Huyện qua mặt tỉnh cho thuê đất… giá bèo

Ngày 25-6, ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, đã ký kết luận thanh tra về sai phạm nghiêm trọng của UBND huyện Tuy Phong trong việc giao đất nhà nước trái pháp luật với giá rẻ mạt cho một doanh nghiệp.

Bất chấp cảnh báo của cơ quan tham mưu

Theo đó, chủ tịch UBND tỉnh giao Thanh tra tỉnh chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc sang Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận để tiếp tục điều tra dấu hiệu tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai theo Điều 229 BLHS 2015.

Đây là vụ việc xảy ra từ năm 2016, 2017. Theo đó, UBND huyện Tuy Phong đã bất chấp góp ý, đề xuất, ngăn cản của các ngành, cơ quan tham mưu, thậm chí đã cố tình qua mặt cả Ban Thường vụ Huyện ủy, qua mặt UBND tỉnh, vi phạm các quy định của pháp luật khi đem hơn 41 ha đất cho một đại gia thuê với giá rẻ mạt.

Cụ thể, theo kết luận thanh tra, tháng 5-2016, ông NHA (một đại gia ở quận 1, TP.HCM) có đơn gửi UBND huyện Tuy Phong thuê 62 ha tại khu vực Láng Lớn, xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong để trồng cỏ, bắp, chăn nuôi bò thịt.

Trong tổng số diện tích 62 ha mà ông NHA xin cấp đất có 37 ha đất của Nhà nước quản lý, khoảng 18 ha đất của UBND huyện cho các hộ dân thuê và 7 ha là đất sản xuất nông nghiệp của các hộ dân đang canh tác. Toàn bộ diện tích này theo quy hoạch đã được UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt là đất trồng cây lâu năm.

Phát hiện mục đích xin thuê đất không đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nên các ban, ngành ở huyện Tuy Phong đã có nhiều văn bản góp ý, ngăn chặn.

Cụ thể, Phòng NN&PTNT đã có công văn nêu ý kiến khu vực đất ông NHA xin thuê nằm ngoài quy hoạch phát triển chăn nuôi của UBND tỉnh. Phòng Tài chính Kế hoạch huyện cũng đã có công văn nêu ý kiến với UBND huyện trước khi cho thuê đất cần phải điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cho phù hợp; kiến nghị UBND tỉnh bổ sung 62 ha vào quy hoạch phát triển chăn nuôi của tỉnh đến năm 2020…

Riêng Phòng TN&MT huyện khẳng định việc cho thuê đất ở khu vực trên để lập dự án chăn nuôi là không phù hợp.

Xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, Bình Thuận nơi xảy ra vụ việc. Ảnh: PN

Giá thuê 100 m2 đất chưa mua nổi trái bắp

Thế nhưng bất chấp những ý kiến trên, UBND huyện Tuy Phong vẫn có công văn gửi Ban Thường vụ Huyện ủy xem xét, chấp thuận, thống nhất chủ trương cho ông NHA thuê hơn 41 ha ở khu vực Láng Lớn để chăn nuôi bò.

Tháng 12-2016, Ban Thường vụ Huyện ủy có thông báo kết luận, thống nhất chủ trương trên, tuy nhiên thòng theo yêu cầu UBND huyện phải có báo cáo dự án này cho Sở NN&PTNT tỉnh biết.

Đến ngày 19-5-2017, chỉ trong một ngày, UBND huyện Tuy Phong đã có quyết định cho ông NHA thuê 417.634 m2 (hơn 41 ha) ở khu vực Láng Lớn, xã Vĩnh Hảo để chăn nuôi và ký cấp luôn hai giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thời hạn sử dụng đất 50 năm với hình thức thuê đất trả tiền hằng năm.

Kiểm điểm, xử lý các cá nhân, tập thể liên quan

Ngoài việc giao Thanh tra tỉnh chuyển hồ sơ cho Cơ quan CSĐT Công an tỉnh điều tra các dấu hiệu tội phạm trong việc giao 41 ha đất giá rẻ trên, chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cũng yêu cầu ông Huỳnh Văn Điển, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong, chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan trong việc cho thuê đất, thực hiện không đúng quy định pháp luật về đất đai, pháp luật về đầu tư. 

Sau đó, ông NHA liền ký hợp đồng thuê đất và nộp tiền thuê với số tiền 13.400.000 đồng/năm, nhận bàn giao đất tại thực địa.

Nhiều cán bộ và người dân ở huyện Tuy Phong cho biết: Với giá cho thuê đất trên thì chỉ là 32 đồng/m2/năm. Tức 100 m2 chỉ có giá 3.200 đồng, chưa mua được một trái bắp nướng, trong khi giá đất thời điểm trên tại khu vực này do UBND tỉnh quy định đã là 10.500 đồng/m2.

Theo kết luận thanh tra, trường hợp của ông NHA phải thực hiện thủ tục lập dự án đầu tư trước; phải có quyết định chủ trương đầu tư của UBND tỉnh, sau đó mới thực hiện thủ tục giao thuê đất. Tuy nhiên, qua kiểm tra hồ sơ, dự án chăn nuôi bò này chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư. Mặt khác, khu vực này không phù hợp với quy hoạch và điều kiện phát triển chăn nuôi.

Được biết, dự án này nằm dọc theo tuyến kênh dẫn nước từ đầu nguồn hồ Đá Bạc đưa nước ngọt về phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho người dân. “Thế nhưng UBND huyện Tuy Phong vẫn ban hành quyết định cho thuê đất là thực hiện không đúng Luật Đầu tư năm 2014; không đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được UBND tỉnh phê duyệt và trái với quy định tại Điều 52 Luật Đất đai năm 2013” - kết luận thanh tra nhấn mạnh.

Người ký hợp đồng cho thuê đất đã bị bắt

Liên quan đến vụ cho thuê 41 ha trên, trước đó, sau khi nhận đơn tố cáo của các hộ dân, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đã có văn bản gửi chủ tịch UBND tỉnh về việc UBND huyện Tuy Phong trong một ngày đã ký cấp hai sổ đỏ cho thuê đất thời hạn 50 năm trong khi chưa công khai quy hoạch, lập hồ sơ bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư cho người dân. Cả hai giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hơn 41 ha trên đều do ông Huỳnh Văn Điển, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong, ký.

Nguồn tin của Pháp Luật TP.HCM cho biết hợp đồng cho thuê đất được ký ngày 24-7-2017 giữa bên thuê là ông NHA và bên cho thuê là ông Võ Việt Hùng, trưởng Phòng TN&MT, đại diện cho UBND huyện Tuy Phong.

Về ông Võ Việt Hùng, tháng 3-2019, ông này đã bị khởi tố, bắt tạm giam do có hành vi vi phạm các quy định về quản lý đất đai ở một khu đất khác cũng ở huyện Tuy Phong. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm