Ngày 25-11, Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức diễn đàn chính sách thực trạng và giải pháp phòng ngừa, ứng phó bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái. Tại đây, nhiều người cho rằng hành vi quấy rối tình dục ngày càng lan rộng và diễn ra bất kỳ thời gian, thời điểm nào.
Nguy cơ cao hơn TNGT
Bà Nguyễn Phương Thúy, quyền Trưởng phòng Chính sách và chiến dịch ActionAid tại Việt Nam, cho biết theo kết quả khảo sát 2.046 người dân ở khu vực TP.HCM và Hà Nội, 45% người được hỏi (cả nam và nữ) đồng tình rằng quấy rối tình dục là nguy cơ xảy ra cao nhất đối với phụ nữ và trẻ em gái ở nơi công cộng so với các rủi ro khác như TNGT, cướp giật, móc túi.
Đặc biệt có tới 87% phụ nữ và trẻ em gái đã từng bị quấy rối tình dục và có tới 89% nam giới và người chứng kiến đồng ý. Các hành vi quấy rối tình dục thường thấy bao gồm huýt sáo, trêu ghẹo, bình phẩm về hình thức bề ngoài, nhìn chằm chặm vào một bộ phận nhạy cảm trên cơ thể và sờ mó một cách vô ý vào người đối phương.
91% phụ nữ, trẻ em gái TP.HCM và 83% tại Hà Nội từng trải qua ít nhất một trong các hình thức quấy rối được đưa ra: "Những người gây ra hành vi quấy rối nhiều nhất thuộc nhóm tuổi 15-25 tuổi, trong đó đường phố là nơi xảy ra hành vi quấy rồi nhiều nhất..." - bà Thúy thông tin.
Theo bà Thúy, đa số hành vi quấy rối tình dục được mọi người cho rằng đó là hành vi đùa giỡn, các hành vi quấy rối thường xảy ra nhanh nên không có bằng chứng. Bên cạnh đó, pháp luật chưa có chế tài thực sự nghiêm khắc để ngăn chặn các hành vi quấy rối tình dục nơi công cộng.
Các kênh hỗ trợ phụ nữ, trẻ em gái khi bị quấy rối tình dục như đường dây nóng của công an, đường dây nóng cho phụ nữ, trẻ em ít được tận dụng vì họ cho rằng sự việc không nghiêm trọng, thiếu tin tưởng vào công an... Khi gặp những hành động trên, phụ nữ và trẻ em gái thường tìm cách tự bảo vệ mình bằng cách hạn chế ra ngoài khi trời tối, tránh mặc áo "mát mẻ" và tự trang bị cho mình các vật dụng để tự vệ phòng trường hợp bị tấn công.
Phải chấm dứt sự im lặng
Bà Ritsu Nacken, quyền Trưởng Đại diện Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam, cho rằng để chấm dứt sự im lặng trong bạo hành tình dục trước hết cần thay đổi suy nghĩ và thái độ của người dân về bạo lực giới, đặc biệt là bạo lực tình dục, bao gồm quấy rối tình dục. Nam giới cần phải nhận ra rằng phụ nữ có quyền được bình đẳng như nam giới và nam giới cần tôn trọng quyền của phụ nữ được an toàn trong bất kỳ môi trường nào, tại nhà, nơi làm việc và nơi công cộng.
Tiếp đến, cần có những cải tiến trong hệ thống pháp luật hiện hành cũng như quá trình thực thi hệ thống pháp luật đó để đưa những vụ bạo lực tình dục ra ánh sáng công lý. Điều này là phù hợp với các khuyến nghị mới đây của ủy ban về xóa bỏ phân biệt đối xử đối với phụ nữ, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phải áp dụng các hình phạt đối với các hình thức bạo hành phụ nữ.
Đồng tình, bà Nguyễn Phương Thúy cho rằng công an cũng cần tăng cường lực lượng nữ công an giải quyết các trường hợp bạo lực, đường dây nóng để người dân tham gia phản ánh vấn đề. Đồng thời xây dựng và áp dụng quy trình chuẩn cho việc khai báo các hành vi bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái ở nơi công cộng...
Bạo lực tình dục trong gia đình, khó nói "Hầu hết mọi người cho rằng bạo lực tình dục chỉ xảy ra bên ngoài gia đình và được gây ra bởi những người xa lạ, trong khi trên thực tế điều này không phải luôn luôn đúng. Nhiều phụ nữ không an toàn ngay trong ngôi nhà của mình. Họ bị chồng cưỡng hiếp hoặc bị ép buộc quan hệ tình dục. Tuy nhiên, họ thường quá sợ hãi và không dám nói ra". Bà Ritsu Nacken, quyền Trưởng Đại diện Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam. |