Nguồn tin củaPháp Luật TP.HCM cho hay: Ngày 12-6, VKSND tỉnh Đồng Nai đã có Quyết định số 645/QĐ-VKS-P3 về việc hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với công ty Thuận Phong.
Quyết định này do Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Đồng Nai Trần Trung Nhân ký thay viện trưởng.
Quyết định này nói rõ: Hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án hình sự số 23/QĐ-PC46 của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai để tiếp tục điều tra theo quy định của BLTTHS.
Một cuộc kiểm tra phân bón của Công ty Thuận Phong
Trước đó, ngày 31-5, VKSND Tối cao cũng có văn bản yêu cầu hủy Quyết định không khởi tố vụ án hình sự để tiếp tục điều tra làm rõ việc nhập khẩu phân bón hiệu Zap của Công ty Thuận Phong.
Theo thông tin của Pháp Luật TP.HCM, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai trước đây đã căn cứ vào kết luận của Bộ Công an về xử lý vụ việc liên quan đến Công ty Thuận Phong, căn cứ khoản 2 Điều 107 cũng như Điều 34, Điều 108 BLTTHS để quyết định không khởi tố vụ án này.
Ngày 9-6, trong phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội về tình hình kinh tế-xã hội, nhiều đại biểu đã đề cập đến tình trạng phân bón giả.
Đặc biệt, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đã đề cập cụ thể đến vụ án này. Đại biểu Cương nói: “Sản xuất phân bón giả phải coi là tội ác với nông dân. Ấy vậy mà vụ việc sản xuất phân bón giả của Công ty Thuận phong được 6 bộ khẳng định mà sau nhiều năm vẫn chưa bị xử lý”.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương trong phiên thảo luận kinh tế-xã hội tại Quốc hội ngày 9-6 đã gọi vụ này là "kỳ án Thuận Phong"
Đại biểu Cương gọi đây là “kỳ án” và nói tiếp: “Một vụ việc mà hai đồng chí Phó Thủ tướng thường trực của hai nhiệm kỳ Chính phủ phải có nhiều văn bản chỉ đạo, chủ trì nhiều cuộc họp để chỉ đạo, rồi các Bộ có liên quan đều khẳng định Công ty Thuận Phong sản xuất phân bón giả nhưng rốt cuộc cho đến nay vẫn không bị khởi tố”.
Gửi ý kiến của mình tới Chính phủ, đại biểu Cương nói: “Tôi mong Chính phủ giúp tôi câu trả lời để không phải “chuyển câu trả lời cho nhiệm kỳ kế tiếp” như Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đã nói tại nhiệm kỳ trước”.