm chứng.

Những lập luận thiếu thuyết phục

Ông NTS có hai đời vợ với tổng cộng sáu người con (bốn với vợ trước, hai với vợ sau). Từ khi ông sống với bà Đ. - người vợ sau năm 1979, họ tạo lập được hai căn nhà cùng một số tài sản khác. Năm 2005, họ cùng lập di chúc (được UBND phường chứng thực) với nội dung để lại toàn bộ hai căn nhà… cho hai con chung của họ. Năm 2006, ông S. mất. Bà Đ. cùng hai con lập văn bản khác thỏa thuận phân chia phần di sản mà ông để lại.

Bốn năm sau, một người con vợ trước của ông S. khởi kiện yêu cầu TAND TP.HCM công nhận bốn anh chị em mình là đồng thừa kế hàng thứ nhất đối với phần di sản ông S. để lại. Nguyên đơn cũng yêu cầu tòa hủy văn bản thỏa thuận chia di sản giữa bà Đ. và hai con của bà, hủy quyền thừa kế của họ và phân chia phần di sản của ông S.

Xử sơ thẩm hồi tháng 6-2011, TAND TP.HCM chấp nhận hủy bỏ văn bản thỏa thuận chia di sản thừa kế mà bà Đ. cùng hai con của bà lập nhưng không chấp nhận hủy bỏ quyền thừa kế của họ, không phân chia di sản do ông S. để lại.

Xử phúc thẩm mới đây, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã đưa ra các lập luận để cho rằng bản di chúc do ông S. và bà Đ. lập là không hợp pháp: Di chúc có hai trang in rời thành hai tờ giấy nhưng người chứng thực chỉ ký tên ở tờ thứ hai. Mặt khác, cả ông S. lẫn bà Đ. đều biết chữ nhưng lại không tự đọc di chúc mà để cho người làm chứng đọc... Từ đó, tòa hủy di chúc và chia phần di sản của ông S. thành bảy phần cho bà Đ. và sáu người con.

Theo một thẩm phán Tòa Dân sự TAND TP.HCM, việc tòa phúc thẩm cho rằng di chúc không hợp pháp vì có hai trang in rời thành hai tờ giấy nhưng người chứng thực chỉ ký tên ở tờ thứ hai là thiếu thuyết phục. Bởi lẽ bản di chúc có đóng dấu giáp lai hai trang, trong khi Nghị định 75 ngày 8-12-2000 của Chính phủ (về công chứng, chứng thực) quy định việc chứng thực di chúc chỉ cần đóng dấu giáp lai và người chứng thực chỉ cần ký ở trang cuối.

Cạnh đó, tòa phúc thẩm bắt bẻ chuyện hai người lập di chúc đều biết chữ nhưng họ không tự đọc di chúc mà để cho người làm chứng đọc là vô lý. Bởi lẽ Nghị định 75 và các văn bản pháp luật khác không hề có quy định cấm người làm chứng đọc lại di chúc cho người lập di chúc nghe.

Dùng nhật ký để hủy di chúc

Một lập luận khác mà tòa phúc thẩm đưa ra để hủy bản di chúc của ông S. và bà Đ. là trước khi lập di chúc, tháng 10-2005, ông S. ghi nhật ký rằng dự kiến sẽ giao một căn nhà cho hai người con của mình với bà Đ. Song nội dung bản di chúc mà ông S. và bà Đ. lập lại thể hiện ông S. giao cả hai căn nhà… Sau đó, khi viết tiếp nhật ký, ông S. chỉ ghi đã lập di chúc xong mà không hề đề cập đến sự thay đổi so với ý định ban đầu. Điều này cho thấy bản di chúc không phù hợp với ý chí, nguyện vọng của ông S. đã được ông ghi trong nhật ký...

Theo luật sư Phạm Tất Thắng (Đoàn Luật sư TP.HCM), tòa sử dụng nhật ký của ông S. để hủy di chúc là không đúng. Việc lập di chúc tuân thủ đúng luật, đã được UBND chứng thực và lưu trữ, trong khi nhật ký chỉ là văn bản viết tay, chưa được chứng nhận, chưa qua quá trình xác định, đánh giá. Chưa kể, việc ông S. thay đổi ý định ban đầu là bình thường. Pháp luật cũng không hề có quy định nào buộc ông phải ghi chi ly trong nhật ký về việc thay đổi ý định thì di chúc mới hợp pháp cả.

Chú ý di chúc liên quan đến nhà, đất

Điều kiện hợp pháp của di chúc như hình thức, nội dung, ý chí của người lập di chúc…, luật nước ta quy định cũng gần giống luật các nước. Tuy nhiên, nhà làm luật nước ta dường như chưa chú ý đến di sản người dân để lại trong di chúc nhiều nhất là nhà, đất. Đây là loại tài sản mà ở ta chưa ổn định như các nước khác. Nhà, đất được điều chỉnh bằng một hệ thống văn bản luật thiếu thống nhất, đôi khi có sự chồng chéo… Vì vậy, cần thiết phải có một văn bản dưới luật hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn về di chúc có nội dung liên quan đến di sản là nhà, đất.

Luật gia ĐẶNG ĐÌNH THỊNH, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Hội Luật gia Việt Nam

Tính hợp pháp của di chúc

Pháp luật cho phép nhiều loại di chúc: Di chúc miệng, di chúc bằng văn bản có chứng thực và không có chứng thực. Với di chúc không chứng thực thì còn được chia ra làm hai loại là có người làm chứng hay không. Một di chúc hợp pháp khi thỏa mãn các điều kiện quy định tại Điều 652 BLDS như người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc, không bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép. Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội, hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật...

Thẩm phán TRƯƠNG CÔNG HUẤN, TAND quận 11 (TP.HCM)

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm