Theo hãng tin AP (Mỹ), tín nhiệm nợ của Hy Lạp đã có dấu hiệu tăng, giá các loại cổ phiếu tăng trung bình 28% trong năm 2013 dù vẫn còn thua xa mức trước khủng hoảng, lãi suất trái phiếu giảm dần (lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm từ 13% hồi tháng 3-2013 giảm xuống còn 8,42% cuối năm 2013).
Cùng với việc tiếp nhận ghế chủ tịch Liên minh châu Âu, lời hứa của chính phủ Hy Lạp trong năm mới 2014 là sẽ đưa đất nước ra khỏi cuộc khủng hoảng đã kéo dài sáu năm. “Sau sáu năm khổ ải dằng dặc, 2014 là một năm hứa hẹn tăng trưởng. Năm 2014, Hy Lạp sẽ trở lại thị trường, sẽ trở lại là một nước bình thường” - Thủ tướng Antonis Samaras lạc quan trong thông điệp năm mới.
Người vô gia cư cầm thức ăn từ thiện được chính quyền Athens phân phát trong ngày đầu năm 1-1-2014. Khủng hoảng đã làm lượng người vô gia cư ở Hy Lạp tăng cao. Ảnh: AP
Liệu ông có lạc quan quá mức? Năm 2014, Hy Lạp vẫn đang gánh khoản nợ công cao ngất ngưởng dù phần lớn trong các khoản vay từ EU (tổng cộng 240 tỉ euro) đã được giải ngân. Nhiều khả năng mức nợ công tương đương 176% GDP hiện tại sẽ buộc Hy Lạp tìm thêm giải cứu từ EU.
Khủng hoảng tài chính đã khiến kinh tế Hy Lạp co rút 1/4, làm hơn 1 triệu người thất nghiệp (tỉ lệ thất nghiệp từ 7,2% trước khủng hoảng (năm 2008) tăng lên 27% vào quý III-2013, cao nhất trong 34 nước thuộc khối Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế - OECD). Hơn 70% người mất việc làm vì khủng hoảng không tìm được việc mới trong thời gian trung bình hơn một năm.
Chưa hết, Hy Lạp còn đối mặt với tình trạng bất đồng chính trị. Sự ủng hộ nhận giải cứu từ EU và các biện pháp thắt lưng buộc bụng của liên minh cầm quyền hiện tại nhận sự phản đối của các đảng đối lập và một bộ phận lớn người dân.
THIÊN ÂN